| Hotline: 0983.970.780

Xóm Việt kiều không còn lay lắt

Thứ Ba 02/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đó là xóm dân cư tạm của những gia đình Việt kiều Campuchia hồi hương bên bờ hồ Dầu Tiếng ở xã Phước Ninh, Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.

Khoảng 3 năm trước, đến xóm dân cư tạm bên bờ hồ Dầu Tiếng ở xã Phước Ninh, Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh, tôi từng nhói lòng khi chứng kiến cuộc sống khốn khó trăm bề của những gia đình Việt kiều Campuchia hồi hương. Nay trở lại, lòng tôi vui lạ...

Những con thuyền đã có bến đậu

Đi một vòng quanh khu tái định cư ở ấp Phước An, xã Phước Ninh, dù con đường đất đỏ còn bụi mịt mù, nhưng lòng tôi vẫn khấp khởi mừng khi thấy dãy nhà mới xây trên khu đất công của xã, khá khang trang dành cho bà con Việt kiều từ Campuchia trở về.

Dẫn tôi đi tham quan, chị Lâm Thị Có, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh, cho biết, từ năm 1980, ở ven rừng lịch sử của huyện có nhiều hộ dân Việt kiều Campuchia về sinh sống.

Họ kiếm sống bằng cách làm thuê theo thời vụ hoặc đánh bắt cá, thu nhập không ổn định, đời sống vô cùng khó khăn, lại thường xuyên xảy ra nạn trộm cắp, gây rối trật tự xã hội, trẻ em thì thất học, lêu lổng, thực trạng ở xóm Việt kiều cũng tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng.

Trước tình hình trên, năm 2014, UBND xã Phước Ninh quy hoạch khu tái định cư tại tổ 8, ấp Phước An, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình xây tặng nhà “Mái ấm nông dân” cho những hộ Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 2/2014, những căn “Mái ấm nông dân” đầu tiên đã được trao cho người nghèo, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng với kết cấu tường gạch, mái tôn, nền lát gạch men, rộng 4,5 x 10m. Bên trong đầy đủ các công trình phụ như nhà bếp, vệ sinh, giếng khoan, điện chiếu sáng.

Ghé thăm căn nhà mới xây của anh Việt kiều Hồ Văn Chuối, năm nay 36 tuổi, chúng tôi vui lây khi thấy niềm vui trong ánh mắt, giọng nói của anh về căn nhà mới được tặng.

“Gia đình tôi cũng như nhiều hộ từ Campuchia hồi hương về cư ngụ ở xóm Việt kiều này từ năm 1997 đến nay, ban đầu khó khăn vô vàn, cứ tưởng không còn tương lai gì cho các con.

18-42-43_nh-7
Con em Việt kiều ở Phước Ninh giờ đã được đến trường

Nhưng nay hết cảnh lay lắt, tạm bợ rồi, mừng lắm mấy chú ạ. Con gái tôi cũng được địa phương tạo điều kiện làm giấy khai sinh cho đi học. Dù cháu hơi quá tuổi, trường học xa nhà, nhưng cháu rất thích đi học.

Vợ chồng tôi đã thấm nỗi khổ mù chữ rồi nên dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng để cho con theo học đến cùng”.

Gia đình chị Lưu Thị Lan, khi từ Campuchia hồi hương về khu vực bờ hồ Dầu Tiếng, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá truyền thống, cuộc sống thiếu trước hụt sau, đàn con không đứa nào được cắp sách đến trường.

Cuộc sống cứ trôi đi với một màu xám tương lai. Cho đến khi được tặng căn nhà mới, vợ chồng chị mới thấy một màu hồng đang mở ra trước mắt.

Hiện nay, cuộc sống của gia đình chị Lan đã tạm ổn. Hai cô con gái đã lớn, một cô đã có chồng, ra riêng, còn một cô đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Bình Linh, thuộc xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu.

Ngoài việc quan tâm nhà ở, Hội Nông dân xã còn chủ động đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi hộ gia đình ở khu tái định cư được vay 30 triệu đồng để xây dựng các công trình phụ, bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

Nhớ lại cuộc sống trước đây chỉ một năm, chị Lan không khỏi xúc động: “Hồi đó, nhà ọp ẹp, nhỏ xíu, trời mưa nhà dột như ở ngoài sân. Mỗi lần đi làm về tôi không muốn vô nhà. Khi có được ngôi nhà mới, tôi mừng đến nỗi đêm nằm ngủ mà cứ ngỡ mình mơ”.

Đã qua thời khốn khó

Không chỉ lo chỗ ở cho các hộ Việt kiều, chính quyền các cấp ở Phước Ninh còn hỗ trợ vốn làm ăn, dạy nghề cho họ.

Sau khi có nhà, gia đình anh Đặng Minh Tuấn còn được xã cho vay 30 triệu đồng để xây dựng thêm các công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh, khoan giếng, kéo điện và mua sắm vật dụng sinh hoạt cần thiết cho gia đình.

18-42-43_nh-3
Từ khi được an cư, gia đình anh Đặng Minh Tuấn cũng như nhiều hộ khác, tập trung SX, chăn nuôi, cuộc sống dần khá lên

Ở Phước Ninh, người dân đi đầu trong việc giúp đỡ, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 100 hộ Việt kiều là một phụ nữ tên Nguyễn Thị Kim Phụng, chủ cơ sở se nhang Kim Phụng ở ấp Phước An.

"Hiện nay, Hội vẫn đang tiếp tục thực hiện chương trình xây tặng nhà “Mái ấm nông dân” và “Mái tôn nông dân” để hoàn thành chỉ tiêu năm 2015 không còn nhà tạm trên địa bàn xã Phước Ninh”, chị Lâm Thị Có, Hội Nông dân xã Phước Ninh.

Gặp tôi, chị Phụng tâm sự: “Tôi mở cơ sở se nhang này một phần là để giúp bà con có việc làm, thu nhập ổn định.

Đa số bà con khó khăn nên tôi cho họ ứng trước nguyên liệu, trả công trước bằng tiền hoặc bằng gạo.

Công việc này nhẹ nên trẻ em cũng có thể làm. Nếu làm liên lục thì một ngày cũng kiếm được khoảng 80-100 ngàn/người.

Hiện nay, hơn 100 hộ Việt kiều trong xã và cả xã bên cạnh đều làm cái này.

So với mấy năm trước thì hiện nay gần như không còn hộ Việt kiều nào thiếu đói”.

18-42-43_nh-4
Se nhang là công việc mang lại thu nhập ổn định cho bà con Việt kiều ở Phước Ninh

Dù vẫn còn đó không ít khó khăn, nhọc nhằn trong việc muu sinh, trong hành trình được Nhà nước công nhận là công dân Việt Nam, nhưng những tháng ngày sống tạm bợ trong những túp lều xiêu vẹo, chỉ chực bay mất mỗi khi có cơn gió thổi qua của cư dân Việt kiều bên bờ hồ Dầu Tiếng đã hết.

Bây giờ, đến Phước Ninh đã thấy cảnh yên bình hơn xưa. Đâu đó trong những căn nhà mới xây, tường gạch đỏ au, văng vẳng tiếng con trẻ học bài...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.