Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi hội thảo. |
Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua chất lượng không khí ở hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh ở mức độ ô nhiễm tập trung, vào nhiều thời kỳ, giai đoạn. Ô nhiễm có những thời điểm vượt quá ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe tới con người.
Theo đó, cuộc họp tập trung vào việc đánh giá diễn biến tình hình môi trường, chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm các nước, cần phân tích các thông số các chỉ số đo trong 5 năm vừa qua, đặc biệt là năm 2019 có xu hướng gia tăng. Qua đó, các bên sẽ thống nhất biện pháp, giải pháp để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Bộ trưởng Hà cho biết, dựa trên số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường cho thấy, bụi mịn hạt lớn PM 10 ở hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh không tăng, đáp ứng được theo quy chuẩn. Riêng từ năm 2013 - 2019 bụi mịn PM 2.5 lại tăng và có sự giao động, thời điểm xuất hiện nhiều nhất là từ 5h - 8h và 18h -19h.
“Tại Hà Nội đã có 11 trạm quan trắc môi trường tự động và số liệu nhận được cho thấy có thời điểm mức độ ô nhiễm vượt quy chuẩn từ 3 - 4 lần. Năm nay tần suất tăng hơn so với 2018 khiến người dân lo lắng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu Bộ TN-MT cho biết thêm, mật độ các phương tiện giao thông tăng nhanh. Mật độ xây dựng lớn; chất thải, khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường ở 2 thành phố lớn là những nguyên nhân cụ thể dẫn tới ô nhiễm.
Riêng Hà Nội, mỗi ngày có hàng triệu xe máy, ô tô… lưu thông khiến lượng khói thải ra nhiều và có trên 1.000 công trình đang xây dựng, sẽ phát sinh bụi, gây ô nhiễm. Ngoài ra, Hà Nội còn có thêm nguyên nhân đốt rơm rạ; người dân sử dụng bếp than tổ ong (khoảng 60.000 bếp than)…
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Theo Bộ trưởng Hà, giải pháp trước mắt đầu tiên là các thành phố lớn cần bố trí ngân sách, huy động nguồn lực để duy trì trạm quan trắc tự động, đưa ra kết quả chính xác về chất lượng môi trường, không khí, mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều.
Khi chất lượng không khí vượt quá mức, cơ quan chức năng phải có khuyến cáo cụ thể tới người dân. Đặc biệt là các em nhỏ, nếu cần thiết phải để các em ở trong nhà, khi ra đường phải sử dụng các khẩu trang…
Tại Hà Nội, cần công bố thông tin và có kế hoạch phun nước hàng ngày để bụi khỏi bay lên không trung, gây ô nhiễm. Xem xét điều tiết các luồng giao thông, tránh các phương tiện đi vào khu vực đông đúc.
Tăng cường phương tiện giao thông công cộng để người dân có nhiều sự lựa chọn, ít sử dụng phương tiện xe cá nhân. Đối với các xe tải đi vào thành phố Hà Nội phải có biện pháp che chắn, rửa xe, bụi bẩn.
Tuyên truyền để bà con chuyển từ dùng bếp than tổ ong sang dùng loại bếp không gây ô nhiễm. Tất cả các công trình xây dựng, phải có quy định cụ thể về việc bảo vệ môi trường bao gồm cả việc để vật liệu, che chắn vật liệu. Trường hợp phát hiện xe ô tải gây ô nhiễm, cơ quan công an chụp ảnh lại và xử phạt nguội.
Quản lý chặt chẽ công nghệ tái chế, kiểm soát việc xây dựng công trình cao tầng và phải có lộ trình bài bản. Xem xét hỗ trợ để bà con vùng nông thôn không đốt rơm rạ. Đặc biệt, xử lý mạnh tay đối với người đốt chất thải...