| Hotline: 0983.970.780

Xã vùng cao biên giới có cả trăm tỷ phú đi lên từ nông nghiệp

Thứ Hai 06/06/2016 , 06:29 (GMT+7)

Nhiều nông dân tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) nhờ chí thú làm ăn đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Tiền dư dả, hàng chục gia đình đã mạnh tay mua xe hơi để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và hàng ngày lái xe đi… thăm rẫy.

Linh hoạt đa canh đa cây

Thuận Hạnh là một xã biên giới có khí hậu thuận lợi và đất đai màu mỡ, đời sống của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp. Người dân sử dụng tài nguyên đất vô cùng hợp lí, xen canh gối vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Thuận Hạnh là một xã thuần nông với hồ tiêu và cà phê là hai loại cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, những năm gần đây các mô hình kinh tế đa canh, đa cây được hàng trăm hộ nông dân ra sức thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng cao.

Dễ thấy nhất là cây cà phê, trên nhiều diện tích cà phê già cỗi, năng suất, chất lượng kém, nông dân đã chủ động thực hiện việc tái canh cà phê hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế vượt trội như: hồ tiêu, sầu riêng, bơ Booth, bí ngô, khoai lang tím…

Chúng tôi tham quan mô hình kinh tế đa canh, đa cây của anh Vũ Hồng Ánh, thôn Thuận Nam, một nông dân đi đầu trong việc linh hoạt thực hiện xen canh, gối vụ các loại cây trồng có thu nhập “khủng”. Anh Ánh chia sẻ: “Cách làm là tận dụng tối đa, linh hoạt xen canh các loại cây trồng trên một đơn vị diện tích để có thu nhập cao nhất có thể”.

Minh chứng cho điều này, anh Ánh dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng chừng 2 ha nhưng xen canh tới 4 loại cây trồng khác nhau, loại cây nào cũng cực kỳ tươi tốt gồm: Bí đỏ, chanh dây, hồ tiêu, bơ Booth.

Cách làm của anh cũng vô vùng đơn giản. Đầu tiên anh xuống giống bí đỏ, sau đó chôn trụ bê tông, làm giàn cho chanh dây leo. Tại các trụ bê tông, anh tiếp tục thả dây tiêu vào, cuối cùng nơi giao nhau giữa 4 trụ tiêu anh trồng một gốc bơ Booth. Như vậy trên một đơn vị diện tích anh trồng tới 4 loại cây với phương châm lấy ngắn nuôi dài.

Chia sẻ bí quyết thành công của mình, anh cho biết: Thông thường thời vụ bí đỏ chỉ kéo dài có 4 tháng, chanh dây 6 tháng cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài lên đến trên 2 năm, hồ tiêu và bơ Booth thì phải 3 năm trở lên mới có thu.

16-42-50_nh-1-bi-2
Biệt thự được xây dựng với kinh phí 4 tỷ đồng của anh Vũ Hồng Ánh

 

Như vậy, sau khi anh thu hoạch bí đỏ xong thì dọn vườn, tiếp tục chuẩn bị thu hái chanh dây. Sau khi chanh dây già cỗi lại tập trung chăm sóc hồ tiêu và bơ Booth để sang năm tiếp tục có nguồn thu ngay.

“Việc xen canh, gối vụ cần tính toán thời vụ hợp lý và phải đặc biệt chú trọng đến khâu chăm sóc, xử lý BVTV cho cây trồng, tránh tình trạng bệnh dịch lây lan”, anh Ánh nói.

Theo anh Ánh, nhờ thực hiện xen canh, gối vụ hợp lý các loại cây trồng nên dù đang trong giai đoạn kiến thiết vườn hồ tiêu nhưng năm nào 2 ha vườn của anh cũng cho thu lãi trên 2 tỷ đồng.

Tăng tốc đầu tư nông nghiệp

Một điều đáng mừng ở xã Thuận Hạnh là dù đời sống kinh tế không ngừng được nâng lên, nhưng người dân vẫn luôn ý thức rất cao với việc gắn bó làm nông nghiệp, chăm chỉ làm ăn, không có tư tưởng xa hoa, ăn chơi hưởng thụ.

Đi khắp một vòng quanh xã những ngày đầu mùa mưa này, ở bất kỳ nơi nào cũng thấy nông dân hăm hở bắt tay làm đất, mua giống, phân bón, chuẩn bị đầu tư cho những mùa vụ mới.

Gia đình anh Vũ Xuân Lợi, thôn Thuận Nam, vừa mới ra ngân hàng huyện rút hơn 500 triệu đồng để về trả tiền vật tư nông nghiệp, tất bật chôn trụ, chuẩn bị xuống giống hơn 1,5 ha hồ tiêu trong mùa mưa năm nay. Anh Lợi cho biết: Nếu xuống giống xong 1,5 ha hồ tiêu này, cùng với 2,5 ha tiêu đang kinh doanh, anh Lợi sẽ có tổng cộng 4 ha tiêu trong tay.

16-42-50_nh-2-bi-2
Trồng và chăm sóc cây hồ tiêu ở Thuận Hạnh

Tuy nhiên, chưa bằng lòng với thành quả đã có, anh tiếp tục sẽ đầu tư trồng thêm 2 ha cây ăn quả là sầu riêng và bơ Booth. Suy nghĩ của anh Lợi cũng là hướng đi chung của hàng trăm hộ nông dân Thuận Hạnh.

Ông Nguyễn Cao Trí cho biết: Theo thống kê sơ bộ của UBND xã, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, lượng vốn mà nông dân trong xã bỏ ra để đầu tư phát triển nông nghiệp đã lên đến trên 300 tỷ đồng.

Chưa kể, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư mở các cửa hàng vật tư phân bón, thuốc BVTV, sắm sửa xe ô tô tải chở hàng, xe hơi để đi giao dịch làm ăn, máy móc, thiết bị phục vụ làm nông nghiệp. Nếu đúng như kỳ vọng, chỉ vài năm nữa, đa số nông dân Thuận Hạnh sẽ trở thành tỷ phú, triệu phú.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào trong sản xuất nông nghiệp được người dân thực hiện rất khoa học. Nông dân chịu khó tham dự các cuộc hội thảo khoa học nông nghiệp, cũng như tìm tòi sách báo, tài liệu để tham khảo. Đi dọc con đường liên xã có đến 70% hộ nông dân kết nối mạng internet chỉ để tìm hiểu thông tin về nông nghiệp.

Nhờ chịu khó tích cóp, chăm chỉ làm ăn, hàng trăm hộ nông dân trong xã đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá, tỷ phú. Chỉ tính trong năm 2015, Thuận Hạnh có đến 300 hộ đạt danh hiệu nông dân kinh doanh sản xuất giỏi. Công việc thuận lợi, thu nhập ở mức cao nên nhiều nông dân mạnh tay đầu tư xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp. Việc mua sắm xe hơi không còn là điều lạ lẫm ở vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh này.

Theo thống kê của Trường CĐ nghề số 8, từ năm 2011 đến nay, trường đã mở nhiều lớp dạy lái ô tô tại các xã trên địa bàn huyện Đắk Song với khoảng 500 học viên, trong đó 80% là nông dân. Sau khi kết thúc khóa học, nhiều nông dân đã mua ô tô để phục vụ cho gia đình mình.

Hiện, thống kê trên địa bàn xã Thuận Hạnh có hơn 100 chiếc ô tô xịn, trong đó loại đắt tiền trên 1 tỷ có khoảng 30 chiếc. Những hộ mua xe thường xuống các công ty đặt hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài đưa về, có những hộ có xe rồi mới đi học bằng lái. Hơn 400 căn nhà được xây dựng với kinh phí lên đến cả tỷ đồng.

 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn PAN cán mốc nghìn tỷ

Tập đoàn PAN công bố kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất