| Hotline: 0983.970.780

Vướng víu nhiều quy định chuyên ngành

Thứ Năm 15/11/2018 , 13:50 (GMT+7)

Việc sáp nhập các trạm thú y, BVTV … để thành lập trung tâm nông nghiệp cấp huyện, đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác chuyên ngành, vì các trung tâm (trực thuộc huyện, không trực thuộc các chi cục ở tỉnh), khi thực hiện các công tác chuyên ngành, sẽ vướng nhiều quy định hiện hành.

Chuyện sắc phục, thẻ kiểm dịch

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở NN-PTNT Long An, tỉnh này là nơi có lượng gia súc, gia cầm giết mổ rất lớn để đưa về tiêu thụ ở TP HCM. Do đó, khi sáp nhập trạm thú y ở các huyện với các trạm khác để thành lập trung tâm nông nghiệp cấp huyện, lực lượng cán bộ thú y chuyển giao về trung tâm nông nghiệp chỉ làm các dịch vụ thú y như tiêm phòng, tiêu độc khử trùng …

Còn công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, vẫn do Chi cục Thú y thực hiện. Để làm tốt những công việc này, Chi cục Thú y đã thành lập các đội nghiệp vụ kiểm soát giết mổ liên huyện. Các đội này ngoài việc kiểm soát giết mổ ở các huyện, còn tham hỗ trợ các công tác thú y khác trên địa bàn phụ trách.

15-33-21_sp_xep_bo_my_ngnh_nong_nghiep_-_bi_3
Quản lý dịch bệnh ngành chăn nuôi sẽ ra sao sau khi sáp nhập trạm thú y huyện vào trung tâm nông nghiệp huyện.

 
Với mô hình hoạt động như vậy, dù không còn các trạm thú y cấp huyện, nhưng công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ở Long An, nhìn chung vẫn đang được duy trì như trước đây. Tuy nhiên, hoạt động của các cán bộ thú y được chuyển giao về các trung tâm nông nghiệp cấp huyện thì còn nhiều lúng túng. Một trong những lúng túng nhất hiện nay là khi đi làm các công tác thú y, họ có còn được mặc sắc phục của lực lượng thú y nữa hay không?

 Theo quy định, trung tâm nông nghiệp cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện, không phải là đơn vị trực thuộc Chi cục Thú y, nên những cán bộ này hiện không còn thuộc biên chế của Chi cục Thú y Long An nữa. Tuy nhiên các công việc mà họ phụ trách, lại vẫn là công việc của một cán bộ thú y. Bà Đinh Thị Phương Khanh, cho hay, do chưa có hướng dẫn gì về sắc phục cho lực lượng cán bộ làm công tác thú y ở các trung tâm nông nghiệp cấp huyện, nên chưa biết giải quyết vấn đề này như thế nào.

Ở nhiều tỉnh khác trên cả nước, do quy mô giết mổ gia súc gia cầm không lớn vì chủ yếu là phục vụ tiêu dùng nội tỉnh, nội huyện, nên các công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch … của các trạm thú y cũ, cũng được bàn giao về các trung tâm nông nghiệp, thì sự lúng túng càng lớn hơn nữa.

 Bởi như vậy, lực lượng cán bộ thú y về làm việc tại các trung tâm nông nghiệp cấp huyện, khi đi làm công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn, nếu sử dụng con dấu “Kiểm soát giết mổ” để đóng lên sản phẩm gia súc, gia cầm, thì sẽ sai so với quy định trong Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y.

Theo Thông tư này, mẫu dấu “Kiểm soát giết mổ” sử dụng tại cơ sở giết mổ để tiêu thụ nội địa phải khắc tên cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh “CHI CỤC ..........”. Trung tâm nông nghiệp cấp huyện lại không phải cơ quan trực thuộc của Chi cục Thú y cấp tỉnh. Thành ra, việc cán bộ thú y của trung tâm nông nghiệp cấp huyện sử dụng dấu kiểm soát giết mổ là không đúng theo quy định của thông tư trên. Việc sử dụng thẻ kiểm dịch, sắc phục chuyên ngành thú y ở các trung tâm nông nghiệp cấp huyện cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Ở lĩnh vực BVTV, việc nhập trạm BVTV cấp huyện vào trung tâm nông nghiệp cấp huyện, cũng đang gây ra nhiều nỗi băn khoăn trong việc thực hiện các công tác liên quan đến BVTV trên địa bàn theo đúng như các quy định hiện hành.

Bởi theo quy định tại Nghị định 116/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thì: Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quận, huyện, TX, TP thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) trực thuộc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn cấp huyện và phối hợp với Phòng NN-PTNT giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật nội địa và quản lý thuốc BVTV trên địa bàn cấp huyện.

Như vậy, nếu trung tâm nông nghiệp cấp huyện được giao kế thừa toàn bộ công việc của trạm BVTV trước đây, thì khi cán bộ của trung tâm thực hiện công việc kiểm dịch thực vật nội địa, có còn được đeo thẻ công chức kiểm dịch thực vật, mặc trang phục kiểm dịch thực vật hay không?
 

Nỗi lo kiểm soát dịch bệnh lúc giao thời

Tương tự như ngành BVTV, ngành thú y ở nhiều tỉnh, sau khi tiến hành sáp nhập các trạm thú y cấp huyện với các trạm khác để thành lập trung tâm nông nghiệp cấp huyện, cùng đồng nghĩa với việc đội ngũ thú y viên cấp xã sẽ không còn tồn tại.

Đội ngũ này đã được hình thành nhiều năm qua ở nhiều tỉnh. Các thú y viên cấp xã được hưởng phụ cấp từ ngân sách của tỉnh. Nhìn chung, đội ngũ thú y viên cấp xã đã hỗ trợ đắc lực cho ngành thú y các tỉnh trong việc phát hiện và phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Nhưng khi trạm thú y cấp huyện không còn tồn tại, thì đội ngũ thú y viên cấp xã ở nhiều tỉnh, TP hiện nay, chắc chắn sẽ không còn được duy trì. Khi ấy, công tác thú y ở địa bàn các xã sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi xảy ra dịch bệnh vào lúc giao thời khi việc phòng chống dịch bệnh mới được chuyển giao từ các trạm thú y sang các trung tâm nông nghiệp cấp huyện.

Chẳng hạn, ở Long An, hiện đang vào thời điểm giao mùa, nên nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản là không nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của việc sáp nhập các trạm thú y cấp huyện vào các trung tâm nông nghiệp cấp huyện, nên đội ngũ thú y viên cấp xã đang lo lắng, dao động, không biết tương lai của mình sẽ như thế nào. Nhiều thú y viên cấp xã đã chuyển sang làm những công việc khác. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, thủy sản ở các xã, ấp.

Chính vì vậy, theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Sở NN-PTNT Long An đang phải nhắc nhở liên tục các huyện về công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, với hy vọng những công việc này ở các huyện, xã vẫn tiếp tục được duy trì như khi còn trạm thú y trước đây.

Nhiều ý kiến đã cho rằng, khi các địa phương đang đẩy mạnh việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành NN-PTNT ở cấp tỉnh và cấp huyện, thì nhiều quy định chuyên ngành mang tính pháp lý về công tác thú y, BVTV …, cũng cần sớm được xem xét, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới là các công tác chuyên ngành như thú y, BVTV … ở các huyện đã, đang hoặc được thực hiện bởi trung tâm nông nghiệp cấp huyện không trực thuộc các chi cục chuyên ngành.

 

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.