| Hotline: 0983.970.780

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay diện mạo

Thứ Bảy 22/06/2024 , 09:14 (GMT+7)

Bình Phước Bù Đốp là huyện biên giới còn nhiều khó khăn nhưng sau hơn 10 năm xây dựng NTM, vùng đồng bào đã có sự đổi thay diệu kỳ với nhiều điểm nhấn nổi bật.

Về thôn Thiện Cư xem dự án nuôi trâu

Vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên thùy Bù Đốp, sau khi tốt nghiệp ngành Báo chí, thay vì như bao bạn cùng trang lứa ở lại Sài Gòn phồn hoa, thì chàng trai lại chọn trở về quê hương để cống hiến. Sau gần 7 năm gắn bó, từ một phóng viên nơi cơ sở giúp chàng trai ấy ngày một trưởng thành.

Khi nhà nước có chủ trương về tinh giản biên chế, ngỡ rằng hoài bão của chàng trai trẻ rẽ sang hướng khác. Thế nhưng, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra, một cơ duyên chàng trai ấy lại đến với Báo Nông nghiệp Việt Nam, một tờ báo chuyên nghiệp, vì sự nghiệp phát triển Tam nông đẹp giàu để thỏa chí đam mê với nghề làm báo.

Phóng viên tác nghiệp tại thôn Thiện Cư xã Thiện Hưng. Ảnh: Tư liệu.

Phóng viên tác nghiệp tại thôn Thiện Cư xã Thiện Hưng. Ảnh: Tư liệu.

Dù ở nơi nào cũng nhớ về quê hương! Thế là, bài báo đầu tiên khi khởi nghiệp ngôi nhà mới được chàng trai ấy dành cho quê hương. Bài viết được đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam như món quà nghĩa tình nơi nuôi dưỡng ước mơ và hoài bão.

Người nông dân có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, còn với đồng bào S’Tiêng ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, con trâu là cả cơ ngơi, giúp đồng bào vùng biên tạo kế sinh nhai hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm chủ trên mảnh đất của mình.

Thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng thuộc thôn đặc biệt khó khăn của huyện Bù Đốp, trước đây, toàn thôn có gần 200 hộ thì có 2/3 số đó thuộc diện hộ nghèo. Từ khi Sở NN – PTNT thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc” nhằm trao cần câu cho bà con đồng bào, nhiều đổi thay đã diễn ra. Tham gia dự án mỗi hộ được nhận nuôi 2 con trâu mẹ, sau 2 năm sẽ luân chuyển cho hộ khác. 

Mặc dù, dự án kết thúc vào năm 2017, thế nhưng, đàn trâu vẫn tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Từ 56 con trâu ban đầu, đến nay đã qua 5 giai đoạn luân chuyển trâu, nghé sinh ra được gần 200 con, qua đó, giúp trên 100 hộ đồng bào có cuộc sống ổn định, bền vững.

Người dân thôn Thiện Cư phấn khởi bên trâu dự án.

Người dân thôn Thiện Cư phấn khởi bên trâu dự án.

“Nhờ dự án cấp trâu mà đời sống đồng bào ở đây được nâng lên. Không chỉ thoát được nghèo đói mà nhiều hộ như Điểu Ngọc, Điểu Cần, Điểu Phú,… còn cất được nhà, mua được đất để mở rộng sản xuất. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện cũng như Đảng bộ xã về xây dựng Thiện Hưng đến năm 2025 đạt đô thị loại V, dự án rất có ý nghĩa để địa phương về đích theo kế hoạch”, ông Nguyễn Sỹ Quốc, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng chia sẻ.

Đến thôn Thiện Cư những ngày này dễ dàng nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây đã thay da đổi thịt. Những tuyến đường liên ấp được bê tông kiên cố, sạch sẽ, dọc hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh tốt trĩu bông. Đặc biệt, không còn cảnh bà con tụ tập say sưa rượu chè, nhờ có cần câu trong tay, ngày ngày bà con đuổi trâu ra đồng, tối về lại quay quần bên gia đình nghe điệu cồng chiêng khiến lòng người thêm ấm áp.

Có thể thấy, dự án “Hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc” là dự án nhân văn. Sau bài báo, dự án đã được nhân rộng ra hầu hết các thôn, ấp đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, đối với người dân Thiện Cư, dự án được tiếp tục gia hạn thêm 2 năm, bà con ai nấy đều hạnh phúc.

Diện mạo thôn Thiện Cư đổi thay nhờ dự án Trâu và nông thôn mới.

Diện mạo thôn Thiện Cư đổi thay nhờ dự án Trâu và nông thôn mới.

“Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp lớn, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu. Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án “Hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc” đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo tiền đề đối với những hộ nghèo của các khu đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ấm no, ổn định theo đúng mục tiêu của dự án đã đề ra”, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh đánh giá.

Ấp Mười Mẫu mặc áo mới

Ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện cũng là một trong những ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Phước. Ấp có đường biên giới hơn 14km giáp với Campuchia, nơi xa nhất cách nhà văn hóa ấp gần 25km.

Một ngày phóng viên ở cùng cư dân biên giới ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện.

Một ngày phóng viên ở cùng cư dân biên giới ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện.

Chỉ riêng tiểu khu 67, thuộc ấp Mười Mẫu có 200 hộ dân với trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên cả huyện đưa về định cư theo  chính sách của Đảng, nhà nước. Theo đó, mỗi nhân khẩu sẽ được cấp tối đa 2.000 m2 đất. Trước đây, khu vực này được xem là điểm đen về đói nghèo của địa phương bởi trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng kém, địa hình bị chia cắt, số hộ có nhà kiên cố và điện sinh hoạt sử dụng đếm trên đầu ngón tay, trẻ em không được đến trường, quanh năm “cái đói cái nghèo” bám lấy bà con.

Cùng với tập trung đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tập trung sản xuất, nâng cao đời sống, thông qua nguồn vốn của các chương trình dự án, với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, những cặp bò giống, dê giống cho đến ngư cụ sản xuất đã được địa phương dồn lực hỗ trợ đến từng người dân sở tại.

Chính quyền địa phương hỗ trợ ngư cụ sản xuất cho bà con tại Tiểu khu 67.

Chính quyền địa phương hỗ trợ ngư cụ sản xuất cho bà con tại Tiểu khu 67.

Song song đó, các công trình: đường giao thông, trường học, trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đã được đầu tư xây dựng phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo diện mạo mới bộ mặt nông thôn vùng biên.

Trở lại tiểu khu 67 những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo nơi đây. Từ trung tâm xã Phước Thiện kết nối đến Tiểu khu 67 là con đường nhựa phẳng lỳ, cặp hai bên đường là những ngôi nhà xây khang trang còn thơm mùi sơn mới, từng đàn dê, bò nhởn nhơ gặm cỏ dưới những tán điều, cao su trồng mới, điện lưới quốc được phủ kín, trên khuôn mặt người dân hiện lên niềm an vui của cuộc sống.

Diện mạo Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu hôm nay.

Diện mạo Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu hôm nay.

“Từ “4 không” (không: điện, đường, trường, nước sinh hoạt) ở Tiểu khu 67 trước đây, đến nay đã vươn lên thành “6 có” (có: điện, đường, trường, trạm, đất đai và nước sinh hoạt). Có được cuộc sống đang từng ngày “thay da đổi thịt” đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của lãnh đạo, chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân”, Chủ tịch UBND xã Phước Thiện Nguyễn Văn Thắng phấn khởi cho biết.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp cho biết thêm, Bù Đốp là huyện vùng sâu, xa, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên có những khó khăn, “rào cản” trong xây dựng NTM.

Đồng bào thiểu số Bù Đốp nói riêng, Bình Phước nói chung phấn khởi, vững tin theo Đảng, nhà nước.

Đồng bào thiểu số Bù Đốp nói riêng, Bình Phước nói chung phấn khởi, vững tin theo Đảng, nhà nước.

Để phấn đấu về đích NTM, Bù Đốp đã huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện đồng bộ. Ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì các địa phương trên địa bàn huyện Bù Đốp xác định tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo hiệu quả là bước đi đột phá. Đến nay, huyện có 7/7 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.

"Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người", đó là nỗi lòng người dân Việt nòi giống Lạc Hồng và chàng trai ấy cũng không ngoại lệ. Bình Phước vẫn là tỉnh nông nghiệp, năm 2023 ngành nông nghiệp tỉnh này đứng đầu cả nước, với sứ mệnh phóng viên nông nghiệp sẽ là hành trang để chàng trai ấy cùng địa phương xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, nông dân hiện đại, nông thôn đáng sống!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.