| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thu thuế thương mại điện tử

Thứ Sáu 29/07/2022 , 19:54 (GMT+7)

Số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử của các nhà cung cấp trong nước tăng nhanh qua các năm, hiện đạt 356 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Toàn cảnh hội thảo về thuế thương mại điện tử ngày 29/7 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo về thuế thương mại điện tử ngày 29/7 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” ngày 29/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện nước ta có 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử.

Trong đó: 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày, và có xu hướng tiếp tục tăng.

Theo ông Minh, ngành thuế đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; đồng thời xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân và các giao dịch thanh toán với dịch vụ số xuyên biên giới ngay khi phát sinh giao dịch.

Song song với các hoạt động trên, ngành thuế còn phối hợp Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước để chia sẻ cơ sở dữ liệu, hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý thuế thương mại điện tử. 

"Ngành thuế cam kết chặt chẽ các cơ quan, ban, ngành để triển khai các quy định về phối hợp cung cấp thông tin đã được quy định trong Luật Quản lý thuế", ông Minh nói.

Hồi cuối tháng 3/2022, Tổng cục Thuế triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Sau 4 tháng, 28 nhà cung cấp lớn đã đăng ký, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp Tổng cục Thuế tổ chức, các đại biểu tập trung thảo luận về sự thay đổi thói quen tiêu dùng, các mô hình kinh doanh thương mại điện tử, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ số xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam trung bình khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tính từ 2018 đến 14/7/2022, tiền thuế thương mại điện tử do các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%.

"Với đặc trưng nền kinh tế số, thương mại điện tử phát triển nhanh, việc quản lý thuế, thu thuế gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thuế của Việt Nam được kiện toàn và có tính bao quát, điều chỉnh với hoạt động này", ông Quỳnh chia sẻ.

Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa nước ta trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, phát triển hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới đặt ra một số vấn đề liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…

Hiện Tổng cục Thuế đang nghiên cứu đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với giao dịch thương mại điện tử, bao gồm các giao dịch mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua sàn thương mại điện tử và các giao dịch thanh toán dịch vụ số xuyên biên giới.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia quản trị công cao cấp Ngân hàng Thế giới - cho biết, Việt Nam hiện có nhiều điểm tương đồng với thế giới về quy định đánh thuế với doanh nghiệp kỹ thuật số. Ví dụ như thuế gián thu, Việt Nam hiện yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài phải đăng ký thuế giá trị gia tăng và kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; hoặc thực hiện các nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế thông qua cổng thông tin trực tuyến.

Dù vậy, Việt Nam còn một vài điểm chênh như: thuế giá trị gia tăng giữa nhà cung cấp nước ngoài và nhà cung cấp trong nước chưa tương xứng; hàng hóa giá trị thấp được miễn thuế; thuế trực thu được xác định là thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi các nước đã ban hành một số sắc thuế mới gồm thuế cân bằng, thuế kỹ thuật số…

Để quản lý chặt chẽ hơn, ông Nguyễn Việt Anh đề nghị, cơ quan thuế cần quy định rõ vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.