Xã miền núi Mường Nọc, huyện Quế Phong thuộc khu vực Tây Bắc của tỉnh Nghệ An. Bà con vùng này chủ yếu làm nông, trong đó chọn chăn nuôi lợn làm hướng đi trọng tâm.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư, từng bước mở rộng quy mô để nâng cao tổng đàn. Điển hình phải kể đến gia đình chị Phạm Thị Hoài ở bản Thanh Phong, xã Mường Nọc. Với quyết tâm và sáng tạo trong nghề chị Hoài đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhìn vào thành quả hôm nay ít ai biết rằng chị Phạm Thị Hoài đã từng đối diện với muôn vàn khó khăn, trắc trở, thậm chí có lúc đã đứng trước bờ vực phá sản. Chị Hoài kể, thời điểm đầu triển khai cơ sở vật chất vùng nuôi không đảm bảo, nguồn thức ăn cho lợn chủ yếu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp theo dạng tự cung tự cấp, chung quy không đủ dưỡng chất cần thiết. Điều này dẫn đến thể trạng của vật nuôi không đảm bảo, kết hợp sức “càn quét” của dịch tả lợn Châu Phi đẩy gia đình vào tình cảnh khốn đốn.
Không cam chịu, chị Hoài vạch ra lộ trình dài hơi, xác định phải bổ cứu, hoàn thiện kiến thức, quy trình chăn nuôi nên chủ động khâu nối với cơ quan chuyên môn để đăng ký, tham gia các lớp tập huấn, nâng cao.
Ham học hỏi và cầu thị, chỉ sau thời gian ngắn lĩnh hội chị Hoài đã trang bị cho mình kiến thức chuyên môn khá đầy đặn, cơ bản thuần thục quy trình chăm sóc đàn lợn, cũng như công tác phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh.
Dù vậy cũng không thể chủ quan, lơ là, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro có thế xảy đến, đồng thời đánh giá chính xác diễn biến thực tại, bước đầu tái đàn gia đình chỉ nuôi lợn thịt với số lượng vừa phải. Thời gian kế đó nhận thấy giá cả thị trường biến động mạnh, nguồn giống chất lượng lại khan hiếm, suy đi tính lại chị Hoài quyết định chuyển hướng đầu tư sang chăn nuôi lợn sinh sản kết hợp nuôi lợn thịt.
Mô hình này đảm bảo lợi ích kép, giúp gia đình chủ động giống đầu vào lại góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung ứng thịt lợn cho thị trường. Bấy lâu hộ chị Hoài duy trì đàn lợn nái sinh sản chất lượng cao đủ chủng loại (lợn lai, lợn landrace, yorkshire) và những con lợn đực khỏe mạnh để phục vụ quá trình phối giống.
Lợn nái được chăm sóc tốt, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý nên duy trì sinh sản ổn định, mỗi lứa đẻ 10 - 12 lợn con. Lợn con được nuôi đến độ 2-3 tháng tuổi thì chuyển sang nuôi lợn thịt, cứ thế chăm sóc kỹ lưỡng đến khi đạt trọng lượng khoảng 90 - 100kg sẽ xuất chuồng. Tính ra mỗi năm chị Hoài xuất bán khoảng 100 - 120 con lợn thịt, trừ chi phí thu về trên dưới 150 triệu đồng, ấy là chưa kể khoản thu khác đến từ cung cấp lợn giống.
“Để nuôi lợn thịt và lợn sinh sản đạt hiệu quả cao đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, quá trình nuôi phải chọn giống tốt, áp dụng các phương pháp khoa học, chế độ ăn uống phù hợp, kết hợp tiêm phòng vacxin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tuân thủ đầy đủ các bước là nền tảng giúp đàn lợn phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, chị Hoài chia sẻ.
Bà Lô Thị Thúy Hà, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Nọc khẳng định mô hình là ví dụ điển hình về cách thức phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và truyền động lực cho nhiều hộ gia đình khác học hỏi và làm theo.
“Từ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, chị Hoài đã tiếp cận, nắm bắt và áp dụng thuần thục các kiến thức mới. Mô hình đã phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai và tận dụng được nguồn lao động địa phương. Mô hình tạo ra chuỗi khép kín cần thiết, chủ động nguồn giống góp phần giảm thiểu đáng kể chi phí đầu vào, giảm rủi ro dịch bệnh, từ đó nâng cao, cải thiện đáng kể lợi nhuận”. Bà Hà chia sẻ.