| Hotline: 0983.970.780

Vui xuân không quên ruộng đồng

Thứ Tư 22/01/2020 , 10:20 (GMT+7)

Dự báo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều đối tượng sâu bệnh sẽ gây hại trên lúa ĐX 2019 – 2020. Do đó,ngành nông nghiệp Bình Định đã đề ra các biện pháp phòng trừ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, hiện lúa ĐX 2019 - 2020 đang sinh trưởng và phát triển tốt. Lúa chân cao sạ cưỡng đang giai đoạn tượng khối sơ khởi, làm đòng; lúa chân 3 vụ đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái; lúa chân 2 vụ đang giai đoạn 3 lá, đẻ nhánh rộ. Căn cứ thời tiết hiện tại, ngành chức năng dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cây lúa ĐX sẽ bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại.

Theo đó, đối với cây lúa, chuột sẽ gây hại cục bộ trên mầm lúa mới sạ; lúa đẻ nhánh, đứng cái ở một số địa phương. Bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh gây hại cục bộ trên lúa đẻ nhánh rộ, đứng cái. Rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ gây hại trên lúa trà sớm giai đoạn đứng cái, làm đòng với mật độ phổ biến từ 20 - 50 con/m2, tập trung tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Sâu cuốn lá nhỏ tuổi 3, tuổi 4 tập trung gây hại trên lúa đẻ nhánh, đứng cái với mật độ 3 - 7 con/m2. Ngoài ra, bọ trĩ, ruồi đục lá, ốc bươu vàng cũng gây hại cục bộ trên lúa 3 lá, đẻ nhánh.

Riêng cây ngô sẽ bị sâu keo mùa thu phát sinh gây hại cục bộ trên ngô phát triển từ 3 - 6 lá; cây lạc thì bị bệnh lở cổ rễ, sâu ăn lá gây hại rải rác.

Nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định.

Đáng quan ngại nhất là bệnh đạo ôn. Bởi thời tiết vụ ĐX nắng ấm, biên độ nhiệt ngày và đêm cao, tối và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao nên thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại diện rộng. Để phòng bệnh, ngành chức năng khuyến cáo nông dân bón cân đối phân NPK ở các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Khi bệnh xuất hiện phải dừng ngay việc bón phân, nhất là đạm urê đơn, không sử dụng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng để phun cho lúa. Sau khi phun thuốc, bệnh dừng phát triển thì mới tiến hành bón phân và phun phân bón qua lá.

“Bà con nên sử dụng 1 trong các loại thuốc sau đây để phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện: Thuốc Beam 75 WP liều lương 30 - 40gam thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào lúa (500m2); thuốc Katana 20 SC liều lượng 24ml thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào lúa. Để phun trừ, bà con nên dùng 1 trong các loại thuốc sau đây: Thuốc Fujione 40 WP với liều lượng 50gam thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào lúa; thuốc Ninja 35 SE với liều lượng 50ml thuốc pha 20 lít nước phun cho 1 sào lúa. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, bà con nên phun thuốc phòng bệnh trước và sau khi lúa trỗ 7 ngày để có hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, nhấn mạnh.

Dự báo cây ngô vụ ĐX 2019 - 2020 sẽ bị sâu keo mùa thu phát sinh gây hại cục bộ trên ngô phát triển từ 3 - 6 lá.

Ông Phát cảnh báo thêm: Bệnh đạo ôn lá, cổ lá sẽ phát sinh gây hại phổ biến trong và sau tết, thời điểm từ cuối tháng 1 trở đi, tập trung trên lúa cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, gây hại mạnh đối với các giống lúa BC15, TBR - 1, ĐV 108, Q 5. Còn bệnh đạo ôn cổ bông sẽ bắt đầu phát sinh từ sau Tết Nguyên đán, từ giữa tháng 2 trên chân ruộng 3 vụ giai đoạn trỗ, chắc xanh.

Cũng theo ông Phát, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ phát triển lứa rầy non nở từ ngày 10/2, từ ngày 15 - 25/2 sẽ nở rộ, gây hại cục bộ lúa chân 3 vụ giai đoạn trỗ, ngậm sữa và lúa chân 2 vụ giai đoạn làm đòng. Khi phát hiện rầy có mật độ từ 1.500 – 6.000 con/m2, bà con dùng 1 trong các loại thuốc sau đây để phun: Thuốc Chess 50 WG, liều lượng 3 gói (7,5gam/gói) thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào lúa; thuốc Map Arrow 420 WP, liều lượng 65 - 100 gam thuốc pha với 16 - 24 lít nước phun cho 1 sào, phun vào chiều mát; thuốc Nipy Ram 50WP (Chet Ray), liều lượng 21gam thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào.

Bình Định tiếp tục triển khai công tác diệt chuột trên toàn địa bàn thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối vụ ĐX 2019 - 2020.

“Đối với ruộng có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, bà con cần sử dụng các công thức phun như sau: Thuốc Map Arrow 420 WP, liều lượng 100gam thuốc pha với 24 lít nước phun cho 1 sào, phun vào chiều mát; hoặc 100ml thuốc Bassa 50 EC + 15 gam Chess 50WG pha với 32 lít nước phun cho 1 sào lúa. Còn đối với sâu keo mùa thu hại ngô, cần sử dụng 1 trong các loại thuốc sau để phun: Thuốc Radiant 60SC với liều lượng 20 - 30ml thuốc pha với 24 - 32 lít nước phun cho 1 sào; thuốc Match 50EC với liều lượng 30ml thuốc pha 24 - 32 lít nước phun cho 1 sào. Đặc biệt là phải phun ướt đều cả 2 mặt lá và nách lá”, ông Phát nói.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, ngay cả trong thời gian nghỉ tết, các tổ công tác của Sở vẫn phối hợp chặt chẽ với Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ dịch hại bảo vệ lúa ĐX cả trong và sau tết. Phân công các thành viên trong tổ đứng chân từng địa bàn, phối hợp với cán bộ cơ sở để kiểm tra, giám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ dịch hại đúng theo hướng dẫn kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và BVTV.

“Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục triển khai công tác diệt chuột trên toàn địa bàn tỉnh thường xuyên, liên tục từ nay đến cuối vụ ĐX 2019 - 2020 bằng, nhiều biện pháp”, ông Hổ cho hay.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.