NM chính thức hoạt động thử nghiệm từ trung tuần tháng 4/2017. Với quy mô công nghiệp, nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V, NM sử dụng công nghệ của Việt Nam do Công ty TNHH Thủy lực - Máy nghiên cứu và sản xuất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm NM Điện rác Gò Cát. |
Ông Nguyễn Gia Long, GĐ Cty TNHH Thủy lực - Máy cho biết, tính đến cuối tháng 6/2017, NM đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, phát và hoà vào lưới điện quốc gia 7MW điện. Ông Long nhấn mạnh, bản chất của công nghệ điện rác là chuyển hóa các vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy nên không phát thải thứ cấp, không ảnh hưởng đến môi trường. Sản phẩm sau rác là năng lượng xanh - điện rác.
Bãi rác Gò Cát đã đóng cửa từ năm 2007. Tổng lượng rác đang chôn lấp 5,3 triệu tấn. NM Điện rác Gò Cát được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng từ năm 2001, đến năm 2005 thì hòa lưới điện quốc gia. Theo đó, NM thực hiện thu khí mê tan từ bãi rác Gò Cát (đã đóng cửa) để phát điện.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động xử lý rác thải thành điện năng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện để hỗ trợ NM điện rác hoà vào lưới điện quốc gia. Giá bán điện của NM này hiện đang là 7,28cent/kw. Công nghệ điện rác có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại trước, phù hợp với đặc thù rác thải của Việt Nam và là điểm khác biệt đối với một số công nghệ khác hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở TN- MT phối hợp với các Sở, ngành liên quan thành lập hội đồng khoa học đánh gía hiệu quả công nghệ điện rác đang thực nghiệm. Mặt khác, cho phép Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM và Công ty TNHH Thủy lực – Máy lập đề án xử lý điện rác từ rác thải sinh hoạt với công suất chuyển hoá 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày thành 20MW điện. Tuy nhiên, phải nghiên cứu kỹ, không để phát sinh ô nhiễm môi trường.