Thị trường chế biến, xuất khẩu cũng hứa hẹn nhiều khi sắc, nhất là mức thuế chống bán phá giá tôm xuất khẩu từ Việt Nam đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa về 0%.
Đa dạng hình thức nuôi
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tôm nuôi nước lợ đã và đang chứng minh là vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trong tỉnh. Năm 2019, tỉnh đạt mục tiêu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 834.000 tấn, trong đó riêng sản lượng tôm nuôi đạt 76.000 tấn.
Thị trường tôm khởi sắc giúp nông dân mạnh dạn đầu tư thả nuôi, với các hình thức nuôi rất đa dạng |
Theo ông Thao, hiện nay con tôm được nông dân Kiên Giang thả nuôi với nhiều hình thức, nuôi quảng cảnh tôm - lúa, tôm sinh thái dưới tán rừng phòng hộ ven biển, nuôi xen canh, nuôi ghép nhiều loại như: tôm sú - tôm thẻ - tôm càng xanh, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi bán thâm canh, thâm canh công nghiệp, nuôi 2 - 3 giai đoạn và siêu thâm canh công nghệ cao… Mỗi loại hình thả nuôi đều có những lợi thế riêng, thể hiện sự sáng tạo của nông dân trong thực tiễn sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, nông dân Kiên Giang đã thả nuôi được 119.500ha tôm, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm nuôi công nghiệp là 1.081ha. Hiện mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng các địa phương đã ghi nhận sản lượng tôm nguyên liệu đạt gần 15.500 tấn, tăng tới 41,8% so với cùng kỳ.
An Minh là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Kiên Giang, với diện tích thả nuôi lên đến 107.536ha, trong đó 2 đối tượng chủ lực là tôm sú (47.832ha) và cua biển (46.946ha). Từ đầu năm đến nay, sản lượng thu hoạch chính vụ đạt 17.322ha, sản lượng 8.199 tấn, riêng sản lượng tôm nuôi đạt 3.321/21.543 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT An Minh đánh giá, năm nay nước nặm xâm nhập sớm nên người dân có điều kiện thả giống sớm. Thời tiết cũng khá thuận lợi nên tôm phát triển tốt. Chẳng hạn vùng nuôi tôm - lúa của huyện, đến nay nông dân đã thả đạt 100% diện tích, với 39.017ha, trong đó có 7.000ha nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Một số diện tích đã bước vào thời kỳ thu hoạch, năng suất đạt khá.
Trong lao động sản xuất, sự sáng tạo của người dân là vô cùng. Từ mô hình con tôm ôm gốc lúa (tôm - lúa), đến nay nông dân còn sáng tạo ra mô hình com tôm ôm bó rơm. Lý do là sau nhiều năm đưa nước mặn vào nuôi tôm, một số diện tích đất đã bị nhiễm mặn, cây không không thể sinh trưởng phát triển được nữa. Trong khi đó, cây lúa được xem là cỗ máy xử lý môi trường sau vụ tôm, đồng thời gốc rạ là môi trường lý tưởng cho tôm con đeo bám, khi phân hủy sẽ sản sinh sinh vật làm thức ăn cho tôm.
Khi không còn gốc rạ, người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đã dùng những bó rơm lúa mua từ nơi khác về để thả xuống vuông tôm, nhằm cải tạo nước, tạo môi trường sinh sống cho các loài thủy sản dưới vuông nuôi. Rơm gặp môi trường nước lâu dần sẽ tạo ra chất xúc tác làm giảm độ kiềm trong vuông nuôi. Đồng thời, tạo ra nơi tránh trú cho tôm trong mùa nắng nóng. Khi rơm mục, sẽ tạo ra nguồn thức ăn cho các loài thủy sản, nhất là tôm, cua. Có hộ còn dùng rơm lúa kết hợp men vi sinh để cải tạo nước, giúp các đối tượng nuôi phát triển nhanh.
Theo các chuyên gia, với việc được giảm thuế, chắc chắn giá tôm nguyên liệu sẽ được khởi sắc hơn |
“Để đạt được mục tiêu 4,2 tỷ USD trong năm 2019, thì các DN cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm VN. Ngoài việc giữ vững các thị trường chủ lực như: Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản… thì cũng cần định vị lại theo hướng tích cực đối với thị trường Trung Quốc, coi đây là thị trường lớn, rất nhiều tiềm năng. Xu hướng XK từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng đường biển đang gia tăng đáng kể, giảm nhiều rủi ro và hạn chế trung gian”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK Thủy sản VN (VASEP). |
Tại Bạc Liêu, Sở NN-PNTN tỉnh này đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch nuôi tôm thâm canh quy mô nông hộ trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 36 hộ tham gia thực hiện mô hình, diện tích 138,8ha/89 ao nuôi với diện tích mặt nước 104,15ha.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp với Tổ chức WWF Việt Nam hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ. Phối hợp với Hội Thủy sản thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh và xen canh trong ruộng lúa tại vùng chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ. Phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức 1 cuộc hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông năm 2019”.
Sáng cửa
Không chỉ người nuôi mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cũng kỳ vọng năm 2019 sẽ là năm sáng sủa của con tôm nước lợ. Ngay trong quý đầu tiên của năm 2019, nhiều địa phương đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Ông Trần Doanh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu đánh giá, hầu hết các sản phẩm chủ yếu của ngành đều có mức tăng so với cùng kỳ như: Sản lượng chế biến thủy sản xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 20.202 tấn, tăng 10,74% so với cùng kỳ. Riêng thủy sản xuất khẩu tháng 3 ước đạt 5.467 tấn, nâng thủy sản xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 15.308,50 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đông lạnh đạt 14.905,5 tấn, thủy sản khác đạt 403 tấn.
Tin vui mới đây nhất đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, đó là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá tôm xuất khẩu từ Việt Nam đã được đưa về 0%. Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) Hồ Quốc Lực cho biết: “Với mức thuế 0%, chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Với mức thuế này sẽ tạo lòng tin cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ duy trì và mở rộng mua tôm từ Việt Nam”.
Việc được giảm mức thuế về 0% sẽ mở rộng đường hơn cho con tôm Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, tăng tính cạnh tranh |
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành tôm, việc được giảm mức thuế về 0% sẽ mở rộng đường hơn cho con tôm Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể là tạo lợi thế cạnh tranh về giá với các đối thủ cùng xuất khẩu tôm vào thị trường này như Ấn Độ, Indonesia… Việc xuất khẩu được thuận lợi cũng sẽ tạo ra cú hích đối vợi thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Vì khi bị áp thuế xuất cao, doanh nghiệp sẽ tính toán vào chi phí, vào giá thu mua nguyên liệu. Nên khi thuế giảm, chắc chắn giá tôm nguyên liệu sẽ được khởi sắc hơn.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh phát triển rất nhanh. Với lợi thế này, địa phương phấn đấu trong thời gian tới sẽ trở thành thủ phủ nuôi tôm công nghệ cao của cả nước, như kỳ vọng của Thủ tướng, nhiệm vụ này là rất khả thi. Ông Trung biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, sẽ xây dựng phân khu trung tâm với tổng diện tích xây dựng hơn 103ha, đây được xem là hạt nhân chính của toàn khu được ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư 520 tỷ đồng. Trong thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu này. Bên cạnh khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hiệp Thành, thì trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn có khoảng 200 mô hình ứng dụng công nghệ cao cho các hộ dân nuôi tôm. Ngoài ra, Bạc Liêu còn hướng tới là trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tôm, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất chế biến, bảo quản tôm; nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm; nghiên cứu, trình diễn các ngành công nghiệp phụ trợ; đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… |