| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM trên vùng mía đường Lam Sơn

Thứ Năm 23/12/2010 , 07:15 (GMT+7)

Thực tiễn cho thấy, nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong vùng nguyên liệu đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Sự phát triển của nông nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và thiếu tính bền vững; cơ sở hạ tầng nông thôn đang có chiều hướng suy giảm…

Tâm tư của ông Phó Bí thư Huyện ủy

Hình minh họa
Về vùng mía nguyên liệu Lam Sơn (Thanh Hóa), tôi cứ nghĩ mãi về tiến trình xây dựng NTM ở đây. Mới ở đâu và mới từ cái gì?

Tưởng dễ hóa khó

Ở hội thảo xây dựng NTM tại vùng mía đường Lam Sơn được Hiệp hội Mía đường Lam Sơn tổ chức cách đây không lâu, có một người, đúng hơn là một quan chức huyện Thọ Xuân, cứ trầm tư mãi. Cho dù không ít các chuyên gia, chủ DN, đứng lên đăng đàn, ông vẫn lặng im nghe, quan sát, và tâm trạng hơi buồn. Người ấy chính là Phó Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân Lê Văn Biền.

Bên hành lang hội thảo, ông Biền nói với tôi rằng, chủ trương xây dựng NTM đã được quán triệt, và Thọ Xuân, một trong những vựa mía trọng điểm của vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn, sẽ là địa điểm được chọn để xây dựng đầu tiên. Về mặt lý thuyết thì việc xây dựng NTM góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, nâng cao thu nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Và quan trọng hơn, NTM sẽ là chương trình giúp địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trạm y tế, nâng cấp hệ thống điện lưới…, những yếu tố góp phần đưa nông dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó ai cũng mừng, nhất là nông dân trong vùng được thụ hưởng. Nhưng nhìn vào thực tế mới thấy không ít gian nan.

Chợ quê ở ngay cổng Nông trường Sao Vàng cũ, nay là Cty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng, vẫn đìu hiu như cách đây vài chục năm. Lác đác có dáng người nông dân đi chợ, tay xách những túi nilon đựng vài ba lạng thịt lợn buổi chiều. Đây đó vài quán bán đồ giải khát, kia một cái tiệm sửa xe và bóng người đạp xe nghiêng nghiêng nắng… Thế thì cần làm mới ở đâu và đâu là vấn đề then chốt cần được giải quyết đây? Những trăn trở trên của ông Biền được đem đến hội thảo nhằm làm cho các đại biểu tham dự có cái nhìn toàn cảnh, thực tế hơn về xây dựng NTM ở vùng nguyên liệu quan trọng này. Nhưng có rất ít người, lắng nghe ông trình bày.

Cần, và phải làm. Nhưng tiền ở đâu?

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HH Mía đường Lam Sơn, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Lam Sơn, đang rất hào hứng với mô hình xây dựng NTM ở vùng nguyên liệu này. Theo ông Tam thì “cái chúng ta cần là phải thay đổi về chất nền kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị thặng dư trong sản xuất nông nghiệp”. Thêm nữa, ruộng đất muốn tích tụ thì lao động phải thoát ly nông nghiệp. Việc mở trường đào tạo nghề, lên kế hoạch thực hiện dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lam Kinh… là nhằm đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đây chính là động lực, là một trong những tiêu chí quan trọng mà chương trình xây dựng NTM đang hướng tới, ông Tam cho biết như thế.

Tuy nhiên, ông Biền lại nhìn nhận vấn đề một cách thận trọng hơn. Đành rằng, việc xây dựng NTM ở vùng nguyên liệu mía nhằm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất mía hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Ngoài ra, mục tiêu lớn hơn là tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và thương mại, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thân, tạo sự chuyển biến mới cho nông dân vùng mía đường Lam Sơn…

Vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến nay đã lan tỏa khắp 10 huyện là Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Như Thanh và Như Xuân. Với tổng diện tích của toàn vùng là gần 5.000km2, chiếm 44,1% diện tích tự nhiên của Thanh Hóa. Ngoài ra, dân số cả vùng lên đến 1,36 triệu người, chiếm 37% dân số toàn tỉnh và ước tính có đến hơn 850 nghìn người trong độ tuổi lao động. “Tuy lực lượng lao động đông nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp, số lượng lao động mỗi ngày một tăng khiến sức ép về giải quyết việc làm ngày càng gay gắt. Đây cũng là yếu tố cản trở cho quá tình xây dựng NTM”, ông Biền phân tích.

Thực tiễn cho thấy, nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong vùng nguyên liệu đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Sự phát triển của nông nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và thiếu tính bền vững; cơ sở hạ tầng nông thôn đang có chiều hướng suy giảm… Theo ông Biền thì có nhiều cách để nhận diện nguyên nhân, song nhìn tổng thể và suy cho cùng thì nguyên nhân chủ quan là ruộng đất manh mún, còn khách quan là các rủi ro trong nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh… chính là rào cản căn bản cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo lập các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn, nhằm giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Một thực tế mà ông Phó Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân cứ trăn trở mãi, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, một trong những yếu tố tiên quyết cho chương trình NTM, vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Ông Biền than thở rằng, mang tiếng là DN lớn, có tiềm năng tài chính và có vùng nguyên liệu rộng lớn, nhưng Cty Mía đường Lam Sơn đã đầu tư được bao nhiêu cho hạ tầng nông thôn, nơi họ đang hưởng lợi từ nguyên liệu mía của nông dân? Các đại biểu, các chủ DN cứ đăng đàn “sa sả" rằng, phải đầu tư mạnh cho nông dân để làm cơ sở cho xây dựng NTM, nhưng hãy xem họ đầu tư những gì? Toàn bộ hệ thống giao thông, điện, nước sạch đều do ngân sách Nhà nước trước và nay đầu tư cả. “Ông Chủ tịch HH Mía đường lúc nào cũng nói rằng đầu tư cho nông dân bằng cách nộp thuế cho nhà nước và thu mua mía nguyên liệu. Điều đó cũng rất tốt, nhưng theo tôi chưa đủ. DN và Nhà nước cần phải cùng nhau đầu tư hạ tầng, chứ không chỉ cứ mãi trông chờ ngân sách”, ông Biền thẳng thắn.

Sẽ cần rất nhiều tiền cho hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi. Nhưng tiền ở đâu ra và phải làm gì để nông thôn tự sinh ra tiền? “Chúng ta vẫn trông chờ vào việc huy động nguồn vốn Nhà nước để xây dựng hạ tầng, mà coi nhẹ việc đóng góp của DN trên địa bàn. Rõ ràng, nếu DN đầu tư, thì họ cũng là đối tượng hưởng lợi hàng đầu. Đừng bao giờ nói rằng, DN là đơn vị kinh doanh, hiệu quả được đặt hàng đầu mà quên đi nghĩa vụ an sinh của họ. Mà xét cho cùng, thì việc họ xây dựng NTM cũng chẳng phải vì lý do an sinh, mà là mang lại doanh thu và nguyên liệu cho họ”, vị Phó Bí thư Huyện ủy bộc bạch.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.