Tại công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các Bộ, ban, ngành liên quan trong việc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý sự phát triển với nhiều hình thức mới của thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức trong công tác quản lý thu thuế.
Để công tác quản lý thu thuế hiệu quả hơn, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế với thương mại điện tử, bao gồm áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro với các hoạt động trên nền tảng số.
Cùng với đó, Bộ Tài chính được yêu cầu hoạch định các chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nắm bắt, thực hiện đúng quy định với mục tiêu vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa bảo đảm ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế.
Việc kinh doanh trên nền tàng số ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Doanh thu từ thương mại điện tử năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tập trung nhận diện và phân loại các đối tượng quản lý liên quan và có những biện pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Ngoài ra, nhiều buổi tập huấn cho người nộp thuế có phát sinh hoạt động thương mại điện tử liên quan đến các tổ chức nước ngoài được tổ chức.
Điều này góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua công thông tin điện tử trực tuyến.
Một nhiệm vụ nữa của Bộ Tài chính, là nghiên cứu, xây dựng nội dung tham gia đàm phán các hiệp định đa phương về quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số. Đồng thời phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.
Thủ tướng còn chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế với hoạt động kinh doanh của cá nhân trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Với Bộ Công an, đơn vị cần thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chung về xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu đăng ký thuế. Bộ Công an cũng nghiên cứu phát triển, tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chỉ đạo tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới.