| Hotline: 0983.970.780

Xây nhà lầu, sắm xe hơi từ cây sầu riêng trồng đất Tây Nguyên chín muộn

Thứ Ba 12/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Với lợi thế chín muộn (tháng 9, tháng 10), sầu riêng Tây Nguyên luôn bán được giá cao, thị trường tiêu thụ rộng mở, nhờ vậy mỗi hecta có thể đạt lợi nhuận tỷ đồng.

Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây sầu riêng trên đất Tây Nguyên. Sầu riêng tại đây chín muộn hơn so với sầu riêng trồng vùng khác. Ảnh: Ngọc Khanh.

Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây sầu riêng trên đất Tây Nguyên. Sầu riêng tại đây chín muộn hơn so với sầu riêng trồng vùng khác. Ảnh: Ngọc Khanh.

Xây nhà lầu, sắm xe hơi

Huyện Krông Păk (Đăk Lăk) là một trong những địa phương phát triển mạnh về cây sầu riêng. Cũng tại địa phương này, chuyện nông dân sắm xe hơi tiền tỷ, xây nhà lầu khang trang không quá xa lạ.

Ông Phạm Anh Tuấn, người dân xã Ea Yông cho biết: “Mấy năm gần đây, trồng sầu riêng là những gia đình có kinh tế ổn định nhất. Nhiều nông dân thu hàng tỷ mỗi năm. Sau vụ thu hoạch, người dân mua ôtô cả tỷ đồng là chuyện thường gặp”.

Nhà nông Nguyễn Văn Thăng thổ lộ: “Ở địa phương, cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít loại cây trồng nào sánh được được. Với mức giá hiện nay, nếu trồng 1ha cà phê, chủ vườn thu được 4 tấn nhân, thu về 60 triệu đồng. Còn 1ha sầu riêng có thể cho thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng”. Cũng theo nông dân này, thời gian qua, nhiều thương nhân Trung Quốc tìm về tận vườn gia đình ông để đặt vấn đề tiêu thụ nông sản. Họ nếm thử sầu riêng tại đây và đánh trái cây có chất lượng cao, cơm vàng, vị ngọt và béo hơn so với nhiều nơi khác.

Để minh chứng cho câu chuyện nhà lầu, xe hơi của mình, ông Tuấn chỉ tay về căn nhà của hàng xóm và thổ lộ: “Gia đình ông này trồng sầu riêng. Năm rồi, ổng thu hoạch 35 tấn trái và bán được hơn 1,5 tỷ đồng. Nhờ mấy năm trúng sầu riêng nên ổng xây được nhà 3 tỷ và mua ôtô, mua đất đai, nhà cửa cho con”.

Người hàng xóm tiền tỷ mà ông Tuấn nói đến chính là ông Nguyễn Văn Thăng (60 tuổi), người canh tác 1ha sầu riêng tại xã Ea Yông (huyện Krông Păk).

Trong khu vườn bát ngát với những hàng sầu riêng thẳng tắp, tán rậm rạp, nông dân 60 tuổi đang cắt tỉa để chọn lọc những bông hoa tốt nhất cho mùa vụ tới.

Ông Thăng cho biết, vợ chồng ông từng làm công nhân cho một công ty cà phê đóng chân ở địa phương. Về sau, khi công ty thanh lý vườn, ông đã vay tiền người thân, bạn bè, mua lại diện tích 1ha để phát triển kinh tế”.

Ông kể: “Mua được vườn, tôi vẫn duy trì cà phê nhưng cây già cỗi nên hiệu quả không cao. Đến khoảng năm 2004, tôi bắt đầu mua giống sầu riêng về trồng xen trong vườn với hy vọng cây này cho nguồn thu phụ”.

Sau nhiều năm chăm sóc, những cây sầu riêng trong vườn cà phê phát triển mạnh và cho trái đều.

Hiện nay, mỗi cây, gia đình ông Thăng có thể thu về 300kg trái. Theo chủ vườn, cây hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên trái có trọng lượng từ 1,8-5,5kg.

“Cà phê trong vườn già cỗi nên tôi chặt bỏ và đến nay chỉ còn mỗi sầu riêng. Với 130 cây, năm 2018, gia đình thu hoạch được 39 tấn trái, năm 2019 thu được 35 tấn. Với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg, năm rồi tôi thu về trên 1,5 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Thăng thổ lộ.

Cũng nhờ cây sầu riêng, kinh tế của gia đình ông Nguyễn Thạc Cảnh, 50 tuổi, ngụ xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) được cải thiện.

Ông Cảnh từng trồng cà phê trên diện tích 1,2ha vườn của gia đình. Đến năm 2011, khi việc tái canh cà phê không mang lại hiệu quả trong khi giá cà có nhiều biến động nên ông mua giống sầu riêng Dona Thái Lan về trồng thay thế.

“Thời gian đầu, việc chuyển từ cà phê sang cây sầu riêng không có kinh nghiệm nên gặp khó khăn về kỹ thuật chăm sóc. Nhiều cây trong vườn bị bọ cánh cứng, sâu, bệnh gây hại. Khi cây lớn thì bị bệnh xì mủ hoặc sâu đục thân. Phải mất nhiều năm, tôi mới kiểm soát được”, ông Cảnh chia sẻ.

Mỗi hecta sầu riêng, nhà vườn có cơ hội thu về trên 1 tỷ đồng mỗi vụ. Ảnh: NK.

Mỗi hecta sầu riêng, nhà vườn có cơ hội thu về trên 1 tỷ đồng mỗi vụ. Ảnh: NK.

Theo ông Cảnh, năm 2015, vườn sầu riêng của gia đình cho thu hoạch bói với tổng sản lượng 2,5 tấn trái. Đến năm 2016 thì cho thu hoạch 15 tấn và năm 2017 đạt được 29 tấn. Trong mùa vụ vừa qua, khu vườn cho trái nhiều nhất với tổng thu lên đến gần 38 tấn.

Ông chia sẻ: “Tôi trồng theo mật độ 54m2/cây nên sầu riêng ra tán rộng, cây to và trái nhiều. Vào độ thu hoạch, thương lái đến tận vườn cắt trái nên mình chả phải bỏ công sức hay thuê người. Trong vườn có bao nhiêu trái cây thì họ lấy hết bấy nhiêu, chưa bao giờ bị ế. Mấy năm gần đây, năm nào vườn cũng cho thu 1,5-2 tỷ đồng/vụ”.

Ông Nguyễn Thạc Cảnh cho biết thêm, hiện nay, gia đình ông đang thực hiện theo mô hình GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đạt được chứng nhận này, ông hướng đến liên kết doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị hoặc xuất khẩu.

Xây dựng các vùng trồng có chứng nhận

Theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, địa phương hiện có khoảng 8.900 ha sầu riêng với năng suất đạt 165 tạ/ha, sản lượng ở vào khoảng trên 68 nghìn tấn. Cũng theo Sở này, sầu riêng là mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc sản xuất chưa có sự liên kết, hợp tác, thị trường phụ thuộc vào thương lái.

Trung bình, 1ha sầu riêng cho thu hoạch khoảng 20-25 tấn trái/vụ. Ảnh: NK.

Trung bình, 1ha sầu riêng cho thu hoạch khoảng 20-25 tấn trái/vụ. Ảnh: NK.

Để phát triển cây sầu riêng có hiệu quả và bền vững, UBND tỉnh Đăk Lăk đang áp dụng quy trình sản xuất theo Quyết định 3702/QĐ-BNN-TT năm 2018 của Bộ NN-PTNT về việc quy định trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê.

Xây dựng và phát triển các vùng trồng cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…, cấp mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp hướng người dân thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ để làm ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, địa chỉ số 53 Nguyễn Lương Bằng (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) có bộ cây giống sầu riêng đầu dòng chất lượng cao gồm Monthon, Ri6… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Để tìm hiểu và mua được giống tốt, bà con nông dân liên hệ theo số điện thoại của trung tâm 02623.832.809, hoặc liên hệ trực tiếp với ông Đào Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm Eakmat theo số điện thoại 0914.142.360.

Khuyến cáo không trồng sầu riêng mật độ quá dày

TS Trương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Phần lớn diện tích sầu riêng của Tây Nguyên được trồng xen trong vườn cà phê.

Tuy nhiên, do lợi nhuận cao người dân đã trồng với mật độ quá dày, trên 100 cây sầu riêng/ha, thậm chí lên gần 200 cây.

Việc trồng xen quá dày dẫn đến năng suất vườn cà phê thấp, chỉ đạt 1 – 1,5 tấn/ha, đồng thời do độ ẩm cao vườn cà phê thường xuất hiện bệnh nấm hồng, gỉ sắt, đối với sầu riêng cũng bị bệnh thối thân, thối quả.

Do vậy, việc trồng xen phải xác định cà phê vẫn là cây trồng chính, đảm bảo năng suất 2,5 – 3 tấn/ha và sầu riêng phải thưa với mật độ 12x12m/cây hoặc 12X15m/cây, chỉ nên trồng xen sầu riêng ở mức 60 – 80 cây/ha .

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.