Đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tự lực vươn lên trong cuộc sống của người nghèo.
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lương và Dương Thị Huệ (đều 90 tuổi), trú tại thôn Liên Hương là hộ nghèo có “thâm niên” của xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà. Trước đây, hai vợ chồng cụ canh tác hơn 1 mẫu ruộng để nuôi 6 đứa con (3 trai, 3 gái) ăn học.
Sau khi chuyển lên căn nhà mới ở cùng con cháu, cụ Lương tự nhận thấy mình cần nhường chính sách hộ nghèo cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. |
Thu nhập eo hẹp, cuộc sống chật vật đẩy gia đình cụ vào diện hộ nghèo, cận nghèo trong nhiều năm liền. Suốt những năm tháng đó, vợ chồng cụ nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Giờ đây, con cái trưởng thành, có điều kiện chăm lo cho bố mẹ nên hai cụ quyết định viết đơn xin thoát nghèo để nhường lại chính sách cho những hoàn cảnh khó khăn hơn trên địa bàn xã, thôn.
Cụ Huệ nói: “Mỗi tháng con, cháu gửi về cho vợ chồng tôi bình quân 3 - 4 triệu nên chúng tôi không phải lo lắng gì nữa. Nhận thấy nhiều hộ trong thôn, trong xã còn khổ hơn mình nhiều nên chúng tôi quyết định xin thoát nghèo để nhường cơ hội, chế độ cho người khác”.
Ngồi cạnh vợ, cụ ông Nguyễn Văn Lương miệng móm mém cười, tiếp lời: “Bây giờ xã đã đạt chuẩn nông thôn mới rồi, tư duy cũng phải mới, phải cố gắng thoát nghèo bằng mọi cách chứ”.
Ý tưởng viết đơn xin thoát nghèo của hai cụ được con cháu đồng tình ủng hộ. Nghĩ là làm, ngày 22/10, vợ chồng cụ Lương sang nhà Bí thư Chi bộ thôn Liên Hương nhờ viết đơn xin thoát nghèo gửi UBND xã Thạch Đài.
Trong đơn có đoạn viết: “Vợ chồng chúng tôi xin ra khỏi hộ nghèo năm 2020 để nhường lại cho hộ khác. Mặc dù vợ chồng chúng tôi tuổi đã già, sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên. Nhưng nay nhờ con cháu nuôi dưỡng đến nơi, đến chốn. Vậy vợ chồng chúng tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Rất mong các cấp chấp nhận”.
Trưởng thôn Liên Hương, xã Thạch Đài Nguyễn Phúc Bảy cho hay, năm 2019, toàn thôn có 12 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Mới đây rà soát lại có 2 hộ đã thoát nghèo, cùng với vợ chồng cụ Lương tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo nữa sẽ 3 hộ thoát nghèo vào năm sau.
Lá đơn xin thoát nghèo của vợ chồng cụ Lương là tấm gương sáng về tinh thần tự lực vươn lên trong cuộc sống của hộ nghèo. |
Ông Trương Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho rằng, việc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo của cụ Lương - Huệ là một hành động trượng nghĩa, thể hiện lòng tự trọng rất cao của các cụ. Qua đó cũng cho thấy, đây là một gia đình tuy nghèo nhưng các thành viên sống có trách nhiệm, con cái biết nhận thức và có giáo dục, biết chăm lo đối với các bậc sinh thành. “Việc làm này cần được biểu dương, noi gương, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng”, ông Anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm như vợ chồng cụ Lương - Huệ, tại TP Hà Tĩnh có 3 hộ già cả neo đơn khác cũng viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, gồm cụ Trần Thị Long (81 tuổi); Lê Thị Thanh (79 tuổi), trú tổ dân phố 8, phường Nguyễn Du và bà Trương Thị Long (64 tuổi), tổ dân phố Nam Tiến, phường Thạch Linh.
Trao đổi với PV Báo NNVN, một lãnh đạo phường Nguyễn Du cho hay, cụ Trần Thị Long và Lê Thị Thanh đều là hộ đơn thân, xét các tiêu chí đều đạt hộ nghèo. Tuy nhiên, đây là những hộ cao tuổi và đã có thẻ bảo hiểm của người cao tuổi, được hưởng các chế độ của người cao tuổi. Mặt khác, con cái của các cụ đều khá giả và thực tế các hộ cũng không có nhu cầu hỗ trợ vay vốn hay xây nhà ở nên phường vận động các hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
“Rất đáng mừng, sau khi phường vận động các cụ đã vui vẻ viết đơn. Nghĩa cử cao đẹp của các cụ thể hiện sự thay đổi về nhận thức, góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng về chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, tạo ra cơ hội thiết thực hơn cho các hộ khó khăn ở những địa phương khác”, vị lãnh đạo phường Nguyễn Du nói thêm.
Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh: “Tháng 10, 11 được chọn là tháng cao điểm vì người nghèo năm 2019. Vì vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Tĩnh chủ trương đẩy mạnh việc huy động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Đồng thời, phát động phong trào “láng giềng gần” chung tay vì người nghèo. Trong đó phải phát huy được truyền thống nhân văn, tinh thần tương trợ của con cháu, anh em, họ hàng, láng giềng, bà con lối xóm giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Phải phát huy được tinh thần tương trợ của người thân đối với người nghèo trước khi nghĩ đến trợ giúp từ bên ngoài”. |