Ngày 19/8, Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương đã đón nhận 71 cá thể rùa.
71 cá thể rùa trở về từ châu Âu lần này sẽ được đoàn tụ với hơn 200 cá thể rùa khác đang được cứu hộ tại Trung tâm Bảo tồn Rùa Cúc Phương. Đây là những cá thể rùa được thu giữ từ những vụ buôn bán trái phép, do người dân tự nguyện chuyển giao và một số cá thể được sinh ra tại Trung tâm Bảo tồn Rùa. Trong thời gian sắp tới những cá thể rùa này sẽ được thả về môi trường sống tự nhiên ở Quảng Ngãi.
Được biết, đây là lần đầu tiên một số lượng lớn rùa được gây nuôi thành công ở nước ngoài được đưa trở về Việt Nam. Trung tâm Bảo tồn Rùa (Cúc Phương) và Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Vườn thú Münster (Đức) đã nuôi thành công và phối hợp với đưa những cá thể rùa quý hiếm này trở về Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Đăng Phong - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Rùa cho biết: “Ngày hôm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài rùa Trung bộ ở Việt Nam. Hiện nay, số lượng loài rùa này trong tự nhiên đang bị suy giảm nhanh chóng do tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép và mất môi trường sống. Chúng ta phải tích cực bảo vệ loài rùa đặc hữu này khỏi nạn săn bắt, buôn bán trái phép và không để mất thêm một loài động vật đặc hữu quý hiếm nào nữa”.
Ông Trương Quang Bích (trái) và ông Bùi Đăng Phong (phải) giới thiệu về rùa Trung Bộ
Rùa Trung bộ là loài rùa quý hiếm, chỉ được tìm thấy ở những vùng đất ngập nước, trong ao hồ và các dòng sông của một số tỉnh miền Trung Việt Nam. Kể từ cuối những năm 1980, quần thể loài rùa Trung bộ trong tự nhiên đã gần như biến mất bởi nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Henk Zwartepoorte - Phụ trách Quản lý các loài Bò sát của Vườn thú Rotterdam cho biết thêm: “Chúng tôi rất tự hào đã đóng góp vào công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm của Việt Nam. Đồng thời giúp các cá thể rùa Trung bộ được trở về quê hương. Chúng tôi rất tin tưởng vào những sáng kiến của Việt Nam và những nỗ lực mang tính toàn cầu nhằm giúp loài rùa đặc hữu của Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong tự nhiên”.
“Rùa Trung bộ của Việt Nam là loài rùa cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo tồn. Mặc dù, rùa Trung bộ có thể sống trong môi trường nuôi nhốt, chúng ta cần thiết phải bảo vệ loài này để chúng có thể tiếp tục được tồn tại trong tự nhiên”, ông Timothy Mc Cormack – Điều phối Chương trình ATP và MAP khẳng định.