Điểm nhấn chính là công tác thẩm tra, thẩm định đánh giá các tiêu chí.
Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh khẳng định: “Ngay từ ban đâu, Thanh Hóa đã xác định xây dựng NTM bền vững, nhất quyết nói không với bệnh thành tích. Xuyên suốt quá trình triển khai, Văn phòng đã phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị chuyên ngành và chính quyền địa phương, thống nhất siết chặt công tác kiểm tra, thẩm định, thực hiện đánh giá thực chất và khách quan.
Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh khẳng định Thanh Hóa không chạy theo thành tích
Bất kể đơn vị nào, chỉ cần 1 tiêu chí chưa hoàn thành hoặc tình trạng nợ XDCB còn nhiều thì chắc chắn không được công nhận đạt chuẩn”.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Đoàn thẩm định chủ động triển khai phương án dựa trên tình hình thực tế ở các cơ sở. Ngoại trừ lần đầu thực hiện đấu mối cùng địa phương thì trong những lần thẩm định tiếp theo, đơn vị tự “độc lập tác chiến”, vừa để tránh phiền hà, lãng phí, vừa sâu sát và hiệu quả.
Nhằm xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại “được cũng tốt, không được cũng chẳng sao”, Đoàn thẩm định thống nhất gắn luôn trách nhiệm thẩm tra cho đơn vị cấp huyện để các địa phương nâng cao ý thức, trách nhiệm, đồng thời xác định đúng nội dung trọng tâm mà chương trình hướng đến.
Với chủ trương “cán bộ đi trước, dân bước theo sau”, thời gian qua VPĐP đã thực hiện rất nghiêm túc và có hiệu quả phong trào “ngày thứ 7 NTM”, để hoàn thành tiến độ đặt ra tập thể cán bộ văn phòng thường xuyên tranh thủ cả thời gian nghỉ để tập trung vào công tác kiểm tra, rà soát và đôn đốc công việc. Sự chuyên nghiệp, nỗ lực đó đã tạo ra sức lan tỏa đến các cơ sở và từng người dân, nhờ đó phong trào xây dựng NTM trên địa bàn ngày một chuyển biến tích cực hơn.
Theo báo cáo đánh giá, đến thời điểm này toàn tỉnh đạt bình quân 13,8 tiêu chí/xã. Trong năm 2016, đã có thêm 03 xã, 46 thôn, bản (trong đó có 32 thôn, bản miền núi) được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị được công nhận đạt chuẩn NTM đến nay lên 116 xã và 198 thôn, bản.
Về tiến độ thi công các công trình, có 98 công trình chuyển tiếp từ năm 2014, 2015. Trong 98 công trình chuyển tiếp từ năm 2014, 2015 có 92 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng; 06 công trình đang thi công đạt khối lượng 80-90%. Đối với 153 công trình khởi công năm 2016, có 07 công trình đã đưa vào sử dụng, 108 công trình đang thi công dở dang (09 công trình có khối lượng đạt 70-90%, các công trình còn lại chủ yếu đạt 20-30%); 33 công trình đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư; 05 công trình đang trình phê duyệt thủ tục đầu tư.
Trong tháng 10, VPĐP đã tổ chức 04 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho 320 cán bộ xây dựng NTM cấp thôn, bản. Qua đó chính thức hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho 852 cán bộ xây dựng NTM các cấp năm 2016.
Quá trình thẩm tra, thẩm định các tiêu chí phải sâu sát, khách quan
Cũng trong tháng 10, VPĐP đã tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã Nam Giang (Thọ Xuân) đạt chuẩn NTM, bên cạnh đó đã phát hành hồ sơ thẩm định cho 17 xã (Xuân Phú (Quan Hóa); Xuân Bái, Xuân Tín, Bắc Lương, Thọ Nguyên (Thọ Xuân); Hà Châu, Hà Toại, Hà Sơn (Hà Trung); Quảng Long, Quảng Trung, Quảng Lộc (Quảng Xương); Đông Hoàng, Đông Nam, Đông Yên (Đông Sơn); Thiệu Tâm, Thiệu Công (Thiệu Hóa); Lam Sơn (Ngọc Lặc).
Qua đánh giá của VPĐP, chất lượng hồ sơ đề nghị thẩm định cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiều địa phương hoàn thiện hồ sơ đảm bảo tiến độ như Đông Sơn, Thọ Xuân hay Hà Trung.
Trong 2 tháng cuối năm 2016, VPĐP NTM tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án, lên chi tiết kế hoạch triển khai, trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản: Đôn đốc các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016 nỗ lực, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch; Tổng hợp tiến độ thi công các công trình được hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng NTM năm 2016, tiến độ tiếp nhận và sử dụng xi măng, tiến độ giải ngân nguồn vốn được hỗ trợ; Kiểm tra, đánh giá chất lượng các thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, làm cơ sở đề nghị hỗ trợ từ chính sách xây dựng NTM của tỉnh…