| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở một xã khó khăn nhất huyện Thường Tín

Chủ Nhật 07/05/2023 , 10:05 (GMT+7)

Xã Tự Nhiên một mặt giáp sông Hồng, có diện tích 710 ha với 9.236 khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và nghề phụ.

Cây ăn quả phù hợp với nhiều vùng ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Cây ăn quả phù hợp với nhiều vùng ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Ít ai có thể hình dung được 15-20 năm trước đường làng, ngõ xóm ở xã Tự Nhiên vẫn chủ yếu là đất, mưa thì lầy lội, nắng thì lầm bụi, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao nhất nhì huyện Thường Tín, TP hà Nội. Sau khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, thành phố đã đầu tư cho xã hệ thống thủy lợi khá hoàn thiện, lại có những chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đào tạo nghề, tín dụng cho nông dân nên kinh tế của địa phương này bắt đầu chuyển dịch…

Đặc biệt là từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thì bộ mặt nơi đây đã thực sự đổi sắc. Trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM xã thuộc top dưới cùng của huyện Thường Tín với chỉ 4 tiêu chí đạt, còn những tiêu chí chưa đạt thì toàn những thứ khó, tốn kém nhiều tiền đầu tư như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở hạ tầng văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, y tế…Để khắc phục những bất lợi đó, xã đã thành lập Ban tuyên truyền, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM” phổ biến các văn bản hướng dẫn từ cấp Trung ương, Thành phố đến cấp huyện, xã. Dán quy hoạch về NTM công khai cho mọi người biết để tham gia ý kiến, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo để thực hiện.

Xác định công tác tuyên truyền có một vai trò quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về ý nghĩa của xây dựng NTM, huy động nguồn lực xã hội hóa, xã Tự Nhiên đã liên tục tổ chức hội nghị ở các cụm dân cư cũng như phát trên hệ thống phát thanh. Qua đó, khơi dậy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch để dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra nên đã có một phong trào vào cuộc tích cực của người dân từ góp sáng kiến đến góp công, góp của, hiến đất...

Lễ hội truyền thống được duy trì. Ảnh: Tư liệu.

Lễ hội truyền thống được duy trì. Ảnh: Tư liệu.

Tính ra, trong những năm qua, xã đã đón nhận các nguồn vốn lồng ghép được hơn 32 tỷ đồng và bản thân người dân đóng góp trên 11 tỷ đồng, giúp xây dựng được nhiều công trình công cộng nhưng không bị nợ đọng các nhà thầu. 3,5 km đường trục xã, 22 km đường trục thôn, liên thôn, 15 km đường ngõ, xóm được xây dựng. 100% cụm dân cư đã có nhà văn hóa được trang bị khá đầy đủ các thiết bị, đáp ứng nhu cầu từ họp hành, tập thể dục đến vui chơi của người dân, giúp họ nâng cao đời sống tinh thần. Trường Trung học cơ sở với 18 phòng học với các phòng chức năng hiện đại, cơ sở vật chất khang trang được xây dựng trên diện tích xấp xỉ 9.000m2, có tổng kinh phí 32 tỷ đồng cũng là một điểm nhấn đáng ghi nhận.

Song song với việc xây dựng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, Tự Nhiên xác định khâu then chốt trong xây dựng NTM phải là chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đáp ứng tiêu chí giảm hộ nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Muốn vậy, thứ nhất phải quy hoạch được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, từ đó thiết kế, thi công hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đi kèm. Thứ hai thực hiện dồn điền đổi thửa để tránh tình trạng đất đai manh mún, tạo thành những mảnh lớn thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ 4.0 vào sản xuất…Thứ ba đưa những giống cây, giống con mới vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo năng suất, chất lượng của sản phẩm cao, tính thương mại tốt.

Những lao động trẻ, không muốn làm nông nghiệp thì được đào tạo nghề để có thể đi làm thợ xây, thợ mộc, thợ may, buôn bán dịch vụ hay làm công nhân trong các khu công nghiệp...Nhờ đó mà tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã chiếm hơn 92% dân số. Nếu như năm 2008 thu nhập bình quân của Tự Nhiên chỉ đạt 26 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng lên 63 triệu đồng/người/năm.

Lãnh đạo xã Tự Nhiên cho biết, việc xây dựng NTM không phải là một cái đích mà còn là cả chặng đường. Điều cần làm hiện nay là tiếp tục huy động sự vào cuộc, ủng hộ của cán bộ, đảng viên cũng như toàn thể nhân dân, doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từ đó phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch sang thương mại, dịch vụ nhưng không bỏ rơi nông nghiệp mà phải thay đổi sang nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch. Điều cần làm lâu dài là đoàn kết, chung sức để gìn giữ văn hóa truyền thống, chăm lo cho hệ thống giáo dục, đảm bảo công tác an sinh xã hội của người già, người yếu thế, mở rộng đối tượng đóng và thụ hưởng bảo hiểm y tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trên địa bàn.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.