| Hotline: 0983.970.780

WASI gắn nghiên cứu với tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tây Nguyên

Thứ Ba 09/04/2019 , 09:24 (GMT+7)

Những năm qua Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp cho vùng Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu; đồng thời thử nghiệm, triển khai và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của vùng.

Các nghiên cứu về chọn tạo giống cây trồng

Giống cà phê: Viện đã nghiên cứu chọn lọc và được Bộ NN-PTNT công nhận 10 giống cà phê vối là giống chính thức gồm: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, TRS1. Trong điều kiện thâm canh, các giống cà phê này có thể đạt năng suất từ 5,5 - 7,0 tấn nhân/ha, trọng lượng 100 nhân đạt từ 17 - 23g, có khả năng kháng cao với bệnh gỉ sắt, tỷ lệ hạt loại R1 đạt từ 70-95%, cao hơn nhiều so với giống đại trà.

Những vườn cà phê tái canh được trồng mới bằng các giống chọn lọc này có thể đạt năng suất bình quân trên 4 tấn nhân/ha, cao hơn so với các vườn trồng bằng giống cũ từ 25-35%, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

09-39-54_hinh_3_2
Giống cà phê chín muộn có năng suất cao

Ngoài các giống được công nhận chính thức, Viện đã chọn lọc được các giống cà phê vối chín muộn như: TR14, TR15, TR16, các giống này có thời điểm chín từ tháng 1 đến tháng 2. Do thời gian chín đã vào mùa khô nên rất thuận lợi cho việc thu hái và chế biến sản phẩm, giảm áp lực công lao động trong mùa thu hoạch và đặc biệt là giảm được một đợt tưới trong mùa khô so với các giống chín sớm và chín trung bình. Đây là những giống thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện tại 02 giống cà phê vối TR14, TR15 đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống sản xuất thử.

Đối với cà phê chè, Viện đã từng bước tiến hành lai tạo, chọn lọc đánh giá các con lai tại các vùng sinh thái để chọn được các giống tốt nhất phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cà phê chè ở Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng cà phê tách. Các giống cà phê chè lai TN1, TN2 đã được công nhận chính thức năm 2011. Đây là 2 giống cà phê chè lai có khả năng thích ứng rộng, cho năng suất cao (trung bình 3,5 tấn nhân/ha), kháng được bệnh gỉ sắt và chất lượng cà phê tách được cải thiện rõ rệt so với giống cà phê Catimor hiện trồng ở Việt Nam. Ngoài ra các giống TN6, TN7, TN9 và dòng thuần THA1 cũng được Bộ NN-PTNT công nhận là giống sản xuất thử.

Giống hồ tiêu: Viện đã thu thập được 80 vật liệu giống hồ tiêu và xác định giống tiêu Vĩnh Linh là giống thích hợp với vùng Tây Nguyên, đã hoàn thiện các thủ tục về mặt khoa học và pháp lý để Bộ NN-PTNT công nhận giống hồ tiêu Vĩnh Linh là giống quốc gia.

Giống ca cao: Viện đã nhập nội được 30 cặp bố mẹ từ Malaysia để sản xuất hạt lai. Các con lai F1 đang được đánh giá và chọn lọc. Hiện tại đã chọn lọc được 15 dòng vô tính từ tập đoàn ca cao đã được thu thập từ năm 1977. Các dòng này có thể đạt năng suất >2 tấn hạt/ha trong điều kiện không tưới nước. Đến nay có 10 dòng ca cao đã được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử là: TC4, TC7, TC11, TC12, TC13, TC21, TD28, TD31, PBC157, PBC159.

Giống điều: Viện đã nghiên cứu và chọn lọc được 5 dòng điều là TCa4, TCa12, TCa10, TCa17 và TCa20 cho năng suất từ 30 - 60 kg hạt/cây, kích thước hạt lớn: 132 - 170 hạt/kg và có tỉ lệ nhân/hạt cao biến động từ 27,5 - 29,5%. Các dòng điều này đã được Bộ NN-PTNT công nhận là các cây đầu dòng vào năm 2002.

Giống cây ăn quả: Bên cạnh các giống cây công nghiệp, Viện đã nghiên cứu chọn lọc được 06 giống bơ có năng suất và chất lượng thịt quả cao, trọng lượng quả lớn. Trong đó, có 02 giống được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức là TA1 và Booth7; 04 giống được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử là TA3, TA5, Reed và TA40. Ngoài ra, Viện đã bình tuyển và chọn lọc được các giống sầu riêng địa phương có năng suất cao, chất lượng thịt quả tốt như TDu1, TDu2 và xác định 02 giống sầu riêng Dona và Ri6 là thích hợp để phát triển ở Tây Nguyên...
 

Các nghiên cứu về kỹ thuật canh tác

Song song với việc nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, WASI còn nghiên cứu về kỹ thuật canh tác BVTV và công nghệ sau thu hoạch. Từ các kết quả nghiên cứu của các đề tài, Viện đã xây dựng rất nhiều quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất, điển hình như:

- Quy trình thâm canh tổng hợp cà phê vối đạt hiệu quả kinh tế cao.

- Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cà phê vối kinh doanh.

- Quy trình chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng trên cây cà phê bằng việc phân tích đất và lá.

- Quy trình tái canh cà phê.

- Quy trình ghép cải tạo vườn cà phê vối có năng suất thấp.

- Quy trình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê.

- Quy trình tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước cho cây cà phê.

- Quy trình thâm canh tổng hợp cây hồ tiêu theo hướng bền vững... Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Cùng với việc nghiên cứu khoa học, Viện cũng đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giúp người nông dân tăng năng suất chất lượng cây trồng và tăng thu nhập. Hàng năm Viện đã chuyển giao cho sản xuất trên 2 triệu cây giống cà phê các loại, trên 10 tấn hạt giống cà phê vối lai TRS1, trên 200 ngàn chồi giống cà phê đảm bảo chất lượng để phục vụ cho chương trình tái canh cà phê ở Tây Nguyên. Tổ chức trên 30 lớp tập huấn các tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân và cán bộ địa phương ở Tây Nguyên.

Trong những năm qua Viện còn chuyển giao cho sản xuất rất nhiều quy trình công nghệ đã được nghiên cứu như quy trình trồng chăm sóc cà phê theo hướng bền vững, quy trình tái canh cà phê, quy trình tưới nước tiết kiệm…

Các quy trình này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng và đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đặc biệt, WASI đã làm chủ công nghệ nhân giống cà phê nuôi cấy mô và đã sản xuất cây giống cà phê nuôi cấy mô cung cấp cho sản xuất đại trà. Ngoài ra, Viện còn chuyển giao nhiều sản phẩm khác như phân bón lá cho cây cà phê (Nucafe), phân bón lá cho cây tiêu (Nupe), chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, cà phê bột E-Coffee…

Với những kết quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ của WASI trong thời gian qua, đặc biệt là nghiên cứu toàn diện về cây cà phê đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên.

TS. TRẦN VINH

(Phó viện trưởng WASI)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.