Người dân yên tâm
Mảnh đất gia đình ông Hà Văn Biến đang ở (phố 9, thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa) có từ thời cha ông, rộng cả nghìn m2. Căn nhà tạm của ông Biến trước đây tựa lưng vào đồi thoải, hễ mưa bão là rung bần bật như muốn xô đổ mọi thứ trong nhà. Quả đồi lớn phía sau nhà ông Biến rộng cả héc-ta cao gần bằng tòa nhà chung cư mini chỉ trực chờ có mưa lớn là sạt xuống.
“Có năm, sau một trận mưa, đất đá trên đồi tràn xuống nhà, cao gần 2m. Đất trồng hoa màu phía sau nhà bị san phẳng, không một cây trồng nào sống sót sau những trận mưa lớn", ông Biến cho biết.
Nhà ông Biến chịu cảnh sống chung với sạt lở đất đã nhiều năm. Mỗi lần như vậy, mấy nhân khẩu của gia đình ông Biến phải tìm chỗ tránh trú an toàn sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương.
Để chống sạt lở, ông Biến thuê thợ thuyền đào rãnh thoát nước rộng 1,5m, sâu 1m, dọc hai bên hông căn nhà chính và xây tường bao để đất đá trượt xuống nhà. Vậy nhưng, chỉ sau một vài trận mưa lớn, đất đá sạt xuống, lấp cả rãnh thoát nước. Phía sau căn nhà còn hằn nguyên vết tích của đất đá sạt trượt.
Năm ngoái, ông Biến làm đơn, đề nghị chính quyền địa phương cho phép hạ thấp độ cao đất ở và đất đồi cùng thửa để xây nhà, ổn định đời sống.
Nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân, chính quyền địa phương đã kiểm tra thực địa, nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chống sạt lở cho hộ gia đình. Quá trình thực hiện, đơn vị thi công (Công ty Ngọc Sơn - Sao Vàng) đã thực hiện bóc toàn bộ lớp đất đá yếu bề mặt cho đến khi xuất hiện lớp đất sỏi đá bên trong để đảm bảo độ dốc hợp lý và an toàn.
Sau khi được đơn vị thi công san gạt, tạo mặt bằng, đầu năm 2024, ông Biến đã xây cất căn nhà khang trang. Phía sau khu đồi đã được hạ thấp độ cao, ông Biến đề nghị đơn vị thi công đắp lớp đất thịt để trồng ngô vừa tạo thu nhập, vừa giữ đất. Số lượng đất đã thừa sau khi thực hiện phương án chống sạt lở được Công ty cung cấp cho các dự án xây dựng trên địa bàn huyện Thọ Xuân theo hợp đồng đã ký.
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, đe dọa an toàn, tính mạng của các hộ dân trong mùa mưa bão, nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã triển khai khá hiệu quả phương án chống sạt lở, hạ thấp độ cao, tạo mặt bằng khu dân cư, giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Nhà nước lợi đôi đường
Thanh Hóa là địa phương có nhiều huyện miền núi, trung du, nhiều khu dân cư được bố trí sinh sống dọc theo các triền đồi, chân núi với ngành nghề sản xuất chính là nông, lâm nghiệp. Với địa hình đặc trưng của vùng miền núi, hầu hết nhà ở đều nằm trên các lưng chừng đồi núi cao, độ dốc lớn, nhiều vị trí cao, chênh lệch so với đường giao thông lên tới hàng chục mét, khiến không ít người dân gặp khó khăn trong xây dựng, sửa chữa nhà ở, canh tác nông lâm nghiệp. Ngoài ra những năm qua do diễn biến thời tiết khắc nghiệt, mưa bão nhiều nên nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Từ thực tế trên, các hộ dân đã đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, đề xuất cải tạo đất, xử lý chống sạt lở để thuận lợi cho việc xây dựng nhà ở, đảm bảo an toàn cho khu dân cư. Việc thực hiện phương án hạ thấp độ cao nhằm mục đích tạo mặt bằng xây dựng nhà ở và trồng cây lâu năm của một số hộ gia đình là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều địa phương trong tỉnh không có bãi thải vật liệu nên việc xử lý chất thải từ quá trình thi công phương án cải tạo đất, xử lý chống sạt lở gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các đơn vị thi công đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tận dụng vật liệu thải trong quá trình thi công để san lấp mặt bằng cho các công trình có nhu cầu để tránh lãng phí.
Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, UBND tỉnh chấp thuận cho phép tận dụng vật liệu thải làm san lấp đối với những phương án thực sự cần thiết phải thi công và được các ngành, địa phương thống nhất. Quá trình thực hiện, UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu quá trình thực hiện phương án đã được chấp thuận.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TNMT Thanh Hóa cho biết: "Quá trình thực hiện việc san gạt, hạ thấp độ cao cải tạo đất chỉ thực hiện ở khu vực cần thiết, bắt buộc phải làm và phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Nghiêm cấm việc lợi dụng tận thu để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép...".
Theo Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có 16 dự án, phương án cải tạo đất ở, xử lý sạt lở tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc… với khối lượng đất thải gần 500.000 m3, tương ứng hàng tỷ đồng tiền thuế được nộp vào ngân sách. Việc tận thu, sử dụng đất thừa trong quá trình cải tạo đất được các ngành chức năng đánh giá kỹ lưỡng trước khi UBND tỉnh cho phép tận thu. Khối lượng đất này bổ sung nguồn vật liệu san lấp đang khan hiếm để phục vụ các dự án, công trình đang thi công trên địa bàn, đóng góp nguồn thuế, phí vào ngân sách nhà nước.
”Hiện tại, toàn tỉnh có 39 mỏ khai thác đất san lấp đang còn thời hạn khai thác, công suất khai đến 2025 là 14,6 triệu mét khối, trong khi nhu cầu của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh là 81 triệu mét khối nên lượng đất san lấp phục vụ cho xây dựng, giao thông thiếu khá nhiều. Trong khi đó, với mỗi phương án cải tạo, xử lý sạt lở sẽ phải đổ thải từ 15.000m3 đến 40.000m3, nếu sử dụng được làm vật liệu san lấp sẽ bổ sung cho vấn đề khan hiếm vật liệu san lấp, nâng cao hiệu quả trong việc xử lý chất thải rắn, tăng thu cho ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TNMT Thanh Hóa cho biết.
Cũng theo ông Hùng, việc sử dụng vật liệu thải từ các phương án cải tạo, xử lý sạt lở phù hợp với quy định tại điều 64 Luật Bảo vệ môi trường (đất, đá thải từ hoạt đông xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu san lấp theo quy định).
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có gần 2.000 hộ dân phải sơ tán vì ngập và sạt lở đất, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Nhiều vị trí chưa được gia cố hay giật cấp taluy dương để hạ tải trọng trên đỉnh mái, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên đỉnh khi có mưa lớn kéo dài.