| Hotline: 0983.970.780

Đất võ nửa thập kỷ cải thiện tầm vóc đàn bò thịt

Xây dựng nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Định

Thứ Tư 20/07/2022 , 08:06 (GMT+7)

Dù Trung ương không còn hỗ trợ 50% kinh phí phát triển chăn nuôi, nhưng Bình Định vẫn vận dụng nguồn lực của tỉnh tiếp tục phát triển đàn bò thịt chất lượng cao.

Bê lai giống bò BBB có khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt, chất lượng cao nên được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Đình Thung.

Bê lai giống bò BBB có khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt, chất lượng cao nên được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Đình Thung.

Vận dụng tối đa nguồn lực của tỉnh

Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020 đã được Bình Định triển khai trên địa bàn 104/159 xã của 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh này còn xây dựng 62 mô hình chăn nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao tại 7 huyện, thị xã.

Đề án cũng hỗ trợ 123 con bò đực giống, mỗi hộ 1 con. Những bò đực giống này dùng để phối trực tiếp tại vùng có chất lượng đàn bò cái nền sinh sản thấp, bất thuận về giao thông khiến dẫn tinh viên đi lại khó khăn nếu áp dụng thụ tinh nhân tạo.

Sau 5 năm, Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao đã cho Bình Định có thêm 359.484 con bò lai sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, trong đó có 144.907 con lai hướng thịt chất lượng cao, tập trung vào 2 giống bò BBB và Red Angus.

Bê lai sinh ra trọng lượng khoảng 30 kg/con, khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt, chất lượng cao nên được thị trường ưa chuộng. Bê lai bán được giá nên những năm sau, số bò được phối các giống tăng lên gấp 3 lần.

Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao ở Bình Định giúp nâng cao trình độ thâm canh cho người chăn nuôi, góp phần vào phát triển kinh tế hộ bền vững. Ảnh: Đình Thung.

Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao ở Bình Định giúp nâng cao trình độ thâm canh cho người chăn nuôi, góp phần vào phát triển kinh tế hộ bền vững. Ảnh: Đình Thung.

Ngành nông nghiệp Bình Định còn tiến hành xây dựng được chợ bò hợp chuẩn tại các xã phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, gồm: Nhơn Lộc, Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn) và Phước An (huyện Tuy Phước) với quy mô diện tích 1.500 m2/chợ và họp theo phiên 10 ngày/lần.

Có chợ bò, người chăn nuôi dễ dàng nắm bắt được xu hướng, thị hiếu khách hàng, biến động giá cả. Từ đó, tăng cơ hội kết nối, giảm các khâu trung gian từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, các chợ bò đã thu hút người chăn nuôi và thương lái trong, ngoài tỉnh tham gia. Trung bình mỗi năm Bình Định cho ra đời hơn 15.000 con bê lai bò BBB và Red Angus, 70% bê giống được nông dân bán cho người chăn nuôi các tỉnh lân cận, khoảng 30% số bê giống còn lại được nông dân giữ lại nuôi để phát triển thành bò thịt chất lượng cao.

Song song với việc tập trung lai tạo giống để thực hiện Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2015-2020, Bình Định đầu tư xây dựng nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ “Bò thịt chất lượng cao Bình Định” với 117 hộ chăn nuôi ở Bình Định đủ điều kiện để được cấp chứng nhận.

Đây là tiền đề để người dân tỉnh này mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng bền vững, nghề nuôi bò không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà người chăn nuôi còn có thể vươn lên làm giàu.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, với chứng nhận nhãn hiệu, bò thịt chất lượng cao Bình Định có thêm nhiều dấu hiệu nhận diện, đồng thời còn giúp người chăn nuôi gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Mến ở thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), một trong những hộ chăn nuôi đầu tiên ở Bình Định được cấp chứng nhận nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”, phấn khởi cho hay: “Với nhãn hiệu được cấp, tôi có thêm cơ sở để chào bán sản phẩm với giá tốt hơn trước.  Khi đưa bò vào chợ bò mua bán tập trung, chúng tôi giới thiệu với khách mua về đàn bò của mình, quy trình chăm sóc, giấy chứng nhận nên khách hàng tin tưởng hơn, giá trị sản phẩm mình chào bán được nâng cao”.

“Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao ở Bình Định cho hiệu quả xã hội rất lớn, góp phần thực hiện chuyển đổi giống vật nuôi theo hướng sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương, tăng giá trị hàng hoá ngành chăn nuôi, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 14.089 lao động nông nghiệp, tăng thu nhập, tránh sự ép giá của thương lái trong buôn bán, nâng cao trình độ thâm canh cho người chăn nuôi góp phần vào phát triển kinh tế hộ bền vững. Đây là cơ sở để Bình Định tiếp tục duy trì, tăng trưởng đàn bò thịt chất lượng cao trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao ở Bình Định giúp nâng cao trình độ thâm canh cho người chăn nuôi, góp phần vào phát triển kinh tế hộ bền vững. Ảnh: Đình Thung.

Đề án thâm canh bò thịt chất lượng cao ở Bình Định giúp nâng cao trình độ thâm canh cho người chăn nuôi, góp phần vào phát triển kinh tế hộ bền vững. Ảnh: Đình Thung.

Mục tiêu đưa đàn bò thịt lên nửa triệu con

Để tiếp tục duy trì, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trên địa bàn trong thời gian tới, HĐND tỉnh đã thông qua nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Bình Định nhằm đưa tổng đàn bò thịt chất lượng cao lên gần nửa triệu con.

Mục tiêu của Bình Định trong những năm tới là tiếp tục duy trì công tác quản lý giống bò, chọn giống, cơ cấu giống trong công tác thụ tinh nhân tạo bò và quản lý hệ thống thụ tinh nhân tạo bò hiện có, nhằm giữ cân đối giữa đàn bò cái nền sinh sản và đàn bò thịt, nâng cao hiệu quả sử dụng con giống, tăng hiệu quả phát triển sản xuất chăn nuôi bò thịt của nông dân, góp phần xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao để nâng tầm thương hiệu thịt bò Bình Định cả về chất lượng lẫn con giống.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2022, đàn bò ở Bình Định ước đạt gần 300.000 con, tăng 610 con so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 20.500 tấn, tăng hơn 700 tấn so cùng kỳ.

Với sản lượng bò hơi đạt bình quân trên 33.000 tấn/năm, trong đó có 80% bán cho thị trường TP. HCM, các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cùng với bà con liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và hình thành HTX Nông nghiệp chuyên về chăn nuôi bò thịt. Đây là tiền đề để Bình Định tiếp tục đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, mang lại sự phát triển bền vững trong chăn nuôi trên địa bàn.

Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Bình Định được thực hiện theo quy mô, tiêu chuẩn chất lượng, mức hỗ trợ, đơn giá, định mức liều tinh, vật tư thụ tinh nhân tạo bò. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn về thụ tinh nhân tạo bò và tổ chức hội thi bò lai. Loại bình và mức hỗ trợ bình chứa nitơ lỏng bảo quản tinh đông lạnh cho đơn vị quản lý, cấp phát vật tư thụ tinh nhân tạo bò được UBND tỉnh ban hành quy định thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025.

Những phiên chợ bò giúp người chăn nuôi nắm bắt thị trường, biến động giá cả; tăng cơ hội kết nối. Ảnh: Đình Thung.

Những phiên chợ bò giúp người chăn nuôi nắm bắt thị trường, biến động giá cả; tăng cơ hội kết nối. Ảnh: Đình Thung.

Theo đó, vật tư thụ tinh nhân tạo bò gồm tinh đông lạnh và dụng cụ thụ tinh nhân tạo được ngân sách tỉnh và huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ 50%. Đối với thành phố Quy Nhơn, ngân sách thành phố tự đảm bảo 100%; các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%. Đối với 2 huyện trung du Hoài Ân và Tây Sơn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện hỗ trợ 30%. Các huyện, thị xã đồng bằng ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách các huyện, thị xã hỗ trợ 50%. Vốn đối ứng của nông dân 50%.

Ngân sách tỉnh và huyện chi trả 100% nitơ lỏng bảo quản tinh đông lạnh theo tỷ lệ vốn giữa ngân sách tỉnh và huyện, thị xã, thành phố giống như đối với vật tư thụ tinh nhân tạo bò. Bình công tác có dung tích 3 - 3,7 lít do vốn của dẫn tinh viên 100%. Bình chứa nitơ lỏng 30 - 47 lít, đào tạo mới dẫn tinh viên, hội thi bò lai chất lượng cao, hội nghị, quản lý phí do ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.

Song song với phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, Bình Định rất quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, nhất là công tác khảo nghiệm giống, xây dựng các quy trình chăn nuôi một số gia súc, gia cầm trong đó có bò lai chuyên thịt. Bên cạnh đó, qua tập huấn, người chăn nuôi ở Bình Định đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò." Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.