| Hotline: 0983.970.780

Vựa lúa trúng mùa, được giá

Thứ Tư 25/03/2020 , 06:03 (GMT+7)

Hiện ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân cuối vụ, tuy chịu áp lực của hạn, mặn nhưng phần lớn nông dân đều vui mừng vì lúa năng suất cao và được giá.

Thu hoạch lúa ĐX ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch lúa ĐX ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chi phí thấp, giá cao 

ĐBSCL đang trong cao điểm thu hoạch cuối vụ, nông dân phấn khởi vì lúa trúng mùa còn bán giá cao hơn từ 300 - 600 đồng/kg so với đầu vụ. Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ…, thương lái mua lúa tươi tại ruộng giống Jasmine 85 và Đài Thơm 8 ở mức 5.200-5.500 đồng/kg, trong khi trước đây giá chỉ ở mức 4.800-4.900 đồng/kg.

Tương tự, giá lúa tươi IR 50404 và các loại lúa OM như OM 5451, OM 9577, OM 9582… ở mức 5.000 - 5.300 đồng/kg, trong khi trước đây giá 4.400-4.700 đồng/kg. Với mức giá này nông dân nhận định có thể đạt mức lời từ 3-3,5 triệu đồng/công.

Ông Lê Văn Đài, ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: Năm nay vụ lúa ĐX gia đình có 2ha giống lúa OM 5451, vừa thu hoạch xong với năng suất 7,6 tấn/ha, bán liền cho thương lái tại ruộng với mức giá 5.300 đồng/kg.

Năm nay sản xuất lúa chi phí thấp, do thời tiết thuận lợi ít sâu bệnh, cuối vụ cho năng suất cao, thương lái đến mua khen lúa đẹp vì vậy năm nay ông Đài cò khoản lãi gần 28 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Toàn tỉnh đã thu hoạch 190.000/229.392 ha, ước sản lượng cả vụ đạt gần 1,682 triệu tấn, tăng 22,6 ngàn tấn so với cùng kỳ năm rồi. 

Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp thực hiện thu mua với diện tích 1.578 ha, sản lượng 12.306 tấn. Hiện các vùng có hợp đồng liên kết tại An Giang cũng đã triển khai thu mua được khoảng 50% diện tích ký hợp đồng.

Vụ lúa ĐX năm nay nhiều nông dân phấn khởi vì trúng mùa còn bán được giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ lúa ĐX năm nay nhiều nông dân phấn khởi vì trúng mùa còn bán được giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết, vụ ĐX 2019-2020 nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được 289.837 ha, vượt hơn 800 ha so với kế hoạch đề ra.

Đã vào cuối vụ thu hoạch, năng suất lúa bình quân ước đạt 7,26 tấn/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 2,1 triệu tấn. Diện tích đang thu hoạch còn lại chủ yếu là gieo sạ trễ hoặc các giống lúa dài ngày.

Hiện giá lúa đang tăng cao, nông dân thu hoạch đạt lợi nhuận khá. Cụ thể, các loại lúa thường IR 50404 giá từ 5.000-5.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao như Jasmine 85, RVT, Đài Thơm 8… có giá từ 5.800-6.000 đồng/kg.

Sau khi thu hoạch, một số nơi nông dân đã tiến hành gieo sạ lại lúa xuân hè (hè thu sớm), với tổng diện tích gieo trồng hơn 33.000 ha, tập trung ở huyện Giồng Riềng hơn 19.000 ha, Giang Thành 11.000 ha, Hòn Đất 1.900 và Gò Quao gần 900 ha.

Tại tỉnh Hậu Giang, vụ lúa ĐX 2019-2020 nông dân đã xuống giống vượt kế hoạch 820 ha, đạt 77.820 ha. Các giống lúa sử dụng chủ yếu là OM 5451, chiếm gần 33%, OM 18 chiếm 22,3%, RVT chiếm 13%, Đài Thơm 8 chiếm 18,3%, còn lại là các giống gồm IR 50404, Jasmine 85, ST 24… Diện tích còn lại trên đồng đang ở giai đoạn trổ, chín.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Hậu Giang cho biết, đến trung tuần tháng 3, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 61.000 ha, năng suất bình quân khá cao, đạt 7,78 tấn/ha. Các địa phương đạt năng suất cao như huyện Phụng Hiệp, TX Long Mỹ đạt từ 8,1 - 8,2 tấn/ha.

Đến nay, nhiều huyện như: Vị Thủy đã thu hoạch dứt điểm 17.276 ha, Châu Thành A 8.200 ha, Phụng Hiệp 10.500/20.000 ha, Long Mỹ 14.500/17.769 ha… 

Không chỉ đạt năng suất cao, nông dân còn phấn khởi khi giá lúa đang tăng mạnh. Cụ thể, giá lúa OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8… từ 5.200 – 5.400 đống/kg, cao hơn so với cùng kỳ từ 100-300 đồng/kg. Riêng giống lúa RVT đang cao hơn cùng kỳ 800-900 đồng/kg, đang ở mức 6.200 - 6.400 đồng/kg.

Cuối vụ lúa ĐX nhiều nông dân bán giá cao hơn từ 300 - 600 đồng/kg so với đầu vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cuối vụ lúa ĐX nhiều nông dân bán giá cao hơn từ 300 - 600 đồng/kg so với đầu vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt, giống lúa thơm chất lượng cao, cho gạo ngon bậc nhất thế giới ST 24 đang có giá khá cao, từ 7.200 - 7.400 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ khoảng 2.000 đồng/kg.

Còn tại TP Cần Thơ nông dân thu hoạch các trà lúa đông xuân xuống giống muộn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh phấn khởi lúa trúng mùa và bán được giá cao hơn ít nhất khoảng 500 - 600 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, vụ ĐX 2019-2020, nông dân trên địa bàn thành phố gieo trồng 79.244ha lúa, đạt 99% kế hoạch, thấp hơn 2.039ha so với cùng kỳ.

Đến ngày 24/3, thành phố đã thu hoạch được 79.213ha lúa, chiếm 99% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 72,17 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ 1,2 tạ/ha.

Sôi động thị trường

Bình quân 1ha nông dân đạt năng suất trung bình từ 6,8-8 tấn/ha, sau khi trừ hết chi phí còn lãi từ 28 – 33 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bình quân 1ha nông dân đạt năng suất trung bình từ 6,8-8 tấn/ha, sau khi trừ hết chi phí còn lãi từ 28 – 33 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Trần Văn Nhã, thương lái thu mua lúa gạo ở huyện Thới Lai đang đợi tài đến bán lúa cho một doanh nghiệp thu mua lúa gạo xuất khẩu ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Anh Nhã cho biết: Một tháng trước thị trường lúa gạo còn trầm lắng không dám đi mua lúa của ai hết, mặc dù đang vào vụ.

Từ khi có thông tin giá lúa tăng trở lại vài trăm đồng/kg, tôi bắt đầu cho ghe chạy sang các tỉnh còn lúa như An Giang và Kiên Giang mua đầy chiếc ghe 30 tấn tranh thủ đem đi xay bán cho doanh nghiệp.

Anh Nhã cho biết thêm, thị trường lúa gạo bắt đầu nóng trở lại, và còn sẽ tăng thêm vì hiện nay lúa trên đồng ở các tỉnh như Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang và Đồng Tháp… đa phần đã vào cuối vụ nên lượng lúa rất ít so với đầu vụ. Ghe lúa đầu tiên đi mua sau đợt tăng giá, anh Nhã có lợi nhuận gần 4 triệu đồng/chuyến.

Lúa đông xuân ở ĐBSCL đang vào cuối vụ sản lượng giảm nhưng thị trường lúa gạo đang rất sôi động, giá đang tăng từng ngày. Giá gạo xuất khẩu hiện đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời: Hoạt động xuất khẩu gạo của Lộc Trời trong năm 2020 tập trung vào phân khúc cao cấp và chú trọng xây dựng thương hiệu như thị trường EU.

Từ đầu năm 2020, Lộc Trời đã dành thời gian xây dựng quy trình kinh doanh mới, làm việc lại với các khách hàng để thuyết phục họ đặt hàng trước ít nhất 4 tháng (với Jasmine thì phải đặt muộn nhất tháng 8 hàng năm để kịp vụ ĐX năm sau).

Tuy nhiên hiện nay đang cao điểm mùa dịch Covid-19, lúa gạo Việt Nam được nhiều nước tăng cường nhập khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên hiện nay đang cao điểm mùa dịch Covid-19, lúa gạo Việt Nam được nhiều nước tăng cường nhập khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với quy trình này ngành lương thực sẽ phối hợp với Cty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời sắp xếp vùng nguyên liệu chuyên canh theo quy trình chất lượng cao của Tập đoàn theo hướng sản xuất bền vững SRI.

Chủ động tất cả các khâu của chuỗi giá trị, cũng chính là thế mạnh khác biệt của Lộc Trời từ giống, vật tư, dịch vụ công nghệ cao, nhật ký đồng ruộng, nhân viên 3 cùng tư vấn theo dõi chặt chẽ, lúa khi thu hoạch được bảo quản và xay xát ở các nhà máy chế biến đạt chuẩn quốc tế.

Như vậy sẽ đảm bảo gạo có độ thuần cao, đạt chứng nhận tùy yêu cầu thị trường của khách hàng và nhất là truy xuất được nguồn gốc. Phản hồi của các khách hàng rất tích cực và hoạt động bán hàng chắc chắn sôi động hơn từ tháng 3.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Diễn tập cứu hộ tàu vận tải và tàu khai thác thủy sản đâm nhau

THỪA THIÊN - HUẾ Theo kịch bản tình huống giả định diễn tập, tại khu neo Chân Mây xảy ra vụ đâm tàu giữa tàu vận tải và tàu khai thác thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.