| Hotline: 0983.970.780

Xem xét bổ sung một số loại hình thiên tai

Thứ Năm 28/05/2020 , 17:50 (GMT+7)

Chiều 28/5, Quốc hội tổ chức báo cáo và thảo luận xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Tùng Đinh.

Sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Tùng Đinh.

Bắt đầu phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Trong đó, tập trung các vấn đề như bổ sung một số loại hình thiên tai, thảo luận nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai, ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai, quỹ phòng chống thiên tai, thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai...

Đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với dự thảo nhưng cũng có một số ý kiến đóng góp thêm.

Bổ sung loại hình thiên tai

Đại biểu Trương Thị Yến Linh, tỉnh Cà Mau cho rằng, trước diễn biến khó lường của thời tiết ở Việt Nam, xuất hiện nhiều loại hình thiên tai, thiệt hại ngày càng lớn. Tuy nhiên, Luật Phòng chống thiên tai hiện hành còn thiếu một số loại hình, gây khó khăn cho việc phòng chống thiên tai tại một số địa phương.

Dẫn chứng tình hình tại địa phương, bà Linh cho rằng việc quy định sạt lở, sụt lún đất do dòng chảy hay mưa lũ là chưa đầy đủ. Cụ thể, trong mùa khô năm 2015-2016, hiện tượng sạt lở, sụt lún xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng tại Cà Mau và còn diễn biến phức tạp hơn trong mùa khô 2019-2020.

Theo thống kê, trên toàn tỉnh Cà Mau hiện có 1.000 vị trí bị sạt lở, sụt lún đất và hầu như đều ở quy mô lớn, gây chia cắt, ảnh hưởng đến giao thông và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chưa kể còn rình rập nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân.

Nguyên nhân được dự đoán là do tình trạng khô hạn làm mất áp lực nước trên sông, kênh rạch khiến đất bị co ngót, tạo độ rỗng trong đất và dẫn đến việc sụt lún, sạt lở.

Để giúp tỉnh Cà Mau sớm có các biện pháp ứng phó và tháo gỡ khó khăn trong khắc phục hậu quả cho thiên tai gây ra, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Quốc hội bổ sung quy định sạt lở, sụt lún ngoài do mưa lũ, dòng chảy còn do nguyên nhân hạn hán.

Trước đó, đại biểu đồng ý bổ sung cháy rừng do nguyên nhân tự nhiên và sương mù vào danh sách các loại hình thiên tai mới, cho phù hợp với tình hình mới. Nguyên nhân là những vụ cháy rừng lớn trên thế giới thời gian qua không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tính mạng con người và môi trường sống.

Tuy nhiên, đại biểu Linh cho rằng, nếu đưa vào luật, cần xác định rõ nguyên nhân của từng vụ cháy rừng, do thiên tai hay nhân tai, hay kết hợp cả 2.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Bùi Thanh Tùng, TP. Hải Phòng trình bày tỏ quan điểm, cháy rừng có nhiều nguyên nhân, cả do con người lẫn tự nhiên. Theo ông, trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, vào mùa khô, nắng nóng kéo dài có thể gây cháy rừng, nhất là ở các khu vực có điều kiện tự nhiên đặc biệt như nhiều khí mê tan hay dễ bị sét đánh.

Khi xảy ra các vụ cháy rừng lớn, nếu chỉ sử dụng lực lượng kiểm lâm và phòng cháy chữa cháy sẽ không đủ sức khống chế, nhất là những nơi có địa hình hiểm trở. Khi đó, chính quyền địa phương cần huy động lực lượng lớn để ứng phó với cơ chế nguồn lực, chỉ đạo, chỉ huy của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Do đó, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, khi cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng, dù nguyên nhân do tự nhiên hay con người cũng cần xem là một dạng thiên tai đặc thù.

Ông Tùng cũng ủng hộ nội dung của dự thảo cho rằng Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống thiên tai.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng các sửa đổi sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp hơn để thích ứng trong tình hình mới. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng các sửa đổi sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp hơn để thích ứng trong tình hình mới. Ảnh: Quochoi.vn.

Khuôn khổ pháp lý phù hợp tình hình mới

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiên tai luôn là thách thức rất lớn với phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Theo ông, thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn, trong đó Việt Nam lại ở vị trí địa lý thường xuyên gặp thiên tai và là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất trước biến đổi khí hậu.

"Do đó, Việt Nam luôn có chủ trương, chính sách theo từng giai đoạn rất kịp thời. Việc Quốc hội cho phép sửa đổi một số điều trong Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp hơn để thích ứng trong tình hình mới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết thêm, trong khi họp thứ 8 vừa qua, sau khi các đại biểu thảo luận, ban soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan thẩm định, các ủy ban của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh sửa và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 13 nhóm nội dung.

Trong phiên thảo luận chiều 28/5, các đại biểu đa số đồng tình với 13 nội dung trong dự thảo. Bộ trưởng cho biết thay mặt ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, trên cơ sở đó cùng các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu để cho ra được dự thảo luật tốt nhất, phục vụ cho công tác lấy ý kiến thông qua trong thời gian tới.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.