Hơn một năm kể từ vụ vỡ đập lần đầu ngày 12/6/2013, đến ngày 1/8/2014, cũng ngay tại vị trí lần trước, công trình thủy điện Ia Krêl 2 lại “tháo ngòi” quả “bom nước”, bất ngờ xối lên đầu hàng vạn người dân vùng biên giới xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
KỊCH BẢN CŨ
Thủy điện Ia Krêl 2 nằm trên suối Ia Krêl, do Công ty CP Công nghiệp& Thủy điện Bảo Long- Gia Lai làm chủ đầu tư với tổng vốn xây dựng 120 tỷ đồng.
Công trình gồm 2 tổ máy với tổng công suất 5,5MW, sản lượng điện khoảng 22,5 triệu kWh/năm. Khởi công xây dựng vào tháng 9- 2009, dự kiến hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia vào tháng 7/2011. Tuy nhiên đến nay, công trình này mới chỉ đạt “thành tích”: Hai lần “dội bom” nhân dân!
Lần đầu (ngày 12/6/2013), thủy điện này đã bị vỡ thân đập do thiết kế sai ống dẫn dòng, cuốn phăng nhiều nhà cửa, trâu bò, đất canh tác của 143 hộ dân, chủ đầu tư phải đền bù 1,7 tỷ đồng thiệt hại.
Trong khi chưa được phép thi công lại thì ngày 28/4/2014, Cty này đã tự ý ngăn đập, chặn dòng. Biết chuyện, người dân báo cáo chính quyền địa phương. UBND huyện Đức Cơ cũng đã kịp thời phát hiện sai phạm và có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đề nghị vào cuộc, yêu cầu thủy điện Ia Krêl 2 ngừng ngay việc tích nước.
Chưa kịp vào cuộc, chưa kịp xử lý thì công trình lại dội nước lên đầu dân lần thứ hai vào ngày 1/8/2014 với y “kịch bản” cũ: Vượt mặt chính quyền và ngành chức năng; xem thường tính mạng và tài sản của nhân dân; gian dối trong quá trình thi công, giám sát…
THIỆT HẠI MỚI
8 giờ sáng ngày 1/8/2014, hàng trăm người dân thuộc các làng Bi, Mok Đen, Ó…(xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ) đang làm rẫy thì bị một phen hoảng loạn: Ầm ào thác lũ gào thét đổ về, cuốn phăng bất cứ thứ gì trên đường đi.
Vẫn là vỡ đập ở vị trí lần trước, với nguyên nhân gần như nhau. Tuy nhiên thiệt hại lần này lại lớn hơn gần gấp 5 lần so với lần trước. |
Thung lũng Ia Dom- trong chốc lát đã ngập chìm trong biển nước. Người dân vứt bừa nông cụ, ào chạy lên đỉnh các ngọn đồi, leo lên ngọn cây cao chạy trốn thủy thần.
Làm việc với UBND xã Ia Dom, Phó Chủ tịch Ngô Hữu Thiện, cho biết: “Tính đến chiều ngày 4/8, ước có trên 8 tỷ đồng thiệt hại do sự cố vỡ đập.
Trong đó, 179 hộ dân xã Ia Dom thiệt hại khoảng 4-5 tỷ đồng (trên 400 ha hồ tiêu, cao su bị nhấn chìm trong nước), Công ty 72 (Tổng Cty 15) là 3,5 tỷ đồng với 150ha cao su bị ảnh hưởng”...
Người dân xã Ia Dom sống chủ yếu dựa vào cây sắn. Trận lũ này đã gần như xóa sổ toàn bộ diện tích sắn trên địa bàn xã. “Trong năm nay và năm tới, dân xã chúng tôi chắc chắn không thoát khỏi nạn đói nghiêm trọng, nếu không được cứu trợ kịp thời”- ông Thiện than vãn.
Được biết, Công ty Bảo Long- Gia Lai đã nhanh chóng “sửa sai” bằng cách gửi ngay 179 phần quà (300.000 đồng/phần) đến các hộ dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, bài toán cứu đói lâu dài thì vẫn chưa có đáp án.
Sau sự cố trên, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Công thương Gia Lai, mở cuộc họp khẩn với sự tham gia của UBND huyện Đức Cơ và Cty Bảo Long- Gia Lai.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về, đê quai đang đắp tạm bằng đất, không chịu được áp lực nước, bị vỡ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã chủ quan khi không có phương án giảm xả lượng nước khi nước đổ về quá lớn.
Nguyên nhân ban đầu thì đã sớm được xác định, nhưng còn nguyên nhân sâu xa thì có ai mạnh dạn đứng ra chỉ rõ? Đó là sự dối trá, qua mặt chính quyền địa phương và ngành chức năng; đó là việc xem thường tính mạng của nhân dân; đó còn là việc cẩu thả của chủ đầu tư và các bên liên quan.
Nhân dân còn có quyền đặt câu hỏi: Trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra công trình thủy điện Ia Krêl 2 của Sở Công thương tỉnh Gia Lai ở đâu?
Trước đó, khi phát hiện những sai phạm của Công ty Bảo Long- Gia Lai tích nước ngày 28/4, nhận thấy nguy cơ vỡ đập lần thứ hai, GĐ Sở Công thương- ông Huỳnh Ngọc Tục khẳng định, đã ra văn bản đình chỉ thi công, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư xả hết nước lòng hồ. Thế nhưng, đập này đã bị vỡ vào ngày 1/8, tạo thành quả “bom nước” đổ xuống đầu người dân.