| Hotline: 0983.970.780

Xã nuôi bò vỗ béo và bí quyết vượt qua khủng hoảng

Thứ Sáu 13/10/2023 , 06:30 (GMT+7)

Xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) là địa phương phát triển nghề nuôi bò vỗ béo đầu tiên ở Bình Định. Dù bò thịt đang giảm giá nhưng đàn bò ở đây vẫn ổn định…

Bán rẻ, mua rẻ vẫn có lãi

Người dân xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) phát triển nghề nuôi bò vỗ béo đến nay đã hơn 20 năm.

Người dân ở đây đi khắp các vùng quê trong tỉnh mua những con bò èo uột do được nuôi theo kiểu “phó mặc cho trời” hoặc lùng sục những vùng đất trung du, miền núi kiếm những con bò kéo cộ đã “hết hạn sử dụng”, gầy trơ xương, mua về “tẩm bổ” cho đến khi chúng “đỏ da thắm thịt” thì bán bò thịt.

Nhơn Lộc là xứ rượu Bàu Đá, hầu hết các hộ dân ở đây đều nấu rượu. Trong thức ăn dùng để vỗ béo bò ở Nhơn Lộc có hèm rượu (còn gọi là bã rượu hoặc xác rượu) trộn với cháo, cám, rau… Bò ăn hèm rượu cũng say như người uống rượu, nên ăn xong là ngủ li bì. 

Đang sống trong cảnh “khổ hạnh” ở nhà chủ nuôi cũ, giờ về Nhơn Lộc được ăn ngủ đầy đủ nên bò nhanh hồi phục sức khỏe, chỉ mấy tháng sau là mập ú ù, mỗi con bò có thể cho người nuôi kiếm lãi cả chục triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, cán bộ thú y xã Nhơn Lộc, hiện tổng đàn bò trên địa bàn xã này có 3.200 con, so với thời nuôi bò vỗ béo “hưng thịnh” nhất chỉ giảm khoảng 160 con.

Đặc biệt, tại thời điểm này, dù giá bò thịt đang giảm, nhưng người nuôi bò vỗ béo ở Nhơn Lộc vẫn mua bò ốm về nuôi vì tính ra vẫn có lãi.

Chị Lê Thị Sương ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) đang nuôi vỗ béo 3 con bò cái. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lê Thị Sương ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) đang nuôi vỗ béo 3 con bò cái. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lê Thi Sương (58 tuổi) ở thôn Đông Lâm (xã Nhơn Lộc), người đang nuôi 3 con bò vỗ béo, khẳng định, bò thịt giảm giá thì "bò xác" cũng giảm giá theo. Bây giờ, người nuôi bán bò thịt mất giá so với trước 5 - 7 triệu đồng/con, nhưng mua lại "bò xác" cũng rẻ hơn 5 - 7 triệu đồng/con so với trước đây.

Nuôi đến khi con bò mập lên, khi bán, nếu bò thịt vẫn có giá cũ thì người nuôi vẫn có lãi, nếu lúc ấy bò thịt tăng giá thì người nuôi càng lãi to. Bò thịt giá cao hay thấp thì người nuôi bò vỗ béo vẫn có lãi.

“Đầu năm 2023 tôi mua 3 con bò cái ốm, bò cái có giá thấp hơn bò đực nên 3 con bò cái ấy tôi chỉ mua có 37 triệu đồng. Nuôi hơn 2 tháng thấy 3 con bò đã có da có thịt, tôi kêu thương lái đến bán được 57 triệu đồng, lãi được 20 triệu đồng.

Chi phí thức ăn suốt mấy tháng nuôi chỉ chừng 5 - 7 triệu đồng, tôi còn lãi ròng 13 - 15 triệu đồng. Tuy không lãi nhiều lắm, nhưng khoản tiền này là không nhỏ đối với người dân nông thôn. Một năm nuôi nhiều lứa bò, nuôi thêm con heo, con gà và làm mấy sào ruộng nữa là gia đình có cuộc sống ổn định”, chị Lê Thị Sương chia sẻ.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Đông ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) đang nuôi vỗ béo 5 con bò đực. Ảnh: V.Đ.T.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Đông ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) đang nuôi vỗ béo 5 con bò đực. Ảnh: V.Đ.T.

Nghề nuôi bò vỗ béo của nông dân xã Nhơn Lộc cho thu nhập ổn định, nên đã nhanh chóng lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh Bình Định.

Thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi có đất trồng cỏ ở Bình Định mua bò đực giống BBB (Blanc Blue Belge) về nuôi vỗ béo.

Bò BBB xương cốt to, chăm sóc đúng quy trình rất nhanh tăng trọng, sau gần một năm vỗ béo, bò cái BBB đạt trọng lượng 400 - 500 kg/con, bò đực đạt trên 500 kg/con.

“Ở Bình Định có trang trại nuôi vỗ béo đến 100 con bò lai ngoại. Lúc giá bò thịt ổn định, 1 con bò BBB mua khoảng 18 - 20 triệu đồng, sau 7 - 8 tháng nuôi vỗ béo con bò này có thể bán đến từ 40 - 45 triệu đồng. 1 hộ nông dân thường xuyên nuôi vỗ béo khoảng 10 con bò BBB, mỗi năm có thể kiếm cả 100 triệu đồng”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Tự phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào

Bí quyết để nuôi bò vỗ béo có lãi trong bối cảnh bò thịt hạ giá là người chăn nuôi tự phối trộn thức ăn cho bò bằng phế phẩm nông nghiệp sẵn có, giảm thức ăn tinh để giảm chi phí đầu vào.

Chị Nguyễn Thị Thu Đông (39 tuổi), người có thâm niên 20 năm nuôi bò vỗ béo ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, hiện đang nuôi vỗ béo 5 con bò đực đã gần xuất chuồng, trông con nào con nấy đã to đùng.

Theo chị Đông, khi chồng chị đi mua "bò xác" gặp con nào mua con nấy, nếu gặp con bò ốm thì mua khoảng 30 - 35 triệu đồng, nếu gặp con bò lai vóc dáng vạm vỡ, có khả năng nhanh tăng trọng thì mua nhiều tiền hơn.

Theo chị Đông, vợ chồng chị tham gia nuôi bò vỗ béo ngay thời điểm người chăn nuôi ở xã Nhơn Lộc phát triển mạnh nghề này. Khi ấy, tháng nào vợ chồng chị Đông cũng có bò xuất chuồng, bò thịt bán ra "bò xác" mua vào liên tục.

Nuôi bò ít tốn chi phí đầu vào hơn các loại vật nuôi khác, bởi con bò chủ yếu ăn thức ăn do người nuôi tự phối trộn, nên có giá thành thấp. Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi bò ít tốn chi phí đầu vào hơn các loại vật nuôi khác, bởi con bò chủ yếu ăn thức ăn do người nuôi tự phối trộn, nên có giá thành thấp. Ảnh: V.Đ.T.

“Những năm trước đây nuôi bò vỗ béo có thu nhập cao lắm, con nào lãi ít nhất cũng 4 - 5 triệu đồng, có con lãi hơn chục triệu. Cũng có con phải bán tháo vốn vì nuôi mãi nó không mập, nhưng loại này rất ít, còn lại hầu hết ít nhiều cũng có lãi. Như mới năm ngoái chồng tôi mua 1 con bò lai đến 48 triệu đồng, nuôi hơn 3 tháng bán được hơn 60 triệu.

Nuôi 5 - 7 con trong chuồng, thấy con nào mập mạp, có thể xuất bán là vợ chồng tôi gọi điện kêu thương lái đến mua, bán xong đi kiếm mua con bò ốm khác về thả vào chuồng”, chị Đông cho hay.

Nói về thức ăn cho bò, chị Đông chia sẻ thêm: Ngoài cho bò ăn 1 ít cám đậm đặc, chị còn phối trộn các loại cám gạo, bột bắp, cám hột để làm thức ăn cho bò. Bên cạnh đó, chị Đông còn nấu rượu để lấy bã rượu cho bò ăn. Trước kia, khi bò thịt còn có giá cao, chị Đông cho bò ăn nhiều cám đậm đặc để bò nhanh tăng trọng, giờ thị chị cho bò ăn thức ăn phối trộn nhiều hơn.

“Lúc bò đang trong thời điểm hạ giá thì bột bắp rẻ hơn trước rất nhiều. Nếu trước kia 1kg bột bắp có giá hơn 9.000 - 10.000 đồng thì nay chỉ còn 8.000 đồng. Cám gạo bữa nay cũng rẻ, chỉ còn 7.500 đồng/kg, trong khi trước đây đến hơn 9.000 đồng/kg. Bữa nay nuôi bò vỗ béo tôi ít cho ăn cám đậm đặc để giảm chi phí đầu vào. Nếu trước đây với 5 con bò tôi cho ăn 10 ngày 1 bao, thì nay 1 bao cho bò ăn đến 20 ngày. 

Bên cạnh đó tôi tăng cường cho bò ăn thức ăn tự phối trộn, chấp nhận kéo dài thêm thời gian nuôi. Trước đây, sau khi con bò xác nhập chuồng chỉ nuôi 3 tháng là bán, nay phải nuôi đến 4 - 5 tháng mới xuất chuồng, kéo dài thời gian nuôi cũng là để chờ giá”, chị Đông cho hay.

Bò thịt bán rẻ thì 'bò xác' mua vào cũng rẻ nên nuôi bò vỗ béo vẫn có lãi dù giá bò thịt đang hạ. Ảnh: V.Đ.T.

Bò thịt bán rẻ thì "bò xác" mua vào cũng rẻ nên nuôi bò vỗ béo vẫn có lãi dù giá bò thịt đang hạ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo chị Đông, với 5 con bò lai đang nuôi trong chuồng, mỗi ngày chúng ăn khoảng 200.000 đồng tiền thức ăn. Bò thịt hiện nay mất giá khoảng 5 triệu đồng/con, nếu như con bò trước đây bán được 50 triệu đồng thì nay chỉ bán được 45 triệu đồng, mà bán rất chậm vì sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh. Do đó, nuôi bò vỗ béo phải “thắt lưng buộc bụng” cho bò ăn thức ăn tự phối trộn, chứ nếu cho ăn thức ăn đậm đặc người nuôi sẽ mất lãi hoặc bị lỗ.

“Hiện nay, các loài vật nuôi đều đang có giá thấp hơn so với trước, ấy là theo quy luật của thị trường, bò thịt cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nuôi bò ít tốn chi phí đầu vào hơn các loại vật nuôi khác, bởi con bò chủ yếu ăn thức ăn thô có sẵn ở các vùng nông thôn do người nuôi tự phối trộn, nên có giá thành thấp. Trong bối cảnh bò thịt hạ giá, người nuôi bò vỗ béo chỉ cho bò ăn bổ sung chút đỉnh thức ăn tinh chứ không phải cho ăn nhiều như heo, gà nên người nuôi có thể cầm cự chờ giá. Nhờ đó, tổng đàn bò trên địa bàn Bình Định đến giờ vẫn ổn định ở mức gần 310.000 con”, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định cho hay.

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.