| Hotline: 0983.970.780

Vùng cam ngon Phủ Quỳ nguy cơ tàn lụi: [Bài 2] Hình thành những vùng cam mới

Thứ Năm 07/11/2019 , 08:45 (GMT+7)

Đây là thời điểm vô cùng khốn khó đối với nghề trồng cam trên địa bàn Nghệ An khi vùng trọng điểm cam Phủ Quỳ như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đang trong bối cảnh rối như tơ vò.

17-53-15_3
Cây cam được "trùm màn" bảo vệ từ gốc đến ngọn.

Trong bức tranh đầy gam màu tối đã xuất hiện những nét tươi sáng, đó là tín hiệu tích cực từ những vườn cam mới.
 

Nhiều kỳ vọng

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An nhấn mạnh, thời gian qua trên địa bàn nổi lên nhiều vùng cam mới đầy triển vọng, bước đầu mang lại giá trị kinh tế ổn định thuộc các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn hay Con Cuông.

Đi đầu phải là Thanh Chương, chỉ qua vài năm toàn huyện này đã nhân rộng diện tích lên đến khoảng 500ha, trong đó phân nửa đã đến thời kỳ thu hoạch. Thành quả trên bắt nguồn từ nhiều nguyên do, bên cạnh ý thức trách nhiệm của người trồng, việc có nguồn giống đảm bảo đóng vai trò then chốt. Xét đến khía cạnh khách quan, nhìn chung quỹ đất mới cơ bản đang ở dạng thô, chưa có sự tác động quá lớn của ngoại cảnh và các yếu tố bất thuận chính là điểm khác biệt.

Theo dõi thực tế, đến năm 2015 toàn huyện Thanh Chương mới có 308ha cam, tập trung phần lớn tại các xã Thanh Đức (115ha), Thanh Thủy (44,5ha), Thanh Nho (27ha), Hạnh Lâm (15ha), phần còn lại chủ yếu trồng quy mô nhỏ lẻ, hình thức manh mún.

17-53-15_5
Anh Dương Văn Hưng ở xóm Sướn, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) chăm sóc cam.

Qua khảo sát đánh giá, một số diện tích cam bước vào năm thứ 8, thứ 9 tại 3 xã Thanh Nho, Thanh Đức và Thanh Thủy, năng suất cao chót vót, đạt đến 120 tạ/ha, vượt xa mức bình quân toàn huyện là 73,1tạ/ha.

Cam là cây trồng khó tính, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về điều kiện thổ nhưỡng cũng như kỹ thuật canh tác. Nếu tháo gỡ được các nút thắt này, kết hợp với quy hoạch vùng phù hợp chắc hẳn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế vững bền cho người dân.

Từ đòi hỏi thực tế, huyện Thanh Chương đã chủ động xây dựng đề án “Phát triển một số cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016-2020”, kể từ đây vị thế cây cam ngày càng được củng cố vững chắc.

Đi sâu vào chi tiết, huyện đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng diện tích lên 500ha, năng suất đạt 120 tấn/ha, phấn đấu 4.800 tấn cam quả. Định hướng phát triển tại các xã vùng Cát Ngạn, gồm Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức, Hạnh Lâm và Thanh Thủy.
 

"Mắc màn” cho cam

Xét toàn cảnh những vùng cam mới, xã Thanh Đức được đánh giá cao nhất, địa phương này hội tụ các yếu tố cần thiết để thực hiện dự án.

17-53-15_2
Mô hình “trùm màn cho cam” của người dân Thanh Đức đang phát huy hiệu quả vượt trội.

Theo Chủ tịch xã Nguyễn Hữu Vĩnh, sau khi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhiều hộ đã tận dụng hiệu quả thông qua xây dựng mô hình thâm canh, đồng bộ theo hướng hàng hóa.

Bám sát đề án của huyện, ngoài việc duy trì những vùng cam cũ, từ 2016 đến nay toàn xã Thanh Đức đã mở rộng trên 70ha cam với khoảng 50 hộ tham gia. Nguồn giống được đặt hàng từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả (Bộ NN-PTNT).

Cuối năm 2017, người trồng lo sốt vó khi hàng loạt diện tích cam non bỗng dưng đổ bệnh với nhiều triệu chứng lạ, trên phần thân xuất hiện chi chít những nốt đen xù xì, trong khi phần lá xoắn tít lại rồi héo queo héo quắt chỉ trong một thời gian ngắn. Các phương án tại chỗ nhanh chóng được triển khai nhưng tình hình không mảy may suy chuyển, trong thế khó các hộ đã cất công tìm đến những vùng cam có tiếng để cậy nhờ các bậc cao nhân.

“Trồng cam tiêu tốn rất nhiều tiền, phải dồn cả của nả vào đó nên không thể thờ ơ được. Dù kinh nghiệm dạn dày đến đâu cũng không thể lường hết được những sự cố ngoài ý muốn, nếu chủ quan thì cái giá phải trả rất đắt. Lúc đó quả thực rất lo, may thay sớm tìm được đúng thầy đúng bệnh nên tổn thất không đáng kể. Ngoài sự cố trên cơ bản diễn biến về sau đều nằm trong tầm kiểm soát, nói chung nghề trồng cam tại địa phương đang đi đúng hướng”, ông Vĩnh khẳng định chắc nịch.

Nghề trồng cam không đơn giản. Khó nhọc nhất là thời kỳ bướm phát triển rầm rộ, diễn ra vào trung tuần tháng 4, tháng 5, lúc này các hộ phải chong đèn suốt đêm, cặm cụi dùng keo dính bắt bằng phương pháp thủ công truyền thống. Công cán vất vả nhưng hiệu quả chỉ ở mức tương đối, dần dà cất công tìm hiểu người trồng đã tìm ra phương án hữu hiệu hơn nhiều, nôm na là “mắc màn cho cam”.

Anh Dương Văn Hưng, thuộc địa bàn xóm Sướn được xem là người đi tiên phong: “Đành rằng nghề trồng cam cho giá trị kinh tế lớn nhưng đổi lại rủi ro luôn tiềm ẩn, nan giải nhất là vấn đề dịch bệnh. Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy việc phủ màn cho cây cam là hướng đi phù hợp”.

17-53-15_4
Anh Dương Văn Hưng là người đi đầu áp dụng mắc màn cho cam.

Gia đình có truyền thống trồng cam trên 20 năm nhưng bản thân anh Hưng mới tách ra gây dựng mô hình được vài năm trở lại đây. Chân ướt chân ráo vào nghề nhưng ở chàng trai này có tố chất của người từng trải, sự am hiểu tường tận, trên hết là sự nhanh nhạy, bạo dạn cần thiết của lớp trẻ.

Ban đầu chỉ triển khai thử nghiệm ở một số ít diện tích, về sau khi nhận thấy thời cơ đã chín muồi Hưng lập tức bắt tay thực hiện trên quy mô hơn 3ha, tổng chi phí sau 5 năm trên dưới nửa tỷ đồng, chưa bao gồm tiền đất.

Riêng mô hình “trùm màn” được gia đình áp dụng từ tháng 6/2018 cho 400 cây, chiếm ½ quy mô, chi phí hết 120.000 đ/cây. Đầu tư bài bản, có định hướng, nhìn chung mọi thứ lúc này thực sự suôn sẻ.

“Sản phẩm làm ra có chỗ đứng, được người tiêu dùng đánh giá cao nên gánh nặng kinh tế sớm được giảm tải. Nếu giữ vững nhịp độ như thế này, đến 2020 gia đình hoàn toàn có thể thu về số vốn đã bỏ ra”, anh Hưng tự tin.

Nhận thấy hiệu quả của việc bảo vệ cây cam từ gốc đến tận ngọn, nhiều hộ dân khác tại địa bàn xóm Sướn, xã Thanh Đức đã mạnh dạn làm theo. Nhờ cách làm độc đáo này không ít hộ thắng lớn, những trường hợp thu về tiền trăm bạc tỷ như Trang Ngọc Tập, Hoàng Kim Hưng hay Dương Văn Thông không hiếm gặp.

Không giấu nổi sự hồ hởi, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp cam Thanh Đức, ông Trần Điển Vi cho biết: “Mô hình “trùm màn cho cam” cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề, không chỉ mang lại giá trị kinh tế vượt trội mà còn bảo vệ môi trường, chất đất hiệu quả. Bên cạnh đó, sử dụng cách này hạn chế tối đa côn trùng gây hại tấn công cũng như quá trình sử dụng thuốc BVTV xuyên suốt thời gian canh tác".

Hiệu quả đã được chứng minh rộng rãi nhưng nhược điểm của chất liệu màn là “tuổi thọ” khá ngắn, thường sau từng năm buộc phải tiến hành thay mới. Vì lẽ đó, từ năm 2020 dự kiến các hộ trồng cam tại Thanh Đức sẽ chuyển sang dùng lưới cước thay thế, chi phí tốn kém hơn (khoảng 240.000 đồng/cây) nhưng bù lại có thể sử dụng tốt trong vòng 3 năm.

Không muốn dẫm vào vết xe đổ của những vùng cam trọng điểm khác, huyện Thanh Chương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, nêu rõ từng phương án để hạn chế tối đa rủi ro. Về điều kiện thổ nhưỡng, nhất thiết phải bố trí quy hoạch trên những diện tích đất đảm bảo tầng canh tác dầy từ 1m trở lên, giàu độ mùn và các chất dinh dưỡng, có khả năng tưới khi nắng hạn.

Quá trình canh tác yêu cầu nguồn giống chất lượng được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các Viện nghiên cứu uy tín. Song song với đó, người trồng sẽ được hướng dẫn bài bản, chi tiết quy trình kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, các chuyến tham quan để củng cố kiến thức cần thiết…

HTX Dịch vụ tổng hợp cam Thanh Đức được thành lập vào tháng 10/2018. Các hộ tham gia phải cam kết tuân thủ quy trình hướng dẫn sản xuất sạch, tuyết đối nói không với sản xuất đại trà, tất cả theo phương châm: “Chất lượng là trên hết”.

Kể từ khi HTX đi vào hoạt động quá trình tiêu thụ sản phẩm diễn ra thuận lợi hơn, thương hiệu cam Thanh Đức ngày càng được biết đến rộng rãi. Dự kiến hết năm nay, cam Thanh Đức sẽ được chứng nhận đủ điều kiện VietGAP.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.