| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới giúp người dân thoát nghèo

Thứ Năm 02/05/2024 , 08:33 (GMT+7)

Qua quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), hình thức sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn được chuyển biến tích cực, đời sống của nông dân cũng khởi sắc theo.

Nông thôn mới "chắp cánh" cho nông nghiệp

Đến tháng 4/2024, Bình Định đã có 89/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 78,76%; trong đó, 17/89 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 19,1%; có 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM, đạt tỷ lệ 45,45%.

Đầu năm 2024, Bình Định tiếp tục công nhận xã Vĩnh An và xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) và xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đạt chuẩn NTM; xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao tỉnh Bình Định, các xã nói trên đều có 100% tuyến đường xã, đường thôn và đường liên thôn, ngõ xóm được bê tông hoặc nhựa hóa. Hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; 100% số trường học đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất; 100% số trạm y tế đạt chuẩn; 100% số nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng đủ diện tích, quy mô chỗ ngồi theo quy định; có khu thể thao xã; các nhà văn hóa thôn cũng được xây dựng khang trang, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cộng đồng cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, đánh giá lộ trình xây dựng NTM của Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, đánh giá lộ trình xây dựng NTM của Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định- Chủ tịch Hội đồng thẩm định NTM, riêng nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, hầu hết những xã có HTX nông nghiệp hoặc tổ khuyến nông cộng đồng đều thực hiện hiệu quả việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nông dân ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nhờ vậy, hầu hết các xã đều có sản phẩm OCOP được xếp hạng từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Một số xã như Tây Giang (huyện Tây Sơn), Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) còn phát triển mạnh thương mại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ nghèo đa chiều.

Đơn cử xã Tây Giang, trong năm 2023 xã này có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 62,89 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 3,84%. Hoặc như xã Mỹ Chánh có thu nhập bình quân đầu người đạt 62,33 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,79%; xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) có thu nhập bình quân đầu người đạt 57,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,36%; xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) có thu nhập bình quân đầu người đạt 47,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 4,73%.

“Đáng ghi nhận là các xã nói trên đều không có phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”, ông Nguyễn Tuấn Thanh ghi nhận.

Nông thôn mới đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới.

Ông Thanh nhắc nhở các xã cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và NTM nâng cao trong thời gian tới, nhất là các tiêu chí về giao thông, văn hóa, môi trường. Trong đó, các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường còn lại; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã và đầu tư bổ sung các hạng mục cần thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, duy tu, bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã nhằm đảm bảo tuổi thọ khai thác công trình.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa- khu thể thao xã, làng. Tăng cường tần suất thu gom rác thải sinh hoạt; các địa phương không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, hướng dẫn mà còn phải theo dõi, giám sát để đánh giá kết quả triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn.

Xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh: V.Đ.T.

Xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại Bình Định hướng đến mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống; góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

“Mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới phải được các địa phương trên địa bàn tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội hàng năm. Các địa phương cần ưu tiên tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, các chỉ tiêu về đích nông thôn mới hàng năm đạt và vượt so với kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.