| Hotline: 0983.970.780

Xóa nạn đói - Vì tương lai Việt Nam

Thứ Ba 15/12/2020 , 08:21 (GMT+7)

'Nhắc đến nạn đói, người ta nghĩ ngay đến chuyện đói lương thực. Nhưng nhiều người chưa quan tâm đến chuyện con em mình có bị đói dinh dưỡng hay không'.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Đó là chia sẻ của ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) trong buổi trao đổi với Báo NNVN về Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025.

Thưa ông, mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” khác gì với chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội?

Chương trình “Không còn nạn đói” là chương trình rất nhân văn mà cả Quốc hội và Chính phủ đã ký cam kết thực hiện với mục tiêu thiên niên kỷ hướng tới phát triển bền vững.

Tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh nạn đói lương thực còn có nạn đói về dinh dưỡng, mà đói dinh dưỡng là vấn đề mang tầm chiến lược.

Tại sao lại mang tầm chiến lược? Vì để có một nền giáo dục tốt thì cần quan tâm giáo dục thể trạng con người. Nếu thể trạng ngay ở giai đoạn đầu đời của con người không đảm bảo thì các cháu bị còi cọc, suy dinh dưỡng. Sau này, những đứa trẻ đó rất hạn chế về tinh thần và trí tuệ.

Ở Việt Nam, thành tích giảm nghèo không ai phủ nhận được. Mỗi năm chúng ta giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất hơn 1%/năm. Và theo chuẩn nghèo hiện nay thì cả nước dưới 4%.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn có khoảng 26 tỉnh, trong đó bao gồm các huyện, xã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao và tỷ lệ hộ nghèo cao nếu so với mặt bằng cả nước (từ trên 20% hộ nghèo).

Trong khi đó, trong vòng 1.000 ngày tuổi đầu đời, nếu giải quyết được vấn đề suy dinh dưỡng thì 80% các cháu thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng ở các giai đoạn phát triển sau này.

Chúng ta đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội rất tốt. Nhưng chỉ số phát triển về thể trạng (hay nói đơn giản là chiều cao) của người Việt tăng trưởng không tương xứng với tốc độ cải thiện về đời sống xã hội. Do đó, chương trình “Không còn nạn đói” đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể, để giải quyết vấn đề này. Nó không đơn thuần là việc lấy thu nhập và mức sống của người dân làm thước đo kết quả.

Những mục tiêu cụ thể của Chương trình “Không còn nạn đói” là gì, thưa ông?

Tại Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 đã nêu rõ 5 mục tiêu cần đạt. Thứ nhất là cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm.

Để làm được điều đó, cần giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%; tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400g/ngày.

Thứ hai là giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi, với các chỉ tiêu như sau: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20% (riêng vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 25%); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%; giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500g) xuống dưới 8%.

Thứ ba là phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; thứ tư là phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; năm là không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm”.

Tại sao Chính phủ lại đặt ra mục tiêu “Không còn nạn đói” ở mốc năm 2025? Liệu rằng chúng ta có đủ điều kiện để hiện thực hóa một trong những mục tiêu “phát triển thiên niên kỷ” này?

Kế hoạch của chương trình không còn nạn đói được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, tất cả các Bộ, Ban, ngành, nhất là Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH... phải rà soát lại cơ chế chính sách. Qua đó xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của Chương trình; xây dựng cơ sở dữ liệu và tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện.

Nhiều sinh kế phát triển kinh tế nhằm xoá tình trạng đói nghèo sẽ giúp thể trạng của người Việt Nam được nâng cao. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều sinh kế phát triển kinh tế nhằm xoá tình trạng đói nghèo sẽ giúp thể trạng của người Việt Nam được nâng cao. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiệm vụ thứ 3 của giai đoạn 1 là xây dựng mô hình điểm và sơ kết đánh giá tài liệu hóa mô hình tại 3 vùng: Tây Bắc, duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, tổ chức truyền thông để nhân rộng mô hình.

Hiện nay, có 52 nhiệm vụ của Chương trình đã được các Bộ, Ban, ngành đã lồng ghép vào các chương trình, dự án như chương trình giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới... để triển khai thực hiện. Còn 12 nhiệm vụ mới, các Bộ, Ban, ngành cơ bản đã thực hiện xong.

Các tài liệu hướng dẫn cách tạo nguồn thực phẩm sẵn có và đa dạng tại hộ gia đình; bộ chỉ số và sổ tay hướng dẫn cân đối dinh dưỡng cho các đối tượng khác nhau trong hộ gia đình; cùng các tài liệu liên quan cũng đã được các Viện nghiên cứu, trường Đại học xây dựng, đang trong quá trình nghiệm thu.

Năm 2018, Bộ NN-PTNT chọn 3 tỉnh xây dựng mô hình “Không còn nạn đói” tại Lào Cai, Quảng Ngãi và Trà Vinh. Đây là những địa phương có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao từ 20 – 30%. Tại các mô hình, các đơn vị đã phối hợp để xác định tình trạng dinh dưỡng của người dân, nhất là trẻ nhỏ. Sau đó, phối hợp với địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, sử dụng và chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho các cháu ngay từ đầu đời như thế nào.

Sang năm 2020, Bộ NN-PTNT mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các địa bàn khó khăn. Đồng thời phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện. Như vậy đến nay chúng ta đã có 19 mô hình của Chương trình “Không còn nạn đói”.

Các mô hình đang được tổng kết nghiệm thu. Trên cơ sở đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Bộ NN-PTNT có các văn bản để hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách thực hiện chương trình không còn nạn đói ở diện rộng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để triển khai truyền thông về chương trình này với nhiều thứ tiếng, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp nhận thông tin.

Chúng tôi được biết, chương trình “Không còn nạn đói” được rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm và đồng hành. Ông có thể chia sẻ hiệu quả của sự hợp tác này?

Đúng vậy! Trong quá trình triển khai chương trình “Không còn nạn đói”, rất nhiều tổ chức quốc tế đã góp sức cùng Ban chỉ đạo Quốc gia và Văn phòng thường trực Chương trình, bao gồm Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (Ciat); tổ chức Oxfam; FAO; GIZ (Đức), HKI (Mỹ)…

Đây đều là các tổ chức giàu kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp dinh dưỡng hoặc chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Mỗi tổ chức có một thế mạnh riêng. Chẳng hạn, HKI rất giỏi xây dựng các câu lạc bộ bà mẹ hoặc những cặp vợ chồng chưa có con để hướng dẫn họ cách chăm sóc con và bổ sung chế độ dinh dưỡng.

Còn Ciat lại hiểu rất sâu về thiết lập dữ liệu bản đồ nông nghiệp dinh dưỡng; GIZ và Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) thì mạnh về tổ chức nông dân để sản xuất lương thực và sử dụng lương thực, thực phẩm hợp lý.

Đó là những hoạt động rất ý nghĩa trong việc giải quyết vấn nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng khó khăn. Bởi, nhận thức của người dân về dinh dưỡng còn hạn chế. Ví dụ, nhiều nông dân phải bán vài trăm quả trứng mới mua được 1 hộp sữa ngoại có giá vài trăm đến triệu đồng cho con để sử dụng trong ít ngày.

Trong khi đó, chúng ta có thể dùng số tiền này để mua thịt, cá, rau, thậm chí là đậu nành, sữa ngũ cốc rẻ hơn rất nhiều để bổ sung dinh dưỡng cho con. Đó là kiểu chi tiêu bất hợp lý trong khi điều kiện các hộ gia đình còn khó khăn.

Vậy đâu là những khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói”?

Khó khăn nhất là nhận thức của người dân còn hạn chế. Khi nói đến không còn nạn đói, người ta nghĩ ngay đến chuyện đói lương thực. Nhưng thực tế là rất nhiều người bị đói dinh dưỡng mà không biết.

Thứ hai, chúng ta rất thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn về giải pháp. Ở đây yêu cầu 3 kỹ năng, một là phải hiểu biết về vấn đề dinh dưỡng, hai là tổ chức sản xuất nông nghiệp và hiểu biết về tổ chức nông dân. Ngoài sản xuất lúa là chính, nhiều người không biết rằng chỉ cần tận dụng một chút diện tích vườn, bờ ruộng để trồng thêm đu đủ, chuối, chanh... thì bữa ăn của những đứa trẻ sẽ được cải thiện rất tích cực.

Thứ ba, do Chương trình không có kinh phí độc lập để thực hiện nên phải sửa đổi, lồng ghép vào các cơ chế, chính sách khác để thích ứng.

Và thứ tư, một số tỉnh chưa hiểu một cách cặn kẽ các nội dung của Chương trình “Không còn nạn đói”. Ví dụ, khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 712, các địa phương cũng ra kế hoạch triển khai nhưng gần như là “chép lại”. Trong khi đó, tinh thần của Quyết định 712 là các địa phương phải vận dụng dựa trên điều kiện thực tế của mình.

Vậy ông có kiến nghị gì để chương trình “Không còn nạn đói” được triển khai thuận lợi và đạt kết quả cao hơn trong giai đoạn 2021 – 2025?

Bây giờ phải tập trung tổng kết các mô hình đã thực hiện và khuyến cáo từ chính mô hình đó. Thứ hai, phải mở rộng truyền thông để thay đổi nhận thức của nhiều đối tượng, từ vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở đến những người đang nuôi con nhỏ và chuẩn bị mang thai để chống suy dinh dưỡng giai đoạn đầu đời của trẻ. Có câu “tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng” là như vậy.

Về phía địa phương, ngoài bố trí nguồn lực và con người để tổ chức thực hiện thì cần đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều thứ tiếng để đồng bào dân tộc thiểu số cũng có thể hiểu được.

Thứ ba, phải lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình “Không còn nạn đói” với các chương trình như Giảm nghèo bền vững; Xây dựng Nông thôn mới; Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... thì mới thành công.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.