| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân thăm những vườn cây kiểu mẫu

Vườn cây ‘ba trong một’

Thứ Sáu 11/03/2022 , 10:31 (GMT+7)

Nằm tại vùng na La Hiên nổi tiếng Thái Nguyên, khu vườn của CCB Nguyễn Thành Nhật được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sống trong lành.

Lợi thế vùng cao

Rời khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng hoàng nơi có vườn dược liệu và hàng nghìn cây trầm hương của ông Hà Quốc Vượng, chúng tôi xuôi về thành phố Thái Nguyên. Vùng na La Hiên nằm trên cung đường ấy.

Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh đánh giá cao giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của huyện Võ Nhai, trong đó nhiều mô hình VAC trang trại, gia trại, sản xuất theo quy trình VietGAP rất hiệu quả.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Nhật kiểm tra thùng ong mật. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Nhật kiểm tra thùng ong mật. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Võ Nhai đã trở thành vùng cây ăn quả khá tập trung với các sản phẩm vườn như na, nhãn, bưởi Diễn ngày càng được thị trường đón nhận và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Kinh tế VAC không chỉ giúp xoá đói, giảm nghèo, làm giàu mà còn là môi trường sinh thái, cảnh quan mang tính nhân văn sâu sắc.

Bà Dung cũng tâm sự từ những năm 90 của thế kỷ trước, diện tích cây ăn quả ở Thái Nguyên ngày càng tăng nhanh. Song, do thiếu quy hoạch và chưa xác định rõ cây ăn quả chính cho từng vùng, từng địa phương nên chủ vườn thích cây gì trồng cây đó. Mặt khác, thời gian ấy cũng chưa có đủ cơ sở sản xuất cây giống tốt, chất lượng cao, sạch bệnh.

Người sản xuất chưa được hướng dẫn trồng và chăm sóc cây ăn quả cặn kẽ, do vậy, chỉ sau 3 - 4 năm cây không có quả, hoặc quả không đạt yêu cầu, nên phải chặt bỏ, gây tốn kém, lãng phí. Cũng do điều kiện kinh tế lúc đó của người dân còn khó khăn nên các hộ gia đình chưa quy hoạch được khu vực nhà ở, khu vệ sinh, khu chăn nuôi, vườn cây ăn quả, vườn rau sắp xếp lộn xộn,... dẫn đến chất lượng của khu vườn không cao, không tạo được cảnh quan xanh - sạch - đẹp và hiệu quả kinh tế cũng không cao.

Ông Nhật thăm vườn na lân thương hiệu. Ảnh: NVCC.

Ông Nhật thăm vườn na lân thương hiệu. Ảnh: NVCC.

Những năm gần đây, kinh tế vườn đã phát huy hiệu quả tại nhiều hộ gia đình bởi đã có quy hoạch cụ thể, rõ định hướng phát triển, xác định sản phẩm chủ lực để có sản phẩm hàng hoá. Người dân cũng tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa giống tốt vào sản xuất.

Vườn cây “ba trong một”

Khu vườn của gia đình ông Nguyễn Thành Nhật (64 tuổi Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Võ Nhai tại xóm Hiên Bình, xã La Hiên) tại vùng cây ăn quả tập trung Hiên Bình được quy hoạch rất quy củ với mô hình “3 trong 1” nuôi ong - thả cá - trồng na.

Ông Nhật quê ở Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình), đi bộ đội rồi lấy vợ, làm rể ở La Hiên. Tuổi thanh xuân gắn với chiến trường, cho đến khi chuyển về Ban Chỉ huy Quân sự huyện gần nhà mới bắt tay vào làm kinh tế.

Phong cách sôi nổi, trẻ trung, ông Nhật vui vẻ kể: “ Tớ kết hôn năm 1989; dựng nhà lá trên mảnh đất 7 sào hoang vu bố mẹ vợ cho. Tớ rất thích đất, mua được tí nào hay tí ấy, cũng may đất trên này những năm trước rẻ lắm. Cứ cào dần cào dần rồi cũng có 2 mẫu trong lân, nhà ở 7 sào, hơn 3 mẫu ruộng. Ao cá thì diện tích 2 sào, nuôi bằng thức ăn tự nhiên như cỏ cây, chuối.

Ao cá tuy nhỏ nhưng quy củ của gia đình ông Nhật. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ao cá tuy nhỏ nhưng quy củ của gia đình ông Nhật. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Thu nhập từ cá chỉ vài chục triệu đồng, cũng không đáng bao nhiêu nhưng có mặt nước rộng không khí cũng mát mẻ hơn, lại có cá “sạch” phục vụ gia đình và ba con xung quanh. Còn đất ruộng đầu tiên là trồng ngô. Nói đến Võ Nhai thời đấy là nói đến ngô, bạt ngàn. Sau mới trồng đến na.

Nói về na phải cảm ơn anh em nhà ông Phạm Huy Hoè, là người đầu tiên mang cây na về vùng này để nhân ra cả vùng. Nhà ông Hoè bây giờ còn bãi na đầu tiên, gần 30 năm tuổi trồng trong lân Hồng. Còn khoảng 40-50 cây “tổ, quả vẫn to lắm, ngọt lắm.

Tớ cũng theo các hộ trong xóm, đến nhà ông Hoè xin hạt, trồng xen na vào bãi ngô. Trồng rất dễ, năm 3 bắt đầu bói quả, đất mát lẫn đá cây na lên mạnh lắm. Lúc đầu trồng từng bãi, đến năm 1998 bắt đầu có thu nhập từ na. Năm cao nhất vườn na cho thu tới 10 tấn quả nhưng do quả nhỏ bán được giá thấp.

Mấy năm nay nhà nào cũng thụ phấn nhân tạo để chủ động số lượng và vị trí quả, tỉa bớt quả ở cành nhánh, để lại những quả bám thân mới to ngon. Nay ít quả nhưng quả to chất lượng tốt, năm vừa rồi tớ thu 4 - 5 tấn na, lúc giá cao nhất 40 - 45 nghìn/kg, thời điểm na rộ thấp nhất cũng được 15 nghìn đồng/kg.

Năm nay do dịch bệnh, na bị coi là mất giá nhưng tớ toàn giao cho mối quen, giá không thấp hơn là mấy. “Cái anh na La Hiên” này thích hợp với thổ nhưỡng vùng cao núi đá, lại được áp dụng phương thức canh tác tiên tiến theo mô hình chuyên canh nên quả to đều, vị ngọt đậm, thơm, thanh mát, ít hạt, vỏ mỏng. Nhất là na trồng trong lân, ăn một quả nhớ cả đời!

Làm na “thương hiệu” theo chuẩn VietGap như bây giờ mất nhiều công hơn vào các công đoạn tỉa cành, thụ phấn… tớ phải thuê 3 người làm. Khẳng định hiệu quả kinh tế, cây na có công đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất ngô và lúa chỉ cấy được một vụ bếp bênh sang trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá của các xã vốn rất nghèo khó của huyện vùng cao này.

Các hộ dân đã tích cực cải tạo đất, phủ kín na và cây ăn quả trên mọi địa hình. Từ đó làm thay đổi hẳn tư duy trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản và thu nhập cho gia đình”.

Ông Nhật tâm đắc nhất khi nói về việc nuôi ong: “Tớ nuôi ong khoảng 7-8 năm nay. Tính tớ vốn ham học hỏi, nhân ông Chuyên gọi đến nhờ phụ giúp làm ong tớ bèn hỏi chuyện, rồi mua 1 thùng về nuôi thử. Cuộc đời quân ngũ 34 năm nên tớ rất thích loài ong ở tính “kỷ cương tuyệt vời lắm”. Nuôi ong rất nhàn nhưng rất bận vì mất thời gian với nó. Chủ nuôi cũng như ong đều phải cần cù chịu khó.

Hiện tớ duy trì 100 đàn, mỗi năm quay được hơn 1 tấn mật, cũng chỉ đủ bán cho người quen. Nhìn những đàn ong cần mẫn rù rì trong vườn nhãn, trời lạnh nên dù tổ đầy ứ mật cũng vẫn không thu hoạch mà để lại cho ong có đủ thức ăn trong mùa đông khắc nghiệt.

Ông Nhật tâm sự, có nuôi ong, quan sát đàn ong càng cảm phục đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của loài vật này. Loài vật cũng dạy cho con người nhiều bài học trong cuộc sống. Trong đó, bài học quan trọng nhất là tạo dựng môi trường sống thật trong lành.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.