| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề hương xạ tất bật ngày cận Tết

Thứ Năm 23/01/2020 , 10:19 (GMT+7)

Làng nghề hương xạ nổi tiếng Cao Thôn, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên vẫn tấp nập khách mua hương.

Đất nghề hiếm có

Dọc Quốc lộ 39A, hàng loạt sạp hương với đủ màu sắc, hình dáng đa dạng được bày bán hai bên đường. Điểm đặc biệt nhất để nhận biết làng hương Cao Thôn chính là nhờ mùi hương dịu nhẹ từ các loại thảo mộc. Ở đây, chẳng khó để tìm được một địa chỉ bán hương, bởi hầu hết gia đình đều có những sạp hương lớn phơi ngoài cửa.

Hương thành phẩm bày bán trên đường làng 

Nghề làm hương xạ ở Cao Thôn có truyền thống từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua hàng trăm năm, hương Cao Thôn vẫn được đánh giá như một sản phẩm tâm linh quý giá độc nhất mà ít nơi sánh được. Hương nơi đây không chỉ có mùi hương dịu nhẹ, thư thái mà còn bắt mắt và đa dạng về màu sắc, kiểu loại. Cứ độ Tết đến, nhu cầu mua hương lại tăng cao. Ngoài khách mua số lượng lớn theo đơn đặt hàng còn có nhiều khách lẻ tìm đến làng nghề này.

Để kịp tiến độ, dịp này, người làm hương xạ ở Cao Thôn cũng phải thay đổi cách thức sản xuất. Không còn làm thủ công như trước, giờ đây, chỉ bằng một chiếc máy nhỏ gọn, thêm bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, sau vài phút ngắn ngủi đã có thể tạo ra được một thúng hương gần trăm thẻ hương. Dịp cận Tết, người thợ thường phải dậy từ rất sớm, làm việc không ngừng nghỉ để kịp đáp ứng nhu cầu của khách. Trung bình mỗi ngày, một cơ sở nhỏ cũng sản xuất gần 3 vạn que hương.

Hương Xạ Cao Thôn có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng

Dù đã 28 Tết, cơ sở sản xuất cũng nghỉ được một tuần nhưng ông Nguyễn Như Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Cao Thôn, cũng là chủ một cơ sở sản xuất hương, vẫn tất bật hoàn thành các đơn hàng cho khách bán lẻ. Ở Cao Thôn, ông Khanh là một trong số ít người có khả năng làm ra được một que hương chất lượng đúng theo “bí kíp gia truyền”. Cũng nhờ ông Khanh mà nghề làm hương của gia đình mới phát triển từ hộ nhỏ đến một xưởng sản xuất lớn, chuyên cung cấp nguyên liệu gốc cho các hộ dân trong làng nghề. Hiện nay, dù đã truyền lại nghề cho con trai nhưng ông vẫn là người làm chính tại xưởng.

Ông kể: “Trong vòng 5,6 năm gần đây, việc buôn bán hương của làng nghề gặp phải sự cạnh tranh từ của nhiều địa phương sản xuất hương xạ khác như Thường Tín ở Hà Nội hay Hải Dương… Đến năm nay, nhờ thời tiết ưu ái, cộng thêm việc đầu tư mẫu mã nên việc buôn bán của làng nghề cũng dần “khởi sắc” hơn. Tính ra, tốc độ, sản lượng sản xuất 2 tháng Âm lịch cuối năm nay phải bằng 6 tháng đầu năm. Trung bình mỗi hộ sản xuất nhỏ cũng thu nhập khoảng từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng trong dịp này.”

Giữ “linh khí” của làng

Mỗi cơ sở làm hương tại Cao Thôn đều không quá lớn, đa phần  chỉ là các hộ sản xuất nhỏ và vừa. Đến nay, cả làng có hơn 100 hộ dân còn làm hương xạ, trong đó, hơn 10 hộ có hơn 20 nhân công. Người trong làng đa phần đều thuê gia công để làm hương xạ. Ngoài công đoạn trộn nguyên liệu thì se, nén hay phơi khô hương, đóng gói đều thuê người làm thuê. Có khi, nhiều nhà đều làm hương nhưng thực chất chỉ là làm thuê và máy móc cũng từmột ông chủ.

Mỗi cơ sở làm nghề lại có những “bí kíp” riêng để tạo ra mùi hương đặc trưng cho sản phẩm. Nguyên liệu làm hương chủ yếu là các loại thảo mộc như: trầm, ngâu, huỳnh đàn, hồi, quế, thục, tùng, trắc, nhục đậu... cùng nhiều vị thuốc Bắc hoà trộn. Đối với người dân, công thức làm hương là một “hồn cốt” quý báu luôn phải giữ kín và trân quý qua hàng trăm năm, chỉ được truyền lại cho người trong nhà, mà ít nhất cũng phải hơn 50 tuổi mới được truyền.

Nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ nghề làm hương truyền thống

Trên thực tế, để làm được một que hương đạt tiêu chuẩn làng nghề thì những người thuộc thế hệ trẻ tại Cao Thôn đều chưa đủ kinh nghiệm. Dù được học hỏi nhiều năm nhưng họ chỉ có thể làm các loại hương trầm giá thành rẻ. Chưa kể, để có thể sản xuất hương xạ như một nghề kiếm sống, người làm hương còn phải gặp nhiều khó khăn về vốn, nhà xưởng, máy móc,….Vì vậy, để giữ được giá trị sản phẩm làng nghề, đa phần những người làm hương chính trong gia đình đều thuộc thế hệ người có thâm niên hàng chục năm trời trong nghề. Còn phần lớn thế hệ trẻ lại chuyển hướng sang các ngành khác.

Là con của một gia đình có truyền thống làm nghề hương xạ từ hàng trăm nay, cô Nguyễn Thị Phượng (60 tuổi), cho biết: “Thường chỉ có người con trai trong gia đình được truyền nghề, còn người con gái thì chỉ được giao trọng trách đóng gói và làm những bước cơ bản. Nhà tôi chỉ có con gái nên gia đình không thể truyền lại cách thức làm hương chính gốc. Dù vậy, đến giờ, tôi vẫn theo nghề này.”

Nhằm hỗ trợ người dân, chính quyền tỉnh Hưng Yên nói chung và chính quyền xã Bảo Khê nói riêng đã tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả tinh thần như: mở lớp lấy nghệ nhân, những người có tài, tổ chức dạy nghề cho lớp trẻ để giữ được nghề…  Đồng thời, mỗi hộ gia đình cũng có một bí kíp phát triển nghề riêng để truyền thụ nghề và giữ được nét văn hoá cho các thế hệ đời sau.

Ông Nguyễn Như Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Cao Thôn chia sẻ : “Còn nhiều thách thức với người làm nghề ở đất Cao thôn này lắm. Để nâng cao giá trị sản phẩm hương xạ, người làng nghề không thể chỉ chú trọng giữ vững mùi hương, chất lượng truyền thống mà còn phải chú trọng hơn về mẫu mã, cách thức đóng gói cho sản phẩm.

Ngoài ra, chính mỗi người dân và Hiệp hội làng nghề cũng phải đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua các kênh truyền thông. Chỉ có vậy, cái tiếng của làng hương Cao Thôn mới bay xa, lan tỏa rộng”.

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất