| Hotline: 0983.970.780

Xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp

Thứ Bảy 20/04/2019 , 09:15 (GMT+7)

"Tổng đài tiếp nhận các cuộc gọi cần hỗ trợ đa phần là những ca xâm hại, trong đó tỷ lệ xâm hại tình dục chiếm hơn 30%", ông Nguyễn Công Hiệu - PGĐ Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (tổng đài 111) thuộc Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) cho biết.

10-30-18_hieu
Ông Nguyễn Công Hiệu

Là người phụ trách Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, ông có thể khái quát về tình trạng trẻ bị bạo lực thông qua các cuộc gọi đến đường dây, trong đó có số vụ trẻ bị xâm hại tình dục?

Chỉ tính riêng trong quý I năm 2019, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (tổng đài 111) đã tiếp nhận trên 300.000 cuộc gọi đến. Tổng đài đã tư vấn 6.794 ca; hỗ trợ, can thiệp 207 ca.

Trong đó, số ca trẻ em bị bạo lực là 74 ca (chiếm 35,8% số ca hỗ trợ can thiệp của Tổng đài trong quý), trẻ em bị xâm hại tình dục là 63 ca (chiếm 30,4%), trẻ em bị bóc lột có 21 ca; trẻ em gặp các khó khăn liên quan đến pháp luật (tranh chấp quyền nuôi con, thủ tục làm giấy khai sinh, nhập quốc tịch, chính sách đối với trẻ em khuyết tật...) là 21 ca.

Trong các loại bạo lực đối với trẻ em thì xâm hại tình dục có số ca mà chúng tôi tiếp nhận và xử lý cao. Trên thực tế, tôi nghĩ bạo lực có thể cao hơn, nhưng vì với quan niệm “yêu cho roi cho vọt”, do nhận thức chưa đầy đủ nên có thể trẻ bị bạo lực thật nhưng vẫn nghĩ là không, do đó người dân ít phản ánh hơn. Còn Tổng đài tiếp nhận các cuộc gọi cần hỗ trợ đa phần là những ca xâm hại, trong đó tỷ lệ xâm hại tình dục chiếm tương đối cao (hơn 30%).

Ông đánh giá như thế nào về mức độ, tình trạng của nạn dâm ô trẻ em hiện nay, cá nhân ông có cảm thấy lo lắng vì tình trạng này?

Xâm hại tình dục trong thời gian qua xảy ra từ xâm hại đến dâm ô rất là nhiều và càng ngày càng phức tạp. Thực tế, tôi không nghĩ thời gian gần đây nó nhiều hơn ngày xưa, nhưng bản chất là bây giờ người dân nhận thức rõ hơn nên nhiều vụ việc đã được đưa ra ánh sáng. Hơn nữa bây giờ mạng xã hội phát triển mạnh, điện thoại, camera hành trình cũng được người dân sử dụng thường xuyên thành ra vấn đề đó được đưa ra ánh sáng nhiều hơn.

Vấn đề của xâm hại tình dục, tình dục trẻ em hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng vẫn hay đi vào nội dung chủ yếu lên án thủ phạm nhưng còn rất nhiều nội dung, cách giải quyết vấn đề này mà chưa được quan tâm nhiều lắm. Vấn đề bây giờ là phòng tránh và trách nhiệm của các bên, trách nhiệm của gia đình đến đâu, nhà trường, cộng đồng xã hội đến đâu? Đó là những vấn đề mà chưa được phương tiện truyền thông, mạng xã hội để ý. Đó cũng là điều tôi trăn trở nhất.

Nói như ông, thì dường như truyền thông, mạng xã hội đã vô tình đẩy các em rơi từ bi kịch này, sang bị kịch khác?

Chúng tôi đã từng tiếp nhận và xử lý những ca rất nghiêm trọng có thể tương đương thậm chí hơn những ca mà trên các phương tiện thông tin đang đề cập đến. Nhưng chúng tôi không cung cấp cho truyền thông, bởi đó là những việc chúng tôi làm hàng ngày. Việc chúng tôi làm nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích cho các em.

Thời gian gần đây chúng tôi nhận được tin nhắn của mẹ nạn nhân mà cảm thấy day dứt và cực kỳ đau lòng. Chị ấy nhắn: Báo chí lại đăng rồi, bây giờ làm thế nào em? Câu nói ấy ám ảnh tôi, cực kỳ ám ảnh bởi không biết giải quyết con đường về cho người ta như thế nào? Giờ chuyển em bé đi đâu, các cháu sau này sống như thế nào, ở đâu? Thực sự đau lòng.

Nếu cháu bị xâm hại, truyền thông không viết rõ trường, xã nơi các cháu cư trú, cả xã hội không biết như thế các cháu an toàn hơn, dễ dàng phục hồi cho cháu hơn. Rồi dần dần viết thương lòng cũng được nguôi ngoai, sẽ tái hòa nhập cộng đồng mà không ai biết. Nhưng giờ thì gần như cả xã hội biết, cháu sẽ sống ra sao?

Vậy theo ông, đưa tin những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, cần làm gì để đảm bảo thông tin vừa mang tính thuyết phục, lại vừa mang tính cảnh tỉnh răn đe đối với những người đã, đang và sắp có ý định dâm ô trẻ nhỏ?

Theo tôi các phương tiện truyền thông hoàn toàn không cần thiết đề cập đến tên nạn nhân. Cái đó cực kỳ nguy hiểm, bởi việc viết tên (dù tắt của nạn nhân) cũng là lần thứ hai xâm hại các em. Mà lần xâm hại thứ 2 này mới khủng khiếp. Vì nạn nhân bị hiếp dâm đã rất đau khổ, sẽ càng đau khổ hơn khi tất cả cộng đồng biết. Tức là gần như con đường quay trở về cộng đồng rất khó khăn.

Tôi có thể kể ra đây trường hợp, Tổng đài làm gần xong quá trình hỗ trợ với việc bảo mật thông tin về nạn nhân gần như rất tốt rồi. Thế nhưng đến ngày cuối cùng, thì cả đầu đi và đầu đến của cháu (nơi xảy ra xâm hại - đầu đi, đầu đến (quê gia đình định đưa cháu về để chữa trị tổn thương cả thể xác và tinh thần cháu gánh chịu) thì báo chí của cả hai địa phương lại đồng thời viết về ca xâm hại tình dục này.

Thử hỏi, đặt vào tình huống này, cháu bé ấy biết đi đâu? Nói gì thì nói, trẻ đi đến đâu mà nhiều người nhòm ngó, xì xào, chỉ trỏ rằng “con bé ấy bị hiếp dâm”… thì rất khó để sống dù sống. Thực sự đau lòng.

Tôi kiến nghị, cần quy định rõ ràng. Việc truyền thông mô tả rất rõ vụ án, mô tả rõ đối tượng, mô tả chi tiết tiến trình vụ việc thì được… Còn địa điểm, tên nạn nhân thì tuyệt đối không, bởi có giải quyết được vấn đề gì cho việc này đâu. Các bạn có thể xem lại vụ Minh Béo, các bạn không thể tìm thấy thông tin nào khác về nạn nhân ngoài một chỉ dấu đây là bé trai. Tất nhiên người xử lý vụ việc họ biết rất rõ, nhưng nguyên tắc họ không cung cấp cho báo chí. Phóng viên đến viết bài chắc chắn cũng biết nhưng họ cũng không đưa thông tin lên mặt báo. Đấy mới là việc đưa tin mà theo tôi có tác dụng rõ rệt nhất.

Xin cảm ơn ông!

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.