Một trong những nguyên nhân khiến năng suất lúa còn thấp do thói quen sạ (cấy) khi rơm rạ dưới ruộng chưa hoai mục, gây ngộ độc đất, để lại nguồn sâu bệnh từ vụ trước. Các nhà khoa học đã tìm ra ra cách mới xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, hứa hẹn hiệu quả bền vững.
LỢI ÍCH TỪ XỬ LÝ RƠM RẠ
Các nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL cho thấy, tác dụng của chế phẩm Trichoderma giúp thúc đẩy nhanh quá trình phân giải chất xơ xenlulo trong rơm rạ tươi, làm tăng đáng kể vi sinh vật có lợi, cải thiện độ phì nhiêu trong đất; thay được lượng phân hữu cơ. Từ đó giảm được 40 - 60% nhu cầu bón phân NPK. Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh vật đối kháng kiêm chuyển hóa hữu cơ như Trichoderma cũng duy trì một quần thể bào tử đối kháng nấm bệnh, có tác dụng như một hàng rào tự nhiên, cùng với bón phân cân đối (đặc biệt chất oxyt silic) sẽ hỗ trợ cây lúa sức kháng bệnh hữu hiệu từ vụ trước sang vụ sau, giảm thiểu phải dùng biện pháp hóa học độc hại phòng trị các bệnh phổ biến trên lúa như đạo ôn, nấm sọc, khô vằn…
Song song với việc dùng chế phẩm vi nấm Trichoderma, sử dụng phân khoáng đa lượng cân đối dinh dưỡng cũng góp phần tăng năng suất cây trồng một cách bền vững. Thực tế, việc khai thác quá nhiều vụ trong năm (2 vụ ở phía Bắc, 3 vụ ở phía Nam, thậm chí có nơi còn áp dụng 7 vụ/2 năm) không chú ý bổ sung các yếu tố dinh dưỡng đa, trung và vi lượng là một nguyên nhân khiến năng suất lúa sụt giảm.
Trước đây, bà con nông dân quan niệm, để có năng suất chỉ cần bón loại phân chứa 3 yếu tố NPK là đủ. Nhưng trên thực tế, cây trồng cần khoảng 20 yếu tố dinh dưỡng khác ngoài đạm (N), lân (P), kali (K) như các yếu tố trung lượng oxyt silic-Si02 (rất cần để củng cố thành tế bào tăng cường hàng rào chống nhiễm nấm bệnh, tăng sức chống đổ cho cây), oxyt magie - MgO (thành phần chủ yếu của chất diệp lục tố trong lá lúa, có tác dụng làm tăng khả năng quang hợp), oxyt canxi - CaO (khử chua, ém phèn, chuyển hóa dinh dưỡng thuận lợi), các yếu tố này tồn tại dưới dạng oxyt kiềm thổ còn có khả năng khử chua như vôi bột (1kg lân nung chảy có tác dụng khử chua tương đương 0,5 kg vôi bột).
Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học kết hợp bón phân đa yếu tố Văn Điển
Ngoài ra, cây rất cần các các yếu tố vi lượng Bo, Mo, Cu, Zn... để cây sinh trưởng, phát triển, có sức đề kháng với sâu bệnh. Các yếu tố dinh dưỡng này rất sẵn và có giá thành hợp lý trong phân bón Văn Điển.
QUY TRÌNH XỬ LÝ
PGS.TS Mai Quang Vinh (Viện Di truyền nông nghiệp VN) cho biết, để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ rất đơn giản. Thứ nhất, xử lý rơm rạ tại chỗ và bón lót phân chuyên dụng Văn Điển. Sau đó tháo kiệt nước, phun 2 bình 16 lít thuốc (25-30g chế phẩm Trichoderma Tam Nông + 30 ml Amino Chelate hoặc Amino Humate) cho 1 sào BB (56 bình/ha) vào ruộng rạ trước khi phay lồng đất 2 ngày, bổ sung thêm 10 kg vôi bột/sào (280kg/ha), vùi dập rạ, sau 7-10 ngày (bình thường phải chờ tới 20 ngày) rơm rạ sẽ hoai mục trong đất có thể sạ cấy an toàn. Bón đều phân đa yếu tố Văn Điển bón lót chuyên dụng để đạt được năng suất 7-9 tấn/ha (200-300 kg/sào BB). Sau đó, tháo nước trở lại ruộng, bừa hoặc phay đất lần cuối để trộn đều phân vào đất, sau đó có thể cấy (sạ) lúa an toàn.
Khi lúa ở giai đoạn vào chắc, phun một đợt Trichoderma sau cùng có pha với Amino Humate Tam Nông để tránh lem lép hạt, giúp cho lá già, gốc rạ phân hủy dần. Khi tháo nước chuẩn bị gặt các lá già úa bắt đầu phân hủy, nhờ đó máy gặt vừa xong phun rạ là Trichoderma đã được trộn đều vào chất ủ. Rải đều rơm ra mặt ruộng, tháo nước vừa đủ ẩm, chỉ trong mươi ngày rơm rạ đã ải mục, bón lót phân đa yếu tố chuyên dụng cho lúa với lượng như trên, dùng bánh lồng trục lăn hoặc máy băm vặn rạ, vùi phân. Sau một vài ngày, bùn lắng, ruộng sẵn sàng để sạ lan hoặc sạ hàng, rút ngắn thời vụ.
Theo PGS.TS Mai Quang Vinh, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học kết hợp bón phân chuyên dụng không chỉ rất tốt cho cây lúa mà còn hữu ích cho hầu hết các loại cây trồng canh tác trên đất lúa khác như rau, khoai tây, khoai lang, đậu tương… Cách xử lý cũng rất đơn giản, ủ 3-5 m3 rơm rạ cộng chất thải, phân chuồng tươi, các loại lá cây trồng... Trải chất thải thành lớp dày 10-15 cm, hòa 1 kg chế phẩm Trichiderma và 200 ml Amino Chelate Tam Nông vào 150-200 lít nước, tưới đều theo từng lớp cho vừa đủ ẩm (nắm chặt chất ủ vào bàn tay thấy có nước rỉ ra kẽ tay là có độ ẩm vừa phải khoảng 60-65 %). Khi đống ủ cao đến 1,5 m thì dùng bạt đen phủ kín đống ủ để giữ ẩm. Khẳng định lợi ích của việc xử lí rơm rạ kết hợp bón phân lân nung chảy và đa yếu tố cho cây trồng, tại một hội thảo vừa qua, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân chia sẻ, khi còn làm Bí thư Huyện ủy Ba Vì, thấy đất lúa ở đó thường bị bệnh đen, nghẹt rễ, mỗi lần giao ban nghe cơ sở báo cáo xin giải pháp, ông đều khuyến cáo sử dụng phân lân nung chảy để bón thấy hiệu quả thấy rõ rệt. Về sau, cơ sở nào biết sử dụng lân nung chảy và phân đa yếu tố chuyên dụng để bón, các bệnh này đã được khống chế, năng suất lúa tăng rõ rệt.
Sau 8-9 ngày, nếu thấy nóng quá phải dỡ bạt ra, đảo lộn phía ngoài vào trong và tưới thêm nước. Khoảng 8-9 ngày sau đó, kiểm tra lại, nếu thấy mốc trắng đã mọc đều tưới nước cho ướt đẫm. Luôn giữ ẩm độ của đống ủ cao hơn 70% để chất thải chuyển hoàn toàn thành phân bón, quá trình này diễn ra tối đa trong vòng 15-20 ngày sau đó. Sang vụ đông trời lạnh có thể phải tới 25 ngày phân ủ mới hoai và chuyển sang đen mịn.
Đối với cây khoai tây, khoai lang, rơm rạ sau xử lý 15 ngày có thể phối hợp với Phân chuyên dụng Văn Điển đem bón an toàn, khi vào đất tiếp tục hoai mục, làm đất tơi xốp, tạo điều kiện củ khoai dễ phát triển. Đối với cây đậu tương, sau khi gieo thẳng, gieo gốc rạ, biện pháp phủ đất bằng rơm rạ phun trực tiếp Trichoderma là rất hiệu quả, làm rơm rạ mau hoai mục. Với giải pháp này, bào tử của vi nấm phát triển trong đất còn có tác dụng khống chế mầm bệnh như héo xanh, sương mai, phấn trắng, tuyến trùng ở cây trồng, giảm chi phí dùng thuốc BVTV độc hại.