| Hotline: 0983.970.780

Bình Phước đột phá giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Trao cần câu hơn trao xâu cá

Thứ Sáu 11/11/2022 , 09:54 (GMT+7)

Nhờ thực hiện các quyết sách phù hợp tạo xung lực cho mục tiêu giảm nghèo, Bình Phước đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.

“Trao cái họ cần, không trao cái mình có”

Phước Thiện được xem là xã khó khăn nhất huyện biên giới Bù Đốp, với 1.311 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mặc dù, là xã thuần nông và có diện tích tương đối lớn với trên 13.785,3 ha nhưng chủ yếu là đất rừng, đất cao su do nhà nước quản lý, bình quân đất sản xuất mỗi người thấp.

Empty

Một góc tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu xã Phước Thiện ngày nay. Anh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thiện, xã xác định công tác giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào thiểu số là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Bên cạnh sự hỗ trợ các cấp, các ngành, để công tác giảm nghèo bền vững, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, cán bộ công chức, hội đoàn thể làm thành viên. Song song đó, Đảng ủy xã cũng chỉ đạo chi bộ phân công từng đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, có như vậy mới sâu sát, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng hộ nghèo. Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, “trao thứ họ cần, không trao cái mình có”, từ sự hỗ trợ đúng đối tượng, đúng trọng tâm, hầu hết các hộ nghèo sau khi được hỗ trợ đều thoát nghèo bền vững.

Empty

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thiện (áo trắng) thăm động viên các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Để minh chứng lời mình nói, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Đức Huy dẫn chúng tôi đến tiểu khu 67 thuộc ấp Mười Mẫu. Theo ông Huy, khu vực từng được xem là điểm đen về đói nghèo của địa phương bởi trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng kém, địa hình bị chia cắt, số hộ có nhà kiên cố và điện sinh hoạt sử dụng đếm trên đầu ngón tay, trẻ em không được đến trường, quanh năm “cái đói cái nghèo” bám lấy bà con.

Đến với tiểu khu 67 những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay ngoạn mục diện mạo nơi đây. Từ trung tâm xã Phước Thiện kết nối đến Tiểu khu 67 là con đường nhựa phẳng lỳ, cặp hai bên đường là những ngôi nhà xây khang trang còn thơm mùi sơn mới. Từng đàn dê, bò nhởn nhơ gặm cỏ dưới những tán điều, cao su trồng mới, điện lưới quốc được phủ kín, trên khuôn mặt người dân hiện lên niềm an vui của cuộc sống.

070_0283.00_35_51_05.Still001

Anh Thạch Pô Thi phấn khởi nhận nông cụ hỗ trợ. Ảnh: Trần Trung.

Ghé thăm gia đình anh Thạch Pô Thi, người đồng bào Khmer, mặc dù đang tất bật cùng với các thợ xây để làm căn nhà mới, thấy chúng tôi đến, anh tạm gác việc và đón chúng tôi với niềm hân hoan. Anh Thi cho biết, gia đình anh có tất cả 4 người, cả nhà chỉ có hơn 2.000 m2 đất trồng điều, thu nhập không đáng là bao,  mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào đồng lương ít ỏi từ nghề cạo mủ thuê của anh. Mặc dù đã rất nỗ lực lao động nhưng vẫn không đủ ăn nên nằm trong diện hộ nghèo của ấp.

Năm vừa qua, được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 cặp dê giống, nhận thấy vẫn còn sức khỏe, anh xin được hỗ trợ thêm công cụ lao động. Nhờ được cấp thêm 1 máy phát cỏ và một máy phun thuốc, ngoài thời gian cạo mủ thuê, anh tiếp tục nhận phun thuốc và phát cỏ cho bà con trong vùng, thời gian còn lại anh cải tạo vườn để trồng cỏ nuôi dê. Nhờ siêng năng lao động, trung bình thu nhập mỗi ngày của anh tăng lên gần 500.000 đồng, đàn dê cũng sinh sôi nảy nở. Nhận thấy cuộc sống đã cải thiện, anh đã viết đơn xin thoát nghèo. “Nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi không chỉ no cái bụng, nhà cửa cũng sửa lại khang trang, con cái được ăn học tới nơi tới chốn”, anh Thi phấn khởi nói.

DSCN6756

Bà  Bế Thị Mến (áo hồng) bên đàn bò của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

 Tương tự, bà  Bế Thị Mến người dân tộc Tày cũng thuộc diện hộ nghèo của địa phương, đầu năm 2021 bà được chính quyền địa phương hỗ trợ 2 con bò giống. Từ khi có bò, bà đã trồng cỏ, siêng năm chăm sóc, hiện hai con bò đều phát triển tốt, to lớn, khỏe mạnh và chuẩn bị sinh bê.

“Năm nay tôi đã ngoài 60, con cháu lại đông, vườn tược chẳng có, từ vùng biên giới phía Bắc vào đây lập nghiệp từ những năm 2.000 thấm thoát đã vài chục năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, Giờ được nhà nước quan tâm, trao sinh kế, tôi sẽ cố gắng chăm sóc để bò nhanh đẻ bê, từ đó, vươn lên thoát nghèo”, bà Mến nói.

DSC_0639

Đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số ấp Mười Mẫu nói riêng, xã Phước Thiện nói chung ngày càng được nâng lên. Ảnh: Trần Trung.

“Trước đây tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền, địa phương, nhiều hộ đã rất nỗ lực vươn lên, đó điều đáng mừng. Hiện tỷ lệ nghèo của xã còn 4,8%, đây là thành công rất lớn đối với một xã nghèo, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn như Phước Thiện”, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thiện nhấn mạnh.

Phát huy nội lực

Theo Trưởng phòng lao động - thương binh – xã hội huyện Bù Đốp Nguyễn Thị Năm, Bù Đốp là huyện miền núi, biên giới, thời gian qua tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiêu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Qua thời gian triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay, toàn huyện hiện có 659 hộ nghèo chiếm 3,7%. Đối với chỉ tiêu giảm  nghèo 2022, năm nay, Bù Đốp đặt mục tiêu tiếp tục giảm 295 hộ nghèo, trong đó 60 hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp trao ngư cụ cho hộ nghờ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Trần Trung.

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp trao ngư cụ cho hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Trần Trung.

Đối với tiến độ triển khai thực hiện, đến nay cơ bản đã xây dựng xong kế hoạch, phân công, phân nhiệm về cho các địa phương. Đối với chương trình giảm 1.000 hộ nghèo thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã giải ngân vốn đạt 97%, đã và đang xây dựng gần 200 nhà tình thương và nhiều chính sách an sinh xã hội khác được triển khai đồng bộ.

Để đạt được kết quả trên, phía lãnh đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan chuyên môn đã chủ động quán triệt với các địa phương xây dựng kế hoạch, lựa chọn đối tượng, xác định nhu cầu cần hỗ trợ chính xác, đầy đủ ngay từ đầu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phân công phân nhiệm cho các thành viên ban chỉ đạo, sẵn sàng khi có kế hoạch triển khai thực hiện ngay. Theo đó, phương pháp thực hiện của huyện Bù Đốp là bám vào chức năng nhiệm vụ của từng ngành để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành liên quan, gắn với chuyên môn nghiệp vụ của từng ngành để đạt hiệu quả cao nhất.

DSC_0520

Nhờ có tư liệu sản xuất, bà con không ngừng nổ lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Trần Trung.

Cụ thể đối với chương trình giảm 1000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, về xây dựng nhà ở giao cho Uỷ ban Mặt trận tổ quốc huyện chịu trách nhiệm chính trong triển khai thực hiện, về hỗ trợ giếng nước sạch giao cho phòng NN-PTNT, hỗ trợ điện giao cho phòng kinh tế hạ tầng và các hạng mục còn lại như cây con giống, nông cụ giao cho UBND các xã.

Bà Nguyễn Thị Năm cho biết thêm, trong quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn hạn chế nhất định. Đó là việc xác định đối tượng và nhu cầu hỗ trợ ở từng địa phương vẫn còn có sự thay đổi so với kế hoạch ban đầu dẫn tới tiến độ bị ảnh hưởng. Việc thể hiện trách nhiệm và khả năng làm ăn, phát triển kinh tế hộ nghèo còn hạn chế nên còn có trường hợp chưa phát huy hết hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.

DSC_0611

Người đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nổ lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Trần Trung.

Để duy trì kết quả trong thời gian vừa qua, khắc phục hạn chế còn tồn tại, địa phương cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của người nghèo. Thứ hai, quyết liệt và chủ động hơn trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp, làm tốt công tác phối kết hợp, cố gắng tham mưu làm tốt hơn việc huy động vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân trong và ngoài huyện để tập trung cho chương trình giảm nghèo. Đặc biệt phải đi từng nhà, rà từng đối tượng để nắm bắt nhu cầu điều kiện hoàn cảnh của từng hộ nghèo để có giải pháp đầu tư thực tế, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống người dân và giảm nghèo bền vững.

“Ngoài các nguồn lực hỗ trợ từ nguồn ngân sách thì huyện Bù Đốp thực hiện rất tốt việc vận động, huy động nguồn lực của các tổ chức và các mạnh thường quân. Như năm nay, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ từ trên, huyện cũng đã tự vận động xây dựng được hơn 100 căn nhà, mỗi căn trị giá từ 80 đến 150 triệu đồng, tổng trị giá trên 8 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có cây con giống, các chính sách quà trong các dịp lễ tết…”, bà Nguyễn Thị Năm nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024

Kiên Giang Từ ngày 28/9 - 2/10, tại TP Rạch Giá sẽ tổ chức 'Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024' với Chủ đề 'Liên kết cùng phát triển – Kiên Giang 2024'.

Bình luận mới nhất