| Hotline: 0983.970.780

Vựa tôm càng xanh trên vùng núi đá ong Đồng Nai

Thứ Năm 23/01/2020 , 15:14 (GMT+7)

Vùng Trà Cổ đầy rẫy đá ong nhưng người dân nơi đây clại nuôi được giống tôm càng xanh đặc sản, ngon nức tiếng.

Bấy lâu nay, vùng đất đầy rẫy đá ong xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai) được xem là “thủ phủ” nuôi tôm càng xanh của tỉnh.

Tại địa phương này, người dân dùng những ống nhựa để kéo nước sạch từ các con khe núi về đổ vào ao và thả tôm. Nhờ nguồn nước tự nhiên mát lành, trong sạch nên tôm phát triển nhanh và thịt có độ ngon, ngọt hơn so với tôm những vùng khác.

Với nghề nuôi tôm càng xanh đặc sản, người dân Trà Cổ có nguồn thu nhập cao.

Một nông dân cho biết, nghề nuôi tôm càng xanh ở Trà Cổ đã bước sang năm thứ 20 và diện tích ao nuôi đang gia tăng. Người đàn ông này vừa nhìn về khoảng ao mênh mông bên căn nhà cấp 4 vừa mấp máy nhẩm tính: “Hồi đầu chỉ có mấy hộ nuôi và đến khoảng năm 2016 thì có hàng chục ao hồ, lớn nhỏ với tổng diện tích lên đến trên 30ha. Đến độ tết này thì diện tích nuôi tôm lên đến 54ha”.

Người nuôi tôm càng xanh ở Trà Cổ áp dụng quy trình chăm sóc truyền thống, ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Để tôm béo chắc, thịt ngon, họ thường dùng hạt bắp ngô trộn chung các loại cá nhỏ rồi cho vào nồi lớn nấu chín. Khi số thức ăn này mềm nhừ, họ mang rải xuống ao với mật độ thưa để tôm thưởng thức.

Người dân cải tạo các vùng đất đá ong trũng thành ao và lấy nước từ các con khe ở núi để nuôi tôm. 

Anh Đoàn Quốc Nam, người nuôi tôm trên 2.000m2 mặt nước thổ lộ: “Tôm càng xanh là giống sinh trưởng được cả nước ngọt và nước lợ. Ở Trà Cổ, nguồn nước sạch, mát nên chúng phát triển rất mạnh.

Hơn nữa, tôm ở những ao có nhiều đá ong thì phát triển nhanh hơn so với ao thường. Chỉ khoảng 3 tháng sau thả giống là có thể thu hoạch để bán”. Cũng theo anh Nam, những năm gần đây, nghề nuôi tôm cho thu nhập khá nên người dân Trà Cổ đã cải tạo những vùng đất đá ong trũng để làm ao nuôi.

Được nuôi bởi nguồn nước sạch nên tôm càng xanh Trà Cổ to, thịt chắc và ngon nổi tiếng.

Theo người dân, vì nguồn nước được lấy từ các khe trên núi nên về mùa khô bị khan hiếm. Do vậy, thời gian nuôi chỉ kéo dài từ tháng 4 âm lịch đến khoảng tháng giêng năm sau. Thời gian còn lại do nguồn nước cạn kiệt nên người dân phải tạm ngưng và tập trung cải tạo ao hồ. Ông Hoàng Văn Bình cho biết, ao tôm của gia đình rộng 0,5ha và đang bước vào đợt thu hoạch tết. Tôm lớn nhanh nên từ tháng 10 đến nay gia đình thu hoạch gần 1,5 tấn bán cho khách hàng. Cũng theo ông Bình, bình quân, 1ha diện tích ao, hồ sẽ cho thu hoạch khoảng 2-2,5 tấn tôm/năm.

Ở xã Trà Cổ, tôm càng xanh được tiêu thụ bởi các cơ sở chuyên kinh doanh hải sản hoặc nông dân bán trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương… Ông Phạm Trí Tài, một thương lái cho hay, mỗi tuần ông thu 4-5 tấn tôm càng xanh để chuyển cho đối tác. Vì tôm to, chất lượng nên người mua rất hài lòng.

“Loại tôm khách ưa thích nhất là 10-15 con 1kg. Đây là loại ngon mà khách hay dùng để hấp, nướng…”, ông Tài thổ lộ và cho biết thêm giá tôm hiện đang ở mức 180.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi có thể đạt lợi nhuận lên đến 300 triệu đồng/ha.

Bình quân, tôm càng xanh thương phẩm Trà Cổ to và cứ 10-15 con đạt trọng lượng 1kg. 

Ngày nay, để đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao cho thị trường, người nuôi tôm càng xanh Trà Cổ đã chuyển qua sản xuất theo mô hình VietGAP. Theo ông Nguyễn Chí Bình, Phó chủ tịch UBND xã Trà Cổ, địa phương hiện có khoảng 54ha tôm càng xanh, trong đó trên 30ha tôm VietGAP.

Để nghề phát triển hiệu quả, khoảng 3 năm trước, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã cử cán bộ về địa phương để tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân nuôi tôm VietGAP. Đến nay, ở địa phương có nhiều gia đình tự sản xuất một cách bài bản, khoa học và Trà Cổ cũng hình thành Tổ hợp tác thủy sản.

Tôm đang có giá 180.000 đồng/kg nên người nuôi lãi lớn. 

Theo UBND xã Trà Cổ, nghề nuôi tôm cho thu nhập cao nhưng vấn đề nguồn nước bị thiếu vào mùa khô nên người dân không thể sản xuất quanh năm. Chính vì vậy, chính quyền xã đã kiến nghị Sở NN-PTNT Đồng Nai xây dựng mương kéo nước từ đập thủy lợi Đồng Hiệp (xã Phú Điền, Tân Phú) về các ao nuôi. Đến nay, dự án này đang được Sở NN-PTNT khảo sát địa hình và kiểm định chất lượng nước.

Hiện nay, xã Trà Cổ đang thực hiện kế hoạch quảng bá đặc sản tôm càng xanh của địa phương đến các điểm ăn uống, khu du lịch, nhà hàng ở địa phương.

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.