Giải ngân nguồn vốn chậm
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới Quảng Trị, kế hoạch vốn năm 2024 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (bao gồm nguồn vốn năm 2022, năm 2023 chuyển sang) gần 216 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển Trung ương trên 106 tỷ đồng; vốn sự nghiệp Trung ương gần 39 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 71 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQ xây dựng nông thôn mới đạt rất thấp. Trong đó, vốn sự nghiệp Chương trình nông thôn mới chỉ đạt 4,7% và vốn đầu tư phát triển nông thôn mới đạt khoảng 30% theo Báo cáo số 120/BC-STC ngày 12/7/2024 của Sở Tài chính về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG năm 2024. Nguyên nhân là do hiện nay các chủ đầu tư đang trong thời gian hoàn thiện các thủ tục đâu tư; việc giải ngân các hạng mục công trình cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng mới có thể làm thủ tục thanh toán; một số dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn vướng mắc về cơ chế chính sách của Trung ương. Một số đơn vị còn chậm trễ trong việc lập dự toán.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; rà soát đề xuất điều chỉnh đối với những nội dung không thực hiện được sang cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn theo đúng quy định.
Để triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định phân bổ, giao và điều chỉnh dự toán theo đúng quy định.
Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị quy định về nội dung, mức hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định giao tổng vốn trung hạn và hàng năm, về cho các huyện, các xã; phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định danh mục cụ thể. Đối với tỷ lệ dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thực hiện theo Nghị quyết số 98/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh. Đối với nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của Chương trình Nông thôn mới đã được quy định tại Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh đến nay vẫn đang áp dụng và các đơn vị, địa phương đã thống nhất tiếp tục thực hiện.
Nhiều rào cản
Đến nay, Quảng Trị có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (74,3%). Trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 16,1 tiêu chí/xã; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 5 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn nông thôn mới; 94 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu... Các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định. Huyện Hải Lăng đang tổ chức công tác thẩm tra của cấp tỉnh. Huyện Cam Lộ đang tiến hành tự đánh giá kết quả xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...
Đến cuối năm 2024, Quảng Trị phấn đấu có 77/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (76,2%). Trong đó, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng được công nhận huyện nông thôn mới. Huyện Cam Lộ được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao; 43 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 80%).
Hiện nay các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn giai đoạn 2024- 2025 đều là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiêu chí còn tương đối thấp. Toàn tỉnh hiện có 27 xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mới đạt từ 7-14 tiêu chí. Trong đó có nhiều tiêu chí khó, tác động lớn đến đời sống của người dân như thu nhập, nghèo đa chiều. Việc lồng ghép các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo và thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới... Mục tiêu không còn xã dưới 13 tiêu chí và xây dựng thôn, bản nông thôn mới thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều trở ngại.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu nên khó định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình giải pháp cụ thể.
Bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cấp huyện, cấp xã đã được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nhưng hướng dẫn hợp nhất của các Bộ, ngành trung ương vẫn chưa đầy đủ, các địa phương còn vướng mắc trong việc đánh giá và thực hiện các tiêu chí. Một số chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới triển khai còn chậm. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng, tiến độ giải ngân của chương trình.
Trước thực tế trên, Quảng Trị đề nghị các Bộ, ngành trung ương tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chương trình; quan tâm hỗ trợ tham gia các chương trình, đề án thí điểm, các chương trình, dự án từ các nhà tài trợ, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn hợp nhất các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ từ trung ương đến địa phương.