| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở vùng biên Thu Lũm

Thứ Hai 27/09/2021 , 09:11 (GMT+7)

Thu Lũm từ khó khăn trăm bề nay trở thành điểm sáng ở vùng biên trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lai Châu. Cuộc sống người dân ngày một được nâng cao.

Bộ đội biên phòng giúp người dân Thu Lũm phát triển kinh tế. Ảnh: T.L

Bộ đội biên phòng giúp người dân Thu Lũm phát triển kinh tế. Ảnh: T.L

Đi lên từ khó khăn 

Thu Lũm là xã biên giới của huyện Mường Tè (Lai Châu) có 9 thôn bản với 2.554 nhân khẩu. 90% người dân sinh sống ở đây là người dân tộc Hà Nhì, còn lại là đồng bào Dao, La Hủ... Thu Lũm có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn và nằm cách xa trung tâm huyện tới hơn 80km. Từ năm 2011, xã này bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. 

Khi đó, xã mới chỉ có 1 trong 19 chỉ tiêu là đạt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân hết sức khó khăn, nghèo nàn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã này khi đó chiếm tới 33,45%, và thu nhập bình quân chỉ 8 triệu đồng/người/năm. 

Tuy nhiên, xác định được những khó khăn do đó ngay từ ban đầu chính quyền địa phương đã có định hướng rõ ràng. Trong đó, xác định việc nào dễ làm trước, việc nào khó làm sau; vận động nguồn lực xã hội; người dân cùng tham gia hiến đất, ngày công…

Đáng chú ý là việc nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nơi này là một việc rất khó do địa hình chia cắt, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, tập quán canh tác của bà con chưa phù hợp… 

Tuy nhiên, khi được tuyên truyền vận động cùng với việc xây dựng các mục tiêu cụ thể, người dân hiểu và nhận thấy xây dựng NTM không chỉ mang lại đời sống ấm no mà họ cũng chính là người thụ hưởng. Từ đó, bà con đã mạnh dạn phát triển sản xuất, chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị; sẵn sàng ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp… 

Cho đến nay, người dân trong xã đã trồng được 167ha sa nhân tím, gần 132ha mắc ca, 1,2ha thất diệp nhất chi hoa, 500ha thảo quả… Cùng với các nguồn từ các dự án 30a, 135… đã hỗ trợ cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống ngày càng khấm khá hơn. 

Không những vậy, người dân bắt đầu có ý thức hơn trong việc cải tạo, chỉnh trang nhà cửa. Ở xã bắt đầu có những ngôi nhà cao tầng thay cho những ngôi nhà gỗ ọp ẹp… Đặc biệt, người dân trong xã đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, gần 10 nghìn ngày công lao động để bê tông hoá, xoá bỏ các tuyến đường đất lầy lội…  

Giờ đây, đường vào Thu Lũm đã thay đổi rất nhiều, các loại xe tải trọng lớn có thể dễ dàng di chuyển để đưa nông sản của bà con đi khắp nơi, không còn gặp khó khăn như trước. Các công trình điện, nhà văn hoá, trường học cũng khang trang hơn đặc biệt vệ sinh môi trường không chỉ sạch mà còn hướng đến môi trường sinh thái để tạo động lực cho Thu Lũm có thể là một điểm du lịch. 

Xã vùng biên cán đích NTM

Cho đến nay, sau 10 năm với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như người dân, Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Tè hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Sau khi rà soát các tiêu chí, UBND tỉnh Lai Châu đã công nhận Thu Lũm là xã đạt chuẩn NTM năm 2020.

So với cách đây vài năm, Thu Lũm đã lột xác hoàn toàn. Trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát; 85% hộ có nhà đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. 

100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; 97,6 % người dân tham gia bảo hiểm y tế; 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động. 

Theo ông Phùng Lòng Kà, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm, cuộc sống người dân vùng biên Thu Lũm đã thay đổi hoàn toàn khi về đích NTM. Cách nghĩ, cách làm của người dân trong sản xuất nông nghiệp đã khác trước rất nhiều nên mang lại hiệu quả rõ rệt về thu nhập, đời sống…

Thời gian tới, xã tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; hoàn thiện và tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tập trung phát huy thế mạnh, phát triển những loại cây dược liệu và các loại cây có giá trị kinh tế cao, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.