| Hotline: 0983.970.780

WHO hỗ trợ khẩn cấp thuốc điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam

Thứ Ba 23/05/2023 , 14:39 (GMT+7)

Ngày 23/5, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam thuốc điều trị các ca ngộ độc Botulinum.

Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) là một trong những loại thuốc hiếm và đắt đỏ dùng trong các trường hợp bị ngộ độc botulinum.

Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) là một trong những loại thuốc hiếm và đắt đỏ dùng trong các trường hợp bị ngộ độc botulinum.

Theo Bộ Y tế, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM ngày 21/5 về các trường hợp ngộ độc botulinum đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã khẩn trương liên hệ, trao đổi và làm việc với WHO để hỗ trợ giải quyết.

Với sự hỗ trợ của Bộ phận Chăm sóc sức khỏe toàn dân, môi trường và lối sống lành mạnh của WHO, WHO đã xác nhận có thể cung cấp khẩn cấp 6 lọ Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cho nhu cầu cấp bách của Việt Nam trong điều trị ngộ độc các ca ngộ độc botulinum.

WHO và các cơ quan liên quan của Bộ Y tế, các bệnh viện đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục để khẩn trương tiếp nhận lô thuốc này.

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, nhà cung ứng để có thêm nguồn thuốc dự phòng trong những trường hợp tương tự có thể xảy ra, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. 

Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa trên thế giới cũng rất hiếm và giá rất cao (khoảng 8.000 USD/lọ). Trong khi đó, tại Việt Nam, thuốc BAT chưa nằm trong danh mục các thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Trước đó, bên cạnh việc cấp phép và nhập khẩu thuốc thương mại thông thường, để đảm bảo tính cấp bách phục vụ điều trị các ca nhiễm độc tố botilinum do sử dụng pa-tê chay có chứa độc tố, năm 2020, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT. Khi đó, WHO đã hỗ trợ kịp thời 10 lọ, góp phần kịp thời cứu chữa các bệnh nhân.

Về giải pháp căn cơ trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Quản lý dược cho rằng, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đến sáng nay, ba bệnh nhân ngộ độc botulinum hiện đều phải thời máy, liệt hoàn toàn (2 người điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 người điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định).

Ba bệnh nhân này bị ngộ độc botulinum sau 3 bệnh nhi (đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2) do ăn chả giò mua của người bán dạo.

Theo TS Hùng, nguyên nhân gây ra ngộ độc botulinum là do vi khuẩn Clostridium botulinum. Đây là loại vi khuẩn sống trong môi trường yếm khí (môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp). Trong môi trường bình thường, vi khuẩn này không sống được do có lượng oxy cao.

Khi không sống được ở môi trường thường, vi khuẩn sẽ thích nghi bằng cách tạo ra các bào tử (vỏ bọc để ngủ đông), lúc này chúng không hoạt động và không chết. Vi khuẩn botulinum này có khắp nơi, nhiều nhất là ở các phần đất cát. Ngoài ra, có những hoạt động của con người làm cho vi khuẩn này từ mặt đất được phát tán bay lơ lửng trong không khí. Tuy nhiên khi đặt nó trong môi trường không có không khí thì nó sẽ tái hoạt trở lại. Việc tái hoạt trở lại sẽ phá vỏ bao bào tử để sản sinh ra chất độc gọi là chất độc botulinum.

"Tất cả các thức ăn khi chế biến bằng đóng gói, đóng hộp, đóng vào bao kín, không có oxy thì vi khuẩn có khả năng phát triển. Như vậy, khả năng nhiễm độc tố botulinum luôn luôn rình rập", TS Hùng nói.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.