| Hotline: 0983.970.780

Vùng cam Văn Chấn nguy cơ bị xóa sổ

Thứ Ba 22/05/2018 , 14:15 (GMT+7)

Huyện Văn Chấn hiện có gần 1.500ha cam, quýt, bưởi mỗi năm thu 10.000 tấn, đến năm 2020 đạt 2.500ha, tổng sản lượng cam khi đó khoảng 15.000 - 20.000 tấn. Tuy nhiên, bệnh vàng lá thối rễ đang lan rộng có nguy cơ xóa sổ vùng cam tập trung lớn nhất tỉnh Yên Bái…

14-34-00_3
Đồi cam bị bệnh

Đang lang thang trên vùng cam Văn Chấn thì tình cờ nghe anh Nguyễn Đức Thiện, Trạm phó Trạm kiểm soát lâm sản Cầu Gỗ than vãn: Nhà tôi có một đồi cam vài chục cây hai năm nay bị bệnh vàng lá thối rễ chết gần hết. Nặng nhất là cam ở đội 19 thị trấn nông trường Trần Phú chết mấy chục ha, còn ở thôn Bữu, xã Thượng Bằng La cam cũng đang chết, nhiều hộ đã bắt đầu chặt cam…

Tôi giật mình, lần đầu tiên nghe vùng cam Văn Chấn bị bệnh vàng lá thối rễ hoành hành, nên nhờ anh Thiện dẫn tới những hộ trồng cam bị bệnh nghe họ nói xem sao.

Chúng tôi tạt vào vườn cam của gia đình bà Nguyễn Thị Mai, thôn Bữu, nhà nằm ngay sát đường, lúc này đã hơn 10 giờ sáng, nhà vắng teo, gọi í ới một lúc mới thấy bà Mai ở nhà bên kia chạy về. Tôi chỉ vào những cây cam mới trồng gần nhà hỏi: Tại sao những cây cam này đang độ phát triển sao lá vàng oạch thế này? Bà Mai lắc đầu: Chắc những cây này sắp chết rồi, trên đồi chết nhiều hơn, đã phải chặt đi mấy trăm gốc rồi xót ruột quá…

14-34-00_1
Bà Nguyễn Thị Mai Bên cây cam bị bệnh vàng lá thối rễ

Dẫn tôi lên đồi, vườn cam nhà bà Mai đã 5 - 6 tuổi, đây là thời kỳ cây cam phát triển mạnh mẽ nhất, nhưng nom còi cọc, nhiều cây lá mỏng dính úa vàng. Bà chỉ vào hàng cam trồng dọc con đường lên đồi lá có vẻ còn xanh bảo: Những cây này bắt đầu bị bệnh rồi, năm ngoái quả bé tẹo teo, năm nay quả đậu sai đấy nhưng rụng dần rụng mòn, chắc đến lúc thu hoạch chỉ còn vài quả, nhưng ăn chẳng ra gì đâu, coi như bỏ rồi.

Nhà bà Mai trồng khoảng 600 gốc, quy ra diện tích gần 2ha, bệnh vàng lá thối rễ phát hiện từ năm 2017, gia đình đã chặt bỏ hơn 200 gốc. Bà xót xa bảo: Nhà tôi cũng mới bắt đầu thu hoạch mấy năm, mỗi năm thu 40 - 50 triệu, còn năm nay mong thu được bằng nửa năm ngoái cũng khó, giỏi lắm được 20 triệu. Nói rồi bà ngồi cúi xuống bốc cành cam khô vứt vào góc đồi, bà vạch cỏ chỉ vào gốc cam chặt năm ngoái cho tôi xem lắc đầu thở dài: Gia đình chả nhớ đã đầu tư vào đồi cam này mấy trăm triệu, có khi hơn 300 triệu rồi đấy. Bán được ít tiền nào là mua giống, phân bón, thuốc… đổ hết lên đồi cam. Cây đã bị bệnh thế này coi như trắng tay rồi các anh ạ.

14-34-00_2
Bà Mai dọn cành cam đã chặt bỏ

Thấy có người lạ bà Lưu Thị Dung chạy sang, bà Dung cho hay cam nhà bà cũng đang bị bệnh vàng lá thối rễ, bà phải chặt bỏ những cây bị bệnh sợ lây sang các cây khác. Nhà bà trồng 700 gốc, năm ngoái thu được khoảng 200 triệu, mỗi gốc cam bà bón một bao phân chuồng chừng 40kg và 2 - 5kg phân NPK, bà chán chường: Sạt nghiệp thôi bác ạ, nhìn đồi cam đang chết dần chết mòn mà ngao ngán. Chúng tôi chưa biết cách chữa như thế nào để cứu đồi cam…

Theo bà Dung thì những hộ trồng cam ở thôn Bữu gần như nhà nào cũng bị bệnh, trong đó đồi cam của 5 hộ bị nặng nhất, là các hộ: Lưu Thị Dung, Nguyễn Thị Mai, Hà Viết Bằng, Hà Điệp, Hoàng Như và Hoàng Văn Đóa.

Chúng tôi đến nhà anh Đỗ Văn Thắng ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, gia đình anh tham gia mô hình trồng cam VietGAP. Gia đình anh là một trong những tỷ phú vùng cam Văn Chấn, mới xây ngôi nhà đẹp lộng lẫy bên bờ suối. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Chuyên bảo: Nhà tôi xây ngôi nhà này từ trồng cam và buôn bán cam đấy... Anh chỉ lên đồi cam cạnh nhà thở dài: Cam trên đó bị bệnh gần hết rồi, gia đình đã chặt 150 cây. Các đồi khác chưa bị, nhưng chưa biết thế nào, lo lắm…

14-34-00_5
Anh Thắng buồn bã trước những cây cam bị bệnh ngay cạnh nhà

Trao đổi, ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng NN-PTNT Văn Chấn, cho biết: Diện tích cam bị bệnh vàng lá thối rễ là do một loại nấm tấn công từ rễ, khiến cho rễ đen sì bắt đầu từ các rễ nhỏ lan sang các rễ to, khiến lá vàng úa, cây chết dần chết mòn. Đến thời điểm này Văn Chấn có 106ha bị bệnh ở thị trấn nông trường Trần Phú và các xã Minh An, Tân Thịnh, Thượng Bằng La, trong đó nặng nhất là đội 19 thị trấn nông trường Trần Phú.

Ông Toản cho biết Chi cục BVTV đã phối hợp với Trạm BVTV tổ chức được 5 lớp tập huấn phòng bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam với khoảng 300 hộ tham gia, chủ yếu ở thị trấn nông trường Trần Phú.

Như vậy bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam mới xuất hiện từ năm 2017 đến nay đã lây nhiễm và làm chết 106ha, chủ yếu là cam sành, gần bằng 10% diện tích cam Văn Chấn. Nếu tình hình không được ngăn chặn kịp thời thì bệnh tiếp tục lây lan thì vùng cam Văn Chấn sẽ ra sao, nguy cơ xóa sổ là điều có thể.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.