| Hotline: 0983.970.780

Xử lý sạt lở - câu chuyện nhìn từ Thanh Hóa: [Bài 3] Áp lực lớn cho ngân sách

Thứ Năm 10/10/2024 , 09:30 (GMT+7)

Hàng nghìn hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở và nhiều gia đình có nhu cầu hạ độ cao để xây dựng nhà ở, trồng cây tăng gia sản xuất.

Chưa tận dụng hết đất đá thải

Do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 3 và số 4, cùng với mưa lớn kéo dài nhiều ngày, trên các tuyến Quốc lộ ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã xảy ra 182 điểm sạt lở taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Bài liên quan

Cụ thể như, trên tuyến Quốc lộ 15 xảy ra 10 vị trí bị sạt lở, khối lượng khoảng 4.100m3; trên tuyến Quốc lộ 15C xảy ra sạt lở tại 140 vị trí, với khối lượng khoảng 46.481m3; trên tuyến Quốc lộ 16 xảy ra sạt lở 9 vị trí; Quốc lộ 217 xảy ra 16 vị trí; Quốc lộ 47 xảy ra 7 vị trí… 

Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại các vị trí sạt lở, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã có thông báo phân luồng giao thông qua vị trí sạt lở taluy âm, lún sụt nền mặt đường trên các tuyến Quốc lộ. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ II Thanh Hóa huy động nhân lực, phương tiện đào xử lý toàn bộ nền mặt đường sụt lún sâu trung bình 2m; đắp trả nền đường sụt lún đầm chặt; đào thay đất và hoàn trả lại kết cấu mặt đường, đảm bảo thông tuyến. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều vị trí vẫn chưa giải phóng xong đất đá sạt lở do khối lượng vùi lấp khá lớn. 

Đất đá thải tràn xuống mặt đường do sạt lở tại huyện Quan Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Đất đá thải tràn xuống mặt đường do sạt lở tại huyện Quan Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Quản lý đường bộ II Thanh Hóa cho biết, hiện nay, các điểm sạt lở đất tại Quốc lộ 15, 15C, 16 chạy qua địa bàn huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân có hàng chục điểm sạt lở, với khối lượng đất đá lên tới hàng trăm nghìn m3. Sau gần 1 tháng, việc xử lý các điểm sạt lở mới chỉ đạt khoảng 40%, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông qua lại của các phương tiện giao thông. 

"Nguyên nhân là do bãi thải cách xa điểm sạt lở, phải vận chuyển xa hàng chục km mới có điểm tập kết đất, đá. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn thiết kế chậm xác minh khối lượng sơ bộ đất, đá sạt lở để đơn vị thi công tìm kiếm, tính toán phương án đổ thải. Ngoài ra, nhu cầu về đất san lấp tại các huyện miền núi không lớn, do vậy đất đá thải có thể sử dụng được không được tận dụng triệt để làm vật liệu san lấp. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nơi tập kết đất đá thải gặp khó khăn do các địa phương không có quy hoạch bãi thải”, ông Phước nói. 

“Với khối lượng đất đá sạt lở khá lớn, đơn vị đã liên hệ với chính quyền địa phương để mượn tạm đất, xử lý đất, đá thải tại các điểm sạt lở. Tuy nhiên, sức chứa của các vị trí này chỉ đạt khoảng vài chục nghìn m3, trong khi khi khối lượng đổ thải gấp hàng chục lần”, ông Phước nói.

Thực tế trên cũng cho thấy, khối lượng đất, đá sạt lở trong quá trình thi công có thể tận dụng làm vật liệu san lấp, nếu đổ thải thì sẽ lãng phí, gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc áp dụng các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn hợp lý (theo Luật Bảo vệ môi trường) sẽ biến công năng sử dụng đất đá thải thành vật liệu san lấp giúp địa phương quản lý và sử dụng vật liệu thải hiệu quả hơn.

Phương án nào có lợi nhất?

Tỉnh Thanh Hóa có hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở và nhiều gia đình có nhu cầu cải tạo mặt bằng, hạ độ cao để xây dựng nhà ở, trồng cây tăng gia sản xuất. Đây là vấn đề đề cấp thiết, hợp tình, hợp lý mà tỉnh Thanh Hóa đang áp dụng.

Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, khi xây dựng nhà ở, công trình của gia đình, cần phải đào khối lượng đất để tạo mặt bằng xây dựng, nhưng không thể thực hiện được vì điều kiện kinh tế không cho phép (chủ yếu là các hộ sống ở khu vực miền núi). Điều này khiến cho công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo sở TNMT Thanh Hóa, để thực hiện các phương án chống sạt lở cho hộ dân đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, có thể từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, tùy theo vị trí, khối lượng đất đá. Vì vậy, nếu xử lý sạt lở cho hàng nghìn hộ dân tại Thanh Hóa đang sống trong vùng sạt lở bằng tiền ngân sách thì, nguồn lực nhà nước phải chi một khoản tiền "khổng lồ".

Đơn cử như, việc khắc phục, xử lý sạt lở khẩn cấp cụm công trình công sở xã Trung Thành và Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Trung Thành huyện Quan Hóa sẽ tốn ngân sách từ 12-28 tỷ đồng nếu áp dụng các phương án đào bỏ toàn bộ phạm vi cung trượt trên mái ta luy hoặc gia cố mái ta luy bằng các lớp vải địa kỹ thuật...

Lực lương chức năng huy động máy móc để san gạt đất đá rơi vãi xuống lòng đường trên địa bàn huyện Quan Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Lực lương chức năng huy động máy móc để san gạt đất đá rơi vãi xuống lòng đường trên địa bàn huyện Quan Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Trong khi đó, theo tính toán của ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TNMT Thanh Hóa, nếu xã hội hóa công tác chống sạt lở, nhà nước sẽ không những không mất chi phí mà còn thu về số tiền khá lớn.

“Mỗi dự án chống sạt lở phải vận chuyển đất đá khoảng cách trung bình 5km (1 khối 2.000đồng/km), đồng thời phải tìm kiếm, thỏa thuận, giải phóng mặt bằng bãi đổ thải... Như vậy 100m3 chi phí ít nhất nhà nước phải chi 3 triệu đồng. Trong khi đó, nếu "xã hội hóa” công tác chống sạt lở thì ngân sách sẽ thu được 9.000 đồng/m3 vật liệu thải tận dụng để san lấp, trong đó có 2.200 đồng phí bảo vệ môi trường, 4.800 đồng thuế tài nguyên, 2.000 đồng tiền cấp quyền tận dụng khoáng sản", ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TNMT Thanh Hóa cho biết.

Ngoài ra, theo TNMT Thanh Hóa, phương án xây dựng các khu tái định cư để chuyển hẳn người dân sang ở nơi an toàn cũng đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, thế nhưng vấp phải nhiều khó khăn cả về quỹ đất ở và cả về nguồn kinh phí.

“Phương án di dân khỏi khu vực sạt lở khó thực hiện do thiếu quỹ đất và đất ở phải được quy hoạch trước. Do đó, giải pháp khả thi nhất hiện nay đó là kêu gọi doanh nghiệp vào thực hiện phương án chống sạt lở (hạ thấp độ cao để giảm thiểu nguy cơ sạt lở) theo hình thức xã hội hóa (doanh nghiệp bỏ chi phí và đề nghị tỉnh cho vận chuyển vật liệu thải cho các công trình có nhu cầu).

Điều này vừa tận dụng được đất đá thải từ phương án thi công chống sạt lở để làm vật liệu san lấp, vừa thu được ngân sách và giảm tải áp lực về giá trong bối cảnh nhiều dự án đang “khát” vật liệu san lấp", ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TNMT Thanh Hóa chia sẻ.

Vị trí sạt lở tại xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, đe dọa an toàn của các hộ dân. Ảnh: Quốc Toản.

Vị trí sạt lở tại xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, đe dọa an toàn của các hộ dân. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Hùng nói thêm, đối với phương án “xã hội hóa” việc chống sạt lở, trước tiên doanh nghiệp phải có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt đầu tư; kết quả thẩm định, đánh giá khối lượng cụ thể. Sau khi chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ hồ sơ, Sở TNMT sẽ trình UBND tỉnh xem xét để cấp phép. Khi được cấp phép khai thác, chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí theo quy định của pháp luật mới được khai thác để làm vật liệu san lấp.

Nếu thực hiện dự án, phương án chống sạt lở do nhà nước thực hiện, các Chủ đầu tư (UBND cấp huyện) phải căn cứ Luật ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công; Luật Phòng, chống thiên tai để đề xuất UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp hoặc chấp thuận chủ trương thực hiện; UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn, sau đó mới lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu. Quy trình này mất nhiều thời gian nên chậm trong xử lý sạt lở, trong khi nhiều dự án, phương án xử lý sạt lở phải cần thực hiện càng sớm càng tốt...

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.