| Hotline: 0983.970.780

'Vườn mẫu' của một cựu chiến binh

Thứ Sáu 28/02/2020 , 13:15 (GMT+7)

Đó là “vườn mẫu” trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP của cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương mà ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành, khoe với tôi.

 Cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương đang chăm sóc vườn bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

 Cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương đang chăm sóc vườn bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Minh cho biết: “Đầu năm 2000, Sở NN- PTNT tỉnh Bến Tre về huyện Châu Thành phổ biến cho bà con nông dân lợi ích kinh tế “một gấp 10” của cây bưởi da xanh nếu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Dân nghe bùi tai, nhưng thấy các công đoạn từ chọn giống đến chăm bón, thu hoạch... phức tạp quá nên không ai làm, mà vẫn trồng theo cách trồng truyền thống. Thấy thế, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện xung phong tìm “người mẫu” trồng “vườn mẫu”. Đó chính là CCB Phùng Ngọc Chương, ngụ ấp Phước Hậu, xã An Phước.

Không phải ngẫu nhiên mà Hội CCB huyện chọn Phùng Ngọc Chương. Anh Chương đi bộ đội, xuất ngũ năm 1985 về cùng với vợ lam làm, chịu khó nhất xã. Nhất là anh rất chịu khó trồng các loại cây ăn quả, như dừa, mận, nhãn... nên cuộc sống của gia đình anh từ nghèo khó nay đã đủ ăn nuôi 3 con học hành tử tế.

Được Hội CCB gợi ý, khuyến khích Phùng Ngọc Chương nhận ngay. Anh đăng ký học lớp trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP do xã tổ chức và lên Sở NN- PTNT tỉnh học hỏi thêm các chuyên gia trồng trọt, mua các loại sách hướng dẫn kỹ thuật.

Đồng thời anh quyết định thu hẹp diện tích trồng lúa, cũng như các cây hoa màu khác để dành 2.500m2 đất ruộng để trồng cây bưởi da xanh. Còn Hội CCB thì giúp anh vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cải tạo vườn, mua con giống.

Ban đầu chuyển đổi mọi công việc hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm đối với anh. Vì trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi người trồng vừa phải kiên trì từ khâu ghi nhật ký sản xuất, nhật ký sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh hàng ngày đến hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân thuốc hóa học.

Nhất là kỹ thuật cắt tỉa cành để sao cho vườn bưởi ra trái quanh năm. Nhờ vừa học vừa làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, áp dụng đúng kỹ thuật, vườn bưởi của anh cứ nửa tháng cho thu hoạch một lần, với năng suất khoảng nửa tấn quả.

Do chất lượng quả bưởi bảo đảm, nên thương lái đến mua tận vườn, với giá cao hơn các vườn bưởi khác từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Mỗi năm anh thu nhập được khoảng 500 triệu đồng.

Từ nguồn vốn tích góp được từ bán bưởi da xanh, sau 3 năm vợ chồng anh Phùng Ngọc Chương mua nhượng thêm được 2.000m2 đất ruộng của những hộ dân lân cận để mở rộng vườn bưởi theo tiêu chuẩn, tiết kiệm được tiền công chăm sóc. Đến nay, vườn bưởi da xanh của anh có cây tới 5 – 7 năm tuổi, quả trĩu cành.

Không chỉ tích cực chăm lo lao động sản xuất vươn lên làm giàu, anh Phùng Ngọc Chương còn là tấm gương trong khuyến học, khuyến tài và được công nhận gia đình hiếu học. Hiện, 3 con của anh đều đã tốt nghiệp đại học.

Hai con trai ra trường đang làm việc ở các công ty có uy tín của Nhật Bản với mức lương thu nhập cao. Từ thành công của hội viên Phùng Ngọc Chương, Hội CCB huyện Châu Thành giới thiệu, nhân rộng ra các hội viên khác và đến nay đã có hàng chục hội viên khác học tập làm theo. Việc làm này giúp nâng cao thu nhập của bà con, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM của địa phương.

Kể cả giúp đỡ các hội viên cũng như khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, anh Chương đều nhiệt tình hướng dẫn. Thậm chí có nhũng đồng đội cần, anh sẵn lòng về tận nhà giúp họ trồng, chăm bón bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Làm vườn đã trở thành đam mê với anh Phùng Ngọc Chương.

Làm vườn đã trở thành đam mê với anh Phùng Ngọc Chương.

Dù cuộc sống gia đình nay đã khá giả, nhưng anh Phùng Ngọc Chương vẫn chưa thỏa mãn với những gì đang có. Anh Chương khoe: “Tôi vừa mua 2 công đất để mở rộng thêm vườn bưởi da xanh”. Và anh khẳng định: “Tôi luôn sẵn sàng cùng hợp tác, cùng giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho các cựu chiến binh cũng như bà con trong xã, ngoài tỉnh có nguyện vọng trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất