| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy sản xuất lúa

Thứ Ba 14/09/2021 , 17:26 (GMT+7)

Nhờ thực hiện tốt chương trình IPM, năng suất lúa ở Hải Phòng nhiều năm qua được cải thiện. Trước đây, lúa chỉ 150 - 180 tạ/sào, nay đã nâng lên gấp rưỡi, gấp đôi.

Ông Đỗ Danh Nghề kiểm tra tuổi sâu lúa vụ mùa 2021 trước khi khuyến cáo người dân phòng trừ. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Danh Nghề kiểm tra tuổi sâu lúa vụ mùa 2021 trước khi khuyến cáo người dân phòng trừ. Ảnh: Đinh Mười.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến một thời kỳ người dân Hải Phòng không còn mấy mặn mà với đồng ruộng, năng suất lúa tụt giảm. Tuy nhiên nhờ thực hiện tốt các phương pháp chương trình IPM, năng suất lúa ở Hải Phòng nhiều năm qua được cải thiện. Nếu như trước đây, lúa chỉ cần đạt được 150 - 180 tạ/sào nông dân đã hài lòng thì nay, năng suất đã nâng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Gần đây nhất, vụ đông xuân 2021, do thời tiết thuận lợi, thêm vào đó, quá trình canh tác người dân tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên đã trúng đậm với năng suất trung bình đạt trên 70 tạ/ha, nhiều nơi đạt năng suất kỳ lục, hơn 80 tạ/ha.

Về xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) thời điểm này, lúa mùa ngoài đồng đã tốt xanh mơn mởn. Dư âm về sự thắng lợi vụ lúa xuân 2021 của bà con nơi đây vẫn còn. Vụ xuân 2021, năng suất lúa ở Kiến Quốc lần đầu ghi nhận cao nhất trong lịch sử (lên tới 83 tạ/ha).

Ông Đỗ Danh Nghề, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kiến Quốc bảo rằng, ông tham gia HTX từ năm 1984 đến nay, mọi sự thay đổi trên đồng ruộng của địa phương ông đều tỏ tường, nhất là chương trình IPM. Với ông Nghề, đây là chương trình hiệu quả nhất làm thay đổi căn bản tư duy sản xuất của nông dân.

Ông Nghề được học IPM từ cách đây hơn 20 năm và hàng năm đều được “xào, xới” lại đều đặn. Đến nay, người dân trong xã vẫn áp dụng đều đặn và hiệu quả IPM trong sản xuất lúa. Qúa trình sản xuất, khi có thông báo của cơ quan chuyên môn, người dân mới thực hiện quy trình sản xuất, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và thậm chí là cả thu hoạch chứ không còn tùy tiện mạnh ai nấy làm như xưa.

Theo ông Nghề, khi chưa được tuyên truyền về IPM, mỗi khi thấy lúa có hiện tượng vàng lá, sâu bệnh…, bà con thường tự mua thuốc phun tràn lan khi chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn hay khuyến cáo. Kết quả là sâu bệnh ngày càng phức tạp, nhiều bệnh mới, năng suất lúa giảm thấp.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng thôn Xuân Chiếng (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), một trong những học viên IPM đầu tiên ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng thôn Xuân Chiếng (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy), một trong những học viên IPM đầu tiên ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Sau này, khi đã có kiến thức về IPM qua nhiều kênh các nhau, người dân đã biết chọn giống, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, qua đó giúp năng suất tăng cao nhiều năm nay. Điển hình vụ xuân 2021, năng suất đã tăng đột biến. “Chúng tôi báo cáo lên huyện chỉ có hơn 70 tạ/ha, nhưng thực tế là hơn 83 tạ/ha”, ông Nghề phấn khởi tiết lộ.

Cũng gần giống với Kiến Thụy, tại huyện Vĩnh Bảo, địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất Hải Phòng với hơn 8.000ha, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp Vĩnh Bảo cho biết, nhiều năm gần đây năng suất và sản lượng lúa của huyện được cải thiện rõ ràng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chương trình IPM giúp nông dân áp dụng tốt việc quản lý dịch bệnh cho cây lúa.

Thông qua các lớp tập huấn và tuyên truyền, tập quán canh tác của người dân thay đổi tích cực, từ việc chọn giống, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Do đó, không chỉ năng suất lúa được cải thiện mà môi trường sinh thái và chất lượng lúa gạo cũng được nâng lên.

“IPM không chỉ giúp quản lý tốt dịch hại, giúp cải thiện năng suất cây lúa mà còn giúp người dân giảm nhiều chi phí trong sản xuất. Nếu trước đây, cấy 1 sào lúa thì mất 2,5 - 3 kg thóc giống thì bây giờ 1 sào cấy chỉ mất 0,6 – 1kg thóc, mà năng suất lại rất cao”, ông Thắng khẳng định.

Lãnh đạo TP Hải Phòng thăm cánh đồng lúa trĩu bông tại huyện Vĩnh Bảo vụ xuân 2021. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo TP Hải Phòng thăm cánh đồng lúa trĩu bông tại huyện Vĩnh Bảo vụ xuân 2021. Ảnh: Đinh Mười.

Rời huyện Vĩnh Bảo, tiếp tục về Tiên Lãng, Thủy Nguyên, An Lão và câu chuyện về những cánh đồng lúa trĩu bông, chất lượng cao được nối dài. Những người nông dân đi làm đồng chỉ cần nhìn qua là biết lúa bị bệnh gì, sâu bao nhiêu tuổi, đã đến thời điểm phun thuốc chưa và có thể chụp ảnh gửi zalo, facebook cho cán bộ trạm khuyến nông để hỏi trực tiếp những vấn đề chưa biết để có thể xử lý tốt nhất...

Năng suất lúa bình quân vụ xuân năm 2021 toàn TP Hải Phòng đạt 70,16 tạ/ha, là mức năng suất bình quân cao nhất từ trước đến nay của toàn Thành phố. Trong đó, năng suất lúa bình quân huyện Vĩnh Bảo ước đạt 70,87 tạ/ha, huyện Tiên Lãng 70,60 tạ/ha, huyện Thủy Nguyên 70,51 tạ/ha, huyện Kiến Thụy 70,10 tạ/ha, huyện An Dương 70,10 tạ/ha và huyện An Lão 69,00 tạ/ha...

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiên Giang khởi động 12 cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Ngoài 2 cánh đồng tại Tân Hiệp và An Minh được Bộ NN-PTNT phối hợp cùng tỉnh khởi động, Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động 10 cánh đồng ở các huyện còn lại.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).