Vùng duyên hải Bắc bộ bao gồm 4 tỉnh và 1 thành phố ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đây là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế của cả nước với dân số gần 10 triệu người trong đó trên 60% lao động sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là canh tác lúa) và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động khai thác, sử dụng nước và phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực đã làm cho tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo tìm hiểu của PV, phạm vi các khu vực khô hạn gia tăng, xâm nhập mặn lấn sâu vào vùng đồng bằng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và lượng nước cấp cho các nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.
Kết quả đo đạc gần nhất cho thấy xâm nhập mặn lấn sâu vào các sông vùng hạ du đồng bằng Bắc bộ với chiều dài so với cửa sông từ 28 đến 33 km. Diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Hồng có xu thế gia tăng trong tương lai làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu nước trầm trọng cho khu vực.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đào Ngọc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi cho biết, những năm qua, đơn vị được Bộ NN-PTNT giao trọng trách nghiên cứu những quy hoạch cũng như các nhiệm vụ phục vụ đánh giá tình trạng xâm nhập mặn vùng đồng bằng ven biển.
Qua nhiều năm đánh giá cho thấy việc xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được Chính phủ thông qua, dự báo đến năm 2030 nước mặn mới xâm nhập đến vị trí này (cống Trung Trang của hệ thống thủy lợi Đa Độ), tuy nhiên mới năm 2023 thì điều này đã xảy ra.
Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi khu vực đồng bằng sông Hồng, nhất là các khu vực lớn như ở cống Trung Trang. Ảnh hưởng lớn tới thời gian và chi phí vận hành cho việc lấy nước của các hệ thống thủy lợi, nhất là các hệ thống công trình thủy lợi đã cũ. Nếu không kịp thời giám sát, hoặc có giải pháp hữu hiệu, nước mặn có thể xâm nhập sâu vào các khu vực nội đồng, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất.
Theo ông Tuấn, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp tại các tỉnh duyên hải phía Bắc. Thứ nhất là trong những năm gần đây lượng mưa tại các vùng sản xuất nông nghiệp tương đối ít, thứ hai là mực nước tại các điểm chủ chốt tại khu vực sông Hồng đều suy giảm do nạn khai thác cát dẫn đến việc đẩy nước mặn ra ngoài biển gặp khó.
Những nguyên nhân này đã làm cho nước mặn xâm nhập vào các cửa sông rồi tràn vào đất liền, các vùng sản xuất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 10 triệu dân các tỉnh duyên hải Bắc bộ.
Ông Tuấn chia sẻ rằng, qua các đề tài nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi đã dự đoán được việc xâm nhập mặn sẽ ngày càng sâu vào trong các hệ thống sông của khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, điều bất ngờ chính là tình trạng xâm nhập mặn lại diễn ra nhanh về cả cường độ và tốc độ.
“Theo dự đoán của Viện Quy hoạch thủy lợi, từ nay đến năm 2030, xâm nhập mặn có thể tiến sâu vào thêm từ 30km đến 45km trong các hệ thống sông. Điều này gây ảnh hưởng rất xấu đến hệ thống thủy lợi và gây khó khăn trong quá trình vận hành của các hệ thống thủy nông ven biển”, ông Tuấn chia sẻ.
Từ thực tế và trên cơ sở các công trình nghiên cứu khoc học, ông Tuấn cho rằng cần thực hiện hàng loạt giải pháp và nhiều đơn vị, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ thì mới hạn chế được xâm nhập mặn phức tạp như hiện nay.
Với các giải pháp trong nội đồng, các hệ thống thủy lợi cần chủ động trong công việc trữ nước để có thể tích được tối đa lượng nước. Còn đối với các hệ thống cống đầu mối, cần áp dụng các biện pháp hiện đại để hoạt động đóng, mở cống lấy nước nước diễn ra hiệu quả và đạt năng suất cao nhất.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tiếp tục đề xuất với đơn vị quản lý các hồ đập tận dụng năng suất của các hồ chứa để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực đồng bằng sông Hồng trong việc tưới tiêu và hỗ trợ vùng đồng bằng ven biển cho việc đẩy mặn.
Về lâu dài, các địa phương xây dựng hệ thống thủy lợi và đê điều tiết xả nước bất kỳ lúc nào khi bị xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, Viện Quy hoạch thủy lợi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các chương trình đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Hồng để có thể đảm bảo có nước sạch, cung cấp đủ nguồn nước và có thể xả nước theo mong muốn.
“Vấn đề này chúng tôi đã, đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Bộ Khoa học Công nghệ cùng hợp tác thảo luận và thực hiện hiệu quả”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Theo ước tính sơ bộ của Bộ NN-PTNT, đến năm 2050 mực nước biển dâng cao 0,22m sẽ làm cho toàn bộ các hệ thống thủy lợi ven biển thiếu nước ngọt (khoảng 30% diện tích canh tác của vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình). Bên cạnh đó là sự tác động đến môi trường sinh thái, đời sống kinh tế - xã hội và sinh kế của hàng triệu người, mà đặc biệt là khu vực đồng bằng ven biển Bắc bộ.