| Hotline: 0983.970.780

Xã nghèo xứ Nghệ thay da, đổi thịt nhờ cây chè

Chủ Nhật 15/11/2020 , 15:20 (GMT+7)

Sau gần 20 năm, cây chè đã giúp người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Một cơ sở sản xuất chè thủ công chất lượng cao ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Một cơ sở sản xuất chè thủ công chất lượng cao ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Vốn là vùng đất đồi khô cằn, nhiều năm trước Hùng Sơn vẫn còn là một xã nghèo ở huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An. Xã có diện tích đồi lớn, trước đây bỏ hoang nhiều, bà con sống chủ yếu nhờ vào nương, rẫy, trồng mỳ (sắn), nhiều giai đoạn giáp hạt đều thiếu đói.

Trăn trở tìm cách thoát nghèo cho người dân, lãnh đạo địa phương thử đưa nhiều cây ăn quả về làm kinh tế. Tuy nhiên, tính chất đất ở vùng này không hợp, lại chịu ảnh hưởng bởi gió Lào, nắng nóng nhiều.

Cây cam đưa về trồng cho ít quả lại xốp, không ngọt. Cây vải thiều, nhãn Hưng Yên cũng được trồng thử nhưng quả ít, nhãn trơ cùi, vải chua. Năm 1999, cây tiêu được tiếp tục đưa về thử nghiệm, nhưng một gốc tiêu chỉ được khoảng 5-6 lạng hạt, sản lượng quá ít.

Năm 2001, cán bộ xã đưa cây chè về trồng tại đây. Cùng với sự hợp tác của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, những năm qua, huyện Anh Sơn, Nghệ An chú trọng phát triển vùng chè nguyên liệu, nâng cao giá trị kinh tế, định vị theo hướng VietGAP, tiêu chuẩn OCOP.

Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Anh Sơn nhanh chóng trở thành một trong những huyện trọng điểm về chè của tỉnh. Còn xã Hùng Sơn ngày càng thay da đổi thịt nhờ cây chè.

Sau hơn 10 năm, cây chè vẫn trụ vững tại mảnh đất cằn cỗi này, thậm chí giúp thay đổi đời sống người dân, giải quyết việc làm, giúp các gia đình nuôi con em trong xã ăn học đầy đủ.

Tháng 11/2015, xã được công nhận nông thôn mới, 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn. Màu xanh của cây chè phủ lên gần 500ha đồi núi trọc mà nhiều loại cây trồng trước không lên nổi.

Tính đến cuối năm 2018, cả xã Hùng Sơn có hơn 900 hộ thì có đến hơn 700 hộ trồng chè. Đây là một trong những vùng nguyên liệu chè lớn nhất và tốt nhất của huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. 1 ha trồng chè ở Hùng Sơn mỗi năm cho thu nhập từ 100 -120 triệu đồng, năng suất bình quân đạt từ 30 – 40 tấn/ha/năm.

Phát triển vùng nguyên liệu chè theo hướng VietGAP, chè sạch chất lượng cao đang được nhiều bà con nông dân trồng chè ở xã Hùng Sơn mở rộng.

Chè nhãn hiệu Hùng Sơn được khách hàng khắp nhiều nơi dùng thử và đều có chung một nhận xét: chè vùng này rất được nước, có màu xanh ánh vàng rất hấp dẫn, có vị chát đậm.

Năm 2018, mô hình trồng chè theo hướng VietGAP đã chiếm tới 1 nửa diện tích trồng chè của toàn xã, trong đó, có 130 ha được chứng nhận VietGAP.

Quy trình trồng và chăm sóc chè không sử dụng phân bón hóa học mà chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo ra nguyên liệu chè sạch làm nên những sản phẩm chè chất lượng cao.

Đây là hướng đi bền vững nhằm giúp người dân trồng chè tạo được lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh trên thị trường và ổn định đầu ra sản phẩm.

Tính đến đầu năm 2019, quỹ đất trồng chè các vùng đã được quy hoạch vẫn còn trên 600ha. Trên địa bàn có 3 nhà máy chế bến chè với tổng công suất 100 tấn/ngày.

Có được điều đó là nhờ những cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần ổn định được vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025