| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nhà văn hóa xóm theo hướng kết nối cộng đồng

Thứ Năm 02/11/2023 , 14:19 (GMT+7)

Nhà văn hóa xóm không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động chung mà còn là ngôi nhà chung giữ ‘hồn’ những nét đẹp truyền thống quê hương Đại Từ, Thái Nguyên.

Nhà văn hóa cũ của của xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Nhà văn hóa cũ của của xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Để nông thôn mới đi vào chiều sâu, ngoài các khía cạnh về kinh tế - xã hội, đòi hỏi địa phương phải củng cố và phát triển bản sắc vùng miền. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần của người dân.

Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) coi công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định quá trình xây dựng nông thôn mới. Các xã trong huyện Đại Từ đã cải tạo và xây mới nhà văn hóa xóm, đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, bà Trương Thị Thu Trang, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thịnh lựa chọn điểm tham quan đầu tiên là nhà văn hóa cũ của xóm Làng Thượng chứ không phải một công trình mới được xây dựng.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Thịnh kể lại: “Nhà văn hóa cũ của Làng Thượng đã có từ khoảng 20 năm trước, sức chứa nhỏ, nhiều hạng mục đã xuống cấp, không có khoảng sân lớn do xây gần mặt đường, ở vị trí xa khu dân cư… Trước kia người dân trong xóm tổ chức hoạt động tập thể tại nhà văn hóa rất vất vả, nào thì điện yếu, loa đài kém, khu vệ sinh xuống cấp, ẩm mốc”.

Nhà văn hóa mới xây dựng của của xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Nhà văn hóa mới xây dựng của của xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Để thấy được sự chuyển mình trong xây dựng nông thôn huyện Đại Từ nói chung và xã Phú Thịnh nói riêng cần có sự so sánh giữa quá khứ và hiện tại. Nhà văn hóa xóm được xây dựng mới tại Làng Thượng khang trang, sức chứa lên trên 200 người, sân bê tông rộng...

“Từ lúc có nhà văn hóa mới, chúng tôi rất phấn khởi. Cứ tới tối là bà con lại tập trung ở đây để sinh hoạt cộng đồng, trẻ con thì chơi đùa, người lớn thì thể dục và múa hát. Giờ mỗi người làm việc một nơi, hoạt động cộng đồng ở nhà văn hóa giúp bà con gần nhau hơn. Vừa qua, các cháu tổ chức trung thu ở nhà văn hóa mới vui lắm, có nơi rộng rãi, sạch sẽ cho trẻ phá cỗ”, bà Diệp Thị Loan, người dân xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh cho hay.

Bà Trương Thị Thu Trang cho rằng, để hoàn thành tiêu chí văn hóa - thể thao là không hề đơn giản, cần nhiều nguồn lực thực hiện. Phát huy tinh thần từ Nghị quyết đường xóm 6m, xã Phú Thịnh đã tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng nhà văn hóa. Trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông giúp phát triển về mặt kinh tế - xã hội, còn nhà văn hóa xóm sẽ củng cố và lưu giữ những nét đẹp truyền thống vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Hệ thống nhà văn hóa thôn của xã Phú Thịnh đều đáp ứng yêu cầu tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Ngôi nhà chung giữ ‘hồn’ cho vùng quê Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Ngôi nhà chung giữ ‘hồn’ cho vùng quê Đại Từ. Ảnh: Quang Linh.

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, chung tay xây dựng nhà văn hóa đã khó, nhưng giữ gìn còn khó hơn. Lãnh đạo xã Phú Thịnh đề nghị người dân bảo vệ, sử dụng có hiệu quả nhà văn hóa để không lãng phí thành quả của cả cộng đồng.

“Những công trình nhà văn hóa ở các địa phương chính là minh chứng cho sự thống nhất, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân. Bên cạnh những lợi ích khi sử dụng trực tiếp, nhà văn hóa mới còn giúp thay đổi bộ mặt nông thôn Đại Từ", ông Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tạo thêm động lực để các địa phương có thêm điều kiện đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao (công trình) xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023 - 2025 được thông qua tại Kỳ họp 12 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, mức hỗ trợ đầu tư xây dựng một công trình từ 50% - 100% nhưng không quá 500 triệu đồng; mức hỗ trợ sửa chữa một công trình từ 50% - 100% nhưng không quá 300 triệu đồng. Kinh phí hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho một công trình là 50 triệu đồng. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Hà Nội công nhận danh hiệu 3 làng nghề và làng nghề truyền thống

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ký quyết định công nhận 3 làng đạt danh hiệu 'Làng nghề Hà Nội' và 'Làng nghề truyền thống Hà Nội'.

Bình luận mới nhất