| Hotline: 0983.970.780

Cam Xứ Nghệ mong... trở lại thời xưa

Thứ Sáu 29/11/2019 , 11:52 (GMT+7)

Từ giữa thế kỷ 20, thương hiệu cam Vinh đã vang danh khắp mọi miền cũng như vượt ngàn dặm trường để đến với các nước Đông Âu xa xôi. Lúc bấy giờ nguồn cam chủ yếu phân bổ từ các nông trường quốc doanh thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông, Anh Sơn và Tân Kỳ.

Nghề trồng cam tại Nghệ An đang đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.


Phú quý giật lùi

Tại Nghệ An, cây cam đặc biệt phát triển mạnh vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Trong khoảng thời gian này, cam xứ Nghệ được cánh thương lái và người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng, thậm chí có những thời điểm được xuất khẩu sang cả các nước Đông Âu cũ với khối lượng lên đến hàng nghìn tấn/năm.

Trong hệ thống cam Vinh lúc bấy giờ cam Xã Đoài đứng đầu bảng. Thời điểm hưng thịnh nhất là giai đoạn 1960 - 1980, lúc này dù công nghệ và quy trình vẫn còn thô sơ nhưng nhiều hộ trồng cam vẫn đạt năng suất đến 80 - 90 kg quả/cây.

Trước kia cam Xã Đoài được trồng chủ yếu trong đất thổ cư, đất vườn, nơi có độ dốc thấp từ 0 – 30 độ. Vườn cam trồng thuần rất ít, chủ yếu trồng xen với chanh và các cây ăn quả khác. Đến nay, cây cam đã trồng phổ biến ở các các dạng địa hình khác nhau, từ bằng phẳng đến đồi dốc dưới 10 độ.

Kế đó là cam Vân Du, hầu hết các gia đình đều xác định đây là giống cây chiến lược. Cam Vân Du có đặc tính khỏe cây, quả to, năng suất cao, có thể thích nghi trên mọi loại đất và phát triển ổn định trong mọi yếu tố khí hậu.

Nhận thấy giá trị kinh tế lớn từ cây cam, các địa phương, các nhà sản xuất đã ồ ạt đầu tư nhân rộng quy mô. Tuy nhiên việc phát triển ngoài quy hoạch theo hình thức ăn xổi không mang lại giá trị vững bền.
Cùng vời đó, nhiều địa phương  không ngần ngại “thương mại hóa Cam Vinh” khiến tình hình ngày càng rối ren hơn. Tình trạng trên diễn ra đã lâu nhưng các nhà chức trách gần như không có bất kỳ biện pháp nào để có thể xử lý thấu đáo.

Trong khi đó, dù đảm bảo về chất lượng nhưng cam Sông Con không duy trì được sự ổn định vì tính thích nghi kém, nhất là khi di chuyển khỏi vùng “đất mẹ” Tân Kỳ. Mãi về sau khi tận dụng tốt công năng của các tiến bộ kỹ thuật, cam Sông Con mới dần dà khắc phục được nhược điểm.

Sau cùng là giống cam V2 được chọn tạo bởi Viện Di truyền Nông nghiệp, giống này được trồng thử nghiệm đầu tiên ở vùng Phủ Quỳ.

Cam V2 cho thấy nhiều tính năng vượt trội, nổi bật là khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, rất ít hạt (0 - 5 hạt/quả).

Bên cạnh đó, cam V2 rất dễ bảo quản, thời gian bảo quản trên cây lâu, thành phần và chất lượng nước được đánh giá tuyệt hảo.

Nhìn chung nghề trồng cam trước kia mang lại giá trị kinh tế cao cho các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là sau cột mốc ngày 31/5/2007 khi Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 386/QĐ-SHTT về việc cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 000012 cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An”. Sau thời điểm này, giá cam tăng gấp 10 lần so với trước kia, từ 7.000 đồng/kg năm 2010 lên 60.000 – 70.000 đồng/kg.

Không phải ngẫu nhiên cây cam là một trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Nghệ An, đồng thời được quy hoạch phát triển “vùng cam tập trung từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” nhằm mục đích tạo ra vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.

Một thời ăn nên làm ra. Ảnh: Việt Khánh.


Chấn chỉnh ngay công tác giống

Lo ngại trên không thừa nếu nhìn vào khảo sát mới nhất của cơ quan chuyên ngành, chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, từ 2014 đến 2018 diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An gia tăng với tốc độ chóng mặt, từ mốc trên 3.000 ha lên đến gần 6.000 ha, trong khi quy hoạch phát triển cây có múi của Nghệ An đến năm 2020, diện tích trồng cam toàn tỉnh chỉ là 5.150 ha.

Ghi nhận tại các địa phương sở hữu nhiều tiềm năng trồng cam như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Thanh Chương hay Tân Kỳ, cam được hết sức rầm rộ theo dạng mạnh ai nấy làm, thậm chí nhiều nơi không nằm trong quy hoạch vẫn được các hộ bất chấp nhân rộng. 

Hiện tại là câu chuyện hoàn toàn khác. Ảnh: Việt Khánh.

Cùng với đó là sự nhập cuộc nửa vời của cơ quan chuyên ngành, sự lúng túc của chính quyền địa phương xen cùng ý thức trách nhiệm của chính những người tham gia canh tác. Tất cả tạo thành một mớ hỗn độn khó tìm ra giải pháp tháo gỡ khiến tình hình ngày thêm bi đát.

Trong tổng số 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống toàn tỉnh chỉ vỏn vẹn 15 đơn vị tiến hành đăng ký sản xuất, kinh doanh (Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả - cây công nghiệp Phủ Quỳ, Cty TNHH 1 TV Nông nghiệp Xuân Thành, Cty TNHH Nông – công nghiệp 3/2, Cty CP Cao su Yên Tính…), phần còn lại cơ bản trôi nổi chẳng biết đâu mà lần.

Hiện nhu cầu sử dụng cây giống rất lớn (2015 và 2016 sử dụng từ 700.000 – 800.000 cây/năm; năm 2017 lượng cây giống dao động 550.000 – 600.000 cây), thế nhưng các vùng sản xuất cam tập trung trên địa bàn cơ bản chưa có cây và vườn cây đầu dòng theo đúng quy chuẩn.

Phần lớn cây giống do các tổ chức, cá nhân hộ gia đình tự sản xuất rồi cung cấp ra thị trường, quy trình tự cung tự cấp gần như không “vướng” phải bất kỳ động thái nào từ cơ quan chuyên ngành hay chính quyền sở tại. 

Giống không đảm bảo, cộng thêm yếu tố bất thuận của thời tiết khiến sâu bệnh phát sinh. Nguy hại hơn cả là Greening, vàng lá thối rễ, những căn bệnh được liệt vào dạng “nan y” đang bủa vây khắp các vùng cam trọng điểm.

Điều này khiến tâm lý của người trồng càng thêm phần hoang mang, trong tình cảnh khốn khó họ lại cậy nhờ đến thuốc BVTV và sử dụng vô tội vạ. 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Lập chỉ ra nhiều tồn tại của nghề trồng cam lúc này. Ảnh: Việt Khánh.

“Thực tế diện tích cam hết nhiệm kỳ kinh doanh tại các vùng trọng điểm, các vùng cam cũ khá lớn nhưng người dân không sẵn sàng loại bỏ, qua đó tạo điều kiện cho dịch bệnh gây hại phát triển.

Nhiều địa phương nhận thấy giá trị từ cây cam đã tự ý nhân rộng diện tích mà không tính toán kỹ lưỡng đã dẫn đến lợi bất cập hại, như trong 2 năm 2016 và 2017 trên địa bàn tỉnh mỗi năm trồng mới hơn 1.000 ha. Quá trình thực hiện không đảm bảo tính đồng bộ, các hộ không sử dụng nguồn giống đảm bảo, giống chủ yếu do người dân tự bảo quản hoặc mua trôi nổi, việc làm này càng kéo theo nhiều nguy cơ” - ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.