NNVN có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Ngoan, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp về vấn đề này.
Ông Võ Thành Ngoan, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp |
Xin ông cho biết Đồng Tháp đã có kế hoạch SX vụ TĐ 2018 như thế nào để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra?
Theo dự báo năm nay lũ về nhiều và sớm hơn các năm. Để hạn chế thiệt hại, tỉnh đã xây dựng kế hoạch SX lúa TĐ với diện tích 130.000ha, nằm trong các ô bao đảm bảo an toàn. Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương xả lũ để bồi đắp phù sa cho đồng ruộng. Dự kiến, tổng diện tích xả đầu mùa lũ năm 2018 hơn 81.570ha, thời gian bắt đầu xả từ tháng 8 đến đầu tháng 10. Thời gian bơm, rút nước để xuống giống vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 12. Tổng thời gian xả lũ từ 30 - 120 ngày, tùy khu vực và chiều sâu mực nước xả lũ từ 0,3 - 1,8m; một số diện tích ở huyện Hồng Ngự xả lũ tự nhiên.
Để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa khu vực xả lũ và khu vực SX của nông dân, cũng như tiến hành xả lũ một cách phù hợp, các địa phương cần lấy ý kiến của người dân trong khu vực ô bao để có sự đồng thuận cao. Ngành nông nghiệp cũng đã quy hoạch rất rõ vùng nào làm ô bao chống lũ, quản lý lũ triệt để, vùng nào chống lũ có kiểm soát và những vùng có xả lũ khi làm lúa 2 vụ.
Tuy nhiên, ở một vài địa phương xảy ra vướng mắc là trong cùng một ô bao có SX lúa là chính lại xen lẫn trồng màu, cây ăn trái. Vì vậy, khi xả lũ người dân không đồng thuận. Nhất là người dân trồng cây ăn trái lo sợ ảnh hưởng chết cây. Chúng tôi cũng xác định những hộ dân trồng cây ăn trái trong ô bao SX lúa là tự phát, nằm ngoài quy hoạch.
Do đó, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn trong khâu quản lý quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch SX nông nghiệp), phải làm mạnh, làm rõ ngay từ đầu khi người dân mới tự phát chuyển đổi cây trồng để tránh xảy ra tình trạng như hiện nay. Đồng thời, các địa phương cần nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch phù hợp.
Người nông dân cần nâng cao nhận thức về tính tập thể, liên kết giữa nông dân với nhau trong khu vực. Ví dụ như liên kết cùng SX một loại cây trồng để thuận tiện trong phòng, chống thiên tai, xả lũ, tiêu thụ sản phẩm... Cùng với đó là tuân thủ theo quy hoạch SX nông nghiệp.
Ông có thể giới thiệu một số cách làm hiệu quả để khai thác lợi thế cũng như đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trong mùa lũ?
Tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trong mùa lũ đảm bảo thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đang là mục tiêu được tỉnh chú trọng và quan tâm. Vì vậy, Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững gắn với mùa lũ như trồng lúa mùa nổi, lúa - tôm, lúa - cá, lúa - sen, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.
Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười tại các địa phương: Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, Tam Nông và Thanh Bình, bước đầu đã được các địa phương và người dân trong vùng lựa chọn được 7 mô hình sinh kế để triển khai thực hiện.
Đó là mô hình: Lúa Đông Xuân + lúa Hè Thu + cá đồng, cá tự nhiên; lúa Đông Xuân + lúa Hè Thu + tôm càng xanh; lúa Đông Xuân + vịt + lúa Hè Thu + vịt + cá đồng, cá tự nhiên; lúa Đông Xuân + hoa màu + cá đồng, cá tự nhiên; lúa Đông Xuân + lúa Hè Thu + cá đồng, cá tự nhiên, cây thủy sinh (sen, điên điển…); lúa Đông Xuân + lúa Mùa + tôm, cá đồng, cá tự nhiên; sen + cá đồng + du lịch.
Gia cố đê bao phục vụ SX lúa TĐ |
Sở NN-PTNT Đồng Tháp khuyến cáo gì đối với người dân và chính quyền địa phương trong mùa lũ, thưa ông?
Theo tôi, các địa phương cần chủ động kiểm tra và di dời dân ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Cắm biển cảnh báo sạt lở, tổ chức lực lượng trực đề phòng sạt lở diễn biến khó lường trong mùa mưa, lũ. Củng cố, tổ chức lại các điểm giữ trẻ trong mùa lũ.
SX lúa TĐ phải tuân thủ theo kế hoạch ở những nơi có đê bao chống lũ triệt để, tuyệt đối không SX tràn lan ngoài quy hoạch, không có đê bao bảo vệ nhằm đảm bảo thu hoạch an toàn.
Bên cạnh đó, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với lũ cao, mưa lớn bảo vệ sản xuất. Kịp thời tu sửa các điểm đê xung yếu, công trình cống, bọng, trạm bơm điện bị hư hỏng, rò rỉ, tu sửa máy bơm sẵn sàng tiêu úng.
Theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh để phục vụ cho việc chỉ đạo xuống giống và triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo vệ SX.
Những cánh đồng không SX vụ TĐ thực hiện xả lũ lấy phù sa cho đồng ruộng, kết hợp nuôi trồng thủy sản |
Đối với những ô đê bao không xuống giống TĐ, xả lũ sau khi kết thúc vụ HT cần kiểm tra, theo dõi thường xuyên để đảm bảo không ảnh hưởng đến các ô đê bao có kế hoạch SX vụ TĐ. Trên những vùng, khu vực SX lúa TĐ phải xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy, hạn chế thấp nhất sự phát sinh gây hại của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Xin cảm ơn ông!