| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chiến lược dài hơi cho phát triển chăn nuôi

Thứ Ba 30/11/2021 , 07:13 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, quy mô đàn gia súc, gia cầm, đàn lợn chúng ta còn mỏng so với nhu cầu thực tiễn, nên cần chiến lược dài hơi.

Chuyển dịch hình thức chăn nuôi trang trại

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, những năm qua chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã chuyển dịch cơ bản từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại và có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo đó, đến nay toàn tỉnh hiện có 410 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong đó có 31 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 250 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 129 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ.

Trại gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) Ảnh: LT.

Trại gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) Ảnh: LT.

Từ đầu năm đến nay tình hình chăn nuôi diễn ra khá ổn định, dịch bệnh chỉ xảy ra lác đác một số số địa phương nhưng đã được khống chế kịp thời, không để lây lan diện rộng. Riêng đối với các dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh ở lợn không xảy ra.

Tính đến cuối tháng 10/2021, tổng đàn đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh là 2.580 triệu con (giảm 6%), đàn trâu 2.896 con (giảm 9%); đàn bò 61.150 con (giảm 5%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên tổng đàn lợn đạt 348.170 con (tăng 18,7%) và đàn gà 2,058 triệu con (tăng 5%) so với cùng kỳ. Trong đó đáng chú ý khoảng 80% số lợn và 50% số gà được nuôi theo hình thức chăn nuôi trang trại.

Tại buổi làm việc mới đây của đoàn công tác Bộ NN-PTNT với UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện Cục Chăn nuôi đánh giá cao mặc dù chăn nuôi ở Khánh Hòa không phải chủ lực, song 3 năm qua nhất là chăn nuôi nuôi lợn đã có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Bên cạnh đó, tỉnh có đàn đà điểu đứng thứ 2 toàn quốc và đàn cừu đứng thứ 3 toàn quốc. Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa có nghề yến truyền thống, với sản lượng yến hàng có giá trị rất cao chiếm hơn 64% toàn quốc.

Ngoài ra, trong 6 năm qua, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ cho tỉnh phát triển đàn giống gốc là gà ri Ninh Hòa được nuôi tại Công ty TNHH Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn. Hiện giống gà này cung ứng phục vụ người nuôi toàn quốc, với chất lượng rất tốt. Do đó, địa phương cần tiếp tục phát huy các nguồn gen bản địa có lợi thế này.

Cần chiến lược dài hơi

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, tới đây Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô trên 2 triệu dân, vì vậy việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm sẽ là bài toán lớn. Trong khi đến bây giờ quy mô đàn gia súc, gia cầm, đàn lợn trên địa bàn còn rất nhỏ.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình chăn nuôi tại Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình chăn nuôi tại Khánh Hòa. Ảnh: KS.

“Khi quy mô 2 triệu dân nhưng chúng ta không có chiến lược chăn nuôi gắn với phát triển thủy sản thì sẽ hụt hẫng về việc cung cấp thực phẩm”, Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết, để giải quyết bài toàn này, tới đây Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi trên cơ sở Quyết định 1520 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển chăn nuôi từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045. Để ngoài việc chủ động về tất cả khía cạnh, các mặt thì việc cung cấp lương thực, thực phẩm cũng phải mang tính chủ động.

Về việc kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý, tất cả các bệnh mà phải tiêm vacxin như bệnh lở mồm lông móng, tai xanh, viêm da nổi cục thì tỷ lệ tiêm vacxin phải đạt từ 80% trở lên. Thời gian qua Khánh Hòa làm tương đối tốt vấn đề này. Tuy nhiên phần giết mổ gắn với vùng nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn là bài toán, đặc biệt khi Khánh Hòa định hướng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận các ý kiến góp ý của đoàn công tác Bộ NN-PTNT về định hướng trong việc phát triển chăn nuôi. Đồng thời, tỉnh sẽ quyết tâm đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong thời gian tới để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh...

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, Khánh Hòa có tiềm năng về du lịch nên nhu cầu thực phẩm phục vụ du khách sẽ rất cao, trong khi với số lượng đàn vật nuôi hiện tại thì chưa thể đáp ứng được. Do đó, Cục Chăn nuôi đề nghị Khánh Hòa tiếp tục triển khai Luật Chăn nuôi, cùng với đó sớm ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, đặc biệt triển khai nội dung của Chỉ thị 26 ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có chăn nuôi. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm và chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ du lịch. Cũng như thực hiện chăn nuôi tốt và chăn nuôi tuần hoàn khép kín…

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.