| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn khiến hàng trăm ha đất canh tác bị ảnh hưởng

Thứ Ba 01/11/2022 , 09:57 (GMT+7)

Nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xuống cấp khiến xâm nhập mặn ngày càng trở nên nghiêm trọng và khốc liệt...

Hàng trăm ha đất canh tác nguy cơ bỏ hoang vì xâm nhập mặn

Đê tiền tả nằm trên địa bàn thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong mới được xây dựng những năm gần đây. Đê vừa là tuyến đường liên thôn vừa có vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng sản xuất trên 6 ha màu của thôn Phú Mỹ Kiên.

Empty

Do thiên tai tàn phá, đê tiền tả tại thôn Phú Mỹ đã mất vai trò ngăn mặn, giữ ngọt. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, sau trận lũ lịch sử năm 2020, con đê này đã hư hỏng nghiêm trọng. Mái đê bị xói lở, đáy bị xói rỗng khiến 6 ha đất màu của người dân Triệu Giang từ vài năm nay bỏ hoang do không có nước tưới; đất bị nhiễm phèn, mặn.

Bài liên quan

Tương tự, cống ngăn mặn, giữ ngọt của xã Triệu Giang phục vụ sản xuất cho hơn 200 ha đất lúa của các HTX Trà Liên Tây, Phú Áng, Phước Mỹ. Cống ngăn mặn, giữ ngọt này hiện đã bị xói lở mái, một số ván ngăn, khe phai đã hư hỏng.

Người dân ở đây cho hay, thường vào cuối vụ đông xuân, nước biển dâng cao. Do cống ngăn mặn đã hư hỏng, xuống cấp, nước mặn vượt qua cống xâm nhập vào các cánh đồng. Điều này khiến một số hộ dân phải bỏ hoang đất lúa vụ hè thu.

Theo ông Phan Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Giang, tại xã hiện còn có 3 đê ngăn mặn bằng đất đều nằm ở thôn Trà Liên Tây. Do đê được đắp từ lâu đời nên hiện nay cũng bị nước biển thẩm thấu, đất canh tác vì thế nhiễm mặn, phèn.

Trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, UBND xã Triệu Giang đã báo cáo lên cấp trên nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý.

“Thời gian qua, một số trà lúa gieo xong bị nhiễm mặn đã chết. Chúng tôi phải chuyển một phần diện tích đất lúa sang trồng màu để giảm áp lực nhu cầu nước ngọt. Hiện toàn xã có 220 ha/242 ha đất lúa và 130/171 ha đất màu bị xâm nhập mặn rất khó khăn để canh tác đạt hiệu quả cao” – ông Đông cho hay.

Dẫn chúng tôi đi thăm các cánh đồng cạnh các sông Ái Tử, Thạch Hãn, ông Đông giải thích thêm, nông dân Triệu Giang canh tác chủ yếu lấy nguồn nước từ hai dòng sông này. Tuy nhiên, cả sông Ái Tử và Thạch Hãn đoạn đi qua xã đều ở gần cửa biển, mùa hè, nhất là khi triều cường dâng cao, các khúc sông này đều bị nhiễm mặn. Khi các công trình ngăn mặn giữ ngọt xuống cấp, nước mặn tràn vào các cánh đồng. Vì vậy, việc canh tác của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

“Vừa rồi, xã Triệu Giang được đầu tư xây dựng hai đập ngăn mặn giữ ngọt. Ở những vùng đất đó thì năng suất lúa và hoa màu cao hơn hẳn. Những vùng bị ngập mặn người dân rất nản vì năng suất lúa thấp và nhiều lần phải gieo cấy lại”.

Ngoài việc phải chuyển 31 ha đất lúa sang trồng màu, UBND xã Triệu Giang phải chọn những giống ngắn ngày cho cả hai vụ sản xuất lúa để tránh xâm ngập mặn. Tuy nhiên, hiệu quả của những phương án tạm thời này không cao và năng suất lúa cũng sụt giảm rõ rệt.

Empty

Cống ngăn mặn, giữ ngọt của xã Triệu Giang xuống cấp khiến hàng ha lúa có nguy cơ bỏ hoang. Ảnh: Võ Dũng.

Trước đó, vụ hè thu 2021, tình hình xâm nhập mặn cũng khiến nông dân huyện Cam Lộ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Thời điểm đó, trên 50 ha lúa của 320 xã viên thuộc Hợp tác xã Hiếu Nam, xã Cam Hiếu trong giai đoạn sinh trưởng đứng trước nguy cơ mất trắng do không có nước tưới. Nguyên nhân là tình trạng xâm nhập mặn trên sông Hiếu đã ảnh hưởng đến nguồn nước tưới trên địa bàn xã, trong đó có Trạm bơm Hiếu Nam, gây ảnh hưởng đến việc cấp nước sản xuất vụ hè thu cho diện tích lúa ở đây.

Từ đề nghị của UBND huyện Cam Lộ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 xem xét, linh động cho đóng cửa van đập ngăn mặn sông Hiếu để ngăn mặn, giữ ngọt tạo nguồn cho các trạm bơm bơm tưới kịp thời lấy nước phục vụ sản xuất trong điều kiện đập ngăn mặn sông Hiếu đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa bàn giao đưa vào sử dụng.

Giếng khoan 100% hộ dân tại xã Triệu Giang bị ô nhiễm

Xâm nhập mặn khiến chất lượng nguồn nước giếng khoan của hàng nghìn hộ dân xã Triệu Giang ngày càng trở nên ô nhiễm.

Ông Hồ Viết Tuyền, trưởng thôn Trà Liên Tây dẫn chúng tôi đi xem bể lọc nước của các hộ dân trong thôn và khẳng định, 100% hộ dân hiện nay đều phải sử dụng nước nhiễm phèn. Giếng một số hộ có vị lơ lớ mặn nguyên nhân là do xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền.

Empty

Cống ngăn mặn, giữ ngọt mất vai trò, việc canh tác lúa và hoa màu của người dân Triệu Giang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

“Thôn Trà Liên Tây có 800 hộ dân với 4 nghìn nhân khẩu. Tất cả các giếng khoan đều nhiễm phèn từ bao đời nay nhưng vài năm lại đây một số giếng bị nhiễm mặn. Mặc dù người dân đã lọc thủ công thông qua các bể xi măng và lọc lại bằng máy lọc nhưng chất lượng nước vẫn không đảm bảo. Chúng tôi rất lo và mong có công trình nước sạch để người dân đỡ vất vả” – ông Tuyền cho hay.

Theo thống kê của UBND xã Triệu Giang, tất cả các giếng khoan trên địa bàn xã đều đã nhiễm phèn. Nhiều lần cử tri đã đề nghị xây dựng công trình nước sạch tại địa bàn nhưng đến nay người dân vẫn chưa được toại nguyện.

Ông Phan Văn Đông cho biết thêm, năm 2020, xã Triệu Giang về đích NTM. Tại thời điểm đó, tiêu chí nước sạch được đánh giá là ở mức tiệm cận với an toàn. Nhưng với tình hình này, tiêu chí nước sạch hiện đã tụt so với thời điểm năm 2020.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề nước sạch nhưng hiện vẫn chưa có lời giải cho bài toán này. Trước mắt, xã khuyến cáo người dân sử dụng các bể lọc nước tự xây dựng để lọc và lọc lại bằng máy để sử dụng nhưng không phải ai cũng có điều kiện” – ông Đông chia sẻ.

Empty

Trên 3,5 nghìn hộ dân thôn Triệu Giang và các xã ven biển của tỉnh Quảng Trị thiếu nước sạch do tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Hồ Văn Thành, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, năm nào hạn đến sớm thì cuối vụ đông xuân đã có tình trạng xâm nhập mặn và kéo dài đến vụ hè thu. Hiện tại, trên địa bàn huyện, nhiều công trình ngăn mặn giữ ngọt đã xuống cấp ảnh hưởng đến việc canh tác lúa và hoa màu của người dân. Các xã trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn là Triệu Giang, Triệu Độ, Triệu An, Triệu Vân, Triệu Ái. Các công trình ngăn mặn, giữ ngọt bị xuống cấp như đập ngăn mặn Việt Yên (nằm trên sông Vĩnh Định, giữa 2 xã Triệu Độ và Triệu Phước); đập ngăn mặn Triệu Giang; cống ngăn mặn Triệu An…. Tình trạng này khiến trên 450 ha lúa và màu của các xã trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Tình trạng xâm nhập mặn cũng khiến 3,5 nghìn hộ dân luôn nằm trong tình trạng thiếu nước sạch.

“Những công trình ngăn mặn, giữ ngọt mới được đầu tư đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, một số công trình tồn tại hàng chục năm nay đã xuống cấp khiến vai trò ngăn mặn giữ ngọt bị tê liệt, nhiều địa phương rơi vào tình cảnh khó khăn từ cuối vụ đông xuân đến vụ hè thu” – ông Thành cho biết.

Tháng 4/2022, đập ngăn mặn trên sông Hiếu được bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án có nhiệm vụ kiểm soát độ mặn ngọt, cấp nước sản xuất cho 1,3 nghìn ha đất nông nghiệp và gần 200 đất nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25 nghìn dân; duy trì tiêu thoát lũ vùng thượng lưu. Tuy nhiên, nhiều vùng đất không hưởng lợi từ công trình này vẫn ngày đêm lo lắng với tình hình xâm nhập mặn như hiện nay.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...