Đồi cheo leo trên đỉnh đầu
Bão lũ đi qua, “vơ vét” sạch cả xóm làng. Đó là chuyện xảy ra cách đây 5 năm tại Thanh Hóa khi trận lũ dữ kèm theo sạt lở tàn phá bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn), cướp đi sinh mạng của hàng chục đồng bào, nhiều căn nhà bị xóa sổ trong chốc lát. Phải mất nhiều năm sau cuộc sống của người dân nơi đây mới tạm trở lại bình thường.
Có đặt trong hoàn cảnh như vậy, người ta mới thấy sự nhỏ bé, mỏng manh của phận người trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, khó lường và không tuân theo quy luật, đã gây thiệt hại hết sức nặng nề, về người, tài sản, môi trường sinh thái, tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thiên tai không loại trừ một ai và rất khó đoán định nhưng có sức tàn phá khủng khiếp. Vì vậy việc phòng chống, ứng phó và sống chung với thiên tai cũng phải theo nhận thức mới, giải pháp phù hợp và hành động bài bản hơn là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Căn nhà của vợ chồng anh Hà Văn Tình thuộc diện khang trang và kiên cố nhất bản Pá (Phú Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Thanh Hóa), nhưng cũng không ngăn nổi sức tàn phá của thiên tai. Rạng sáng ngày 7/9/2024, vài tiếng uỳnh uỳnh từ quả đồi phía sau nhà anh Tình đánh thức gần 10 người đang say giấc.
Trong chốc lát, đất đá trên đồi bị kéo trượt, đổ ập xuống xuống căn nhà chính từ phía cửa hậu. Bức tường bao phía sau căn nhà phải ghì chống hàng tấn đất đá lở cao tới hơn 3 mét. Công trình phụ bị phá tan tành, vùi lấp dưới nền đất đá, không để lại dấu tích.
Khoảnh khắc ấy, anh Tình cảm nhận sự rung chuyển của mặt đất nên hô hoán mọi người chạy ra sân để lánh nạn. Đó cũng là địa điểm an toàn nhất, bởi tại bản Pá, đường xá đi lại khó khăn, nhìn quanh quẩn chỉ là đồi núi, cúi xuống là vực sâu, nên muốn tìm chỗ trú ẩn khó như... lên trời. May mắn thay, gia đình anh Tình và tổ thợ thoát nạn trong vụ sạt lở đồi.
Anh Tình “nằm lòng” địa hình nơi đây, thế nhưng người đàn ông ấy vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì vừa xảy ra. “Người tính không lại với trời. Ai mà nghĩ được ngọn đồi thấp phía sau nhà lại có thể sạt lở sau trận mưa lớn. May mắn vụ việc được phát hiện sớm nên mọi người mới bình an vô sự”, anh Tình chia sẻ.
Sau vụ sạt lở đồi, anh Tình nhờ vả người dân trong làng phụ giúp, khắc phục hậu quả. Người đàn ông nhẩm tính thiệt hại sau vụ lở đất gây ra lên tới 200 triệu đồng.
Rời căn nhà anh Tình, chúng tôi di chuyển sâu vào bản Vui (xã Xuân Phú), trên con đường dân sinh chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau. Đoạn đường 9km, phía trên là vách núi dựng đứng, phía dưới là vực sâu hoắm, nhưng có tới hàng chục điểm sạt lở taluy âm, đã được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo. Dọc tuyến, hiếm lắm mới bắt gặp một vài căn nhà trụ vững trên những mô đất đã san gạt bằng phẳng.
Ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân thấp thỏm, mất ăn mất ngủ mấy tuần nay để hỗ trợ dân chống sạt lở sau cơn bão số 3, 4. Theo cán bộ Được, dù là xã miền núi, cách khá xa tâm bão số 3, nhưng Xuân Phú lại dễ bị “tổn thương” bởi thiên tai do nền đất yếu và mưa lớn kéo dài.
Bởi vậy, chỉ sau cơn bão số 3, tại xã Phú Xuân 43 căn nhà bị hư hỏng; 13 hộ dân buộc phải di dời người và tài sản (tại các bản Giá, Mỏ, Phé) đến nơi an toàn để tránh trú. Khối lượng đất đá bị sạt lở hơn 2,3 nghìn m3.
Dân lo, xã cũng… lo
Gia đình chị Hoàng Thị Hoa (thôn Sơn Minh, xã Luận Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) sống thấp thỏm bên căn nhà tạm tựa lưng núi đã nhiều năm nay. Dù lập nghiệp tại mảnh đất này khá lâu, thế nhưng vợ chồng chị Hoa chưa bao giờ thoát khỏi cảnh chạy lũ mỗi khi mùa mưa bão đến.
Người phụ nữ chuyên việc nội trợ bị ám ảnh bởi thiên tai nên chẳng dám khuyên chồng xây nhà cao, cửa rộng. Năm ngoái mưa lớn nhiều ngày, khi nước từ trên núi ào ào đổ xuống nhà trong đêm tối, khiến vợ chồng con anh chị phải sơ tán khẩn cấp. Tài sản duy nhất cả gia đình mang theo khi ấy chỉ là bộ quần áo mặc trên người.
“Năm nào cũng vậy, cứ mưa lớn là nước từ trên núi ập xuống, mang theo cả bùn non và đất đá tràn vào nhà, dày cả gang tay. Cán bộ xã thường xuyên phải túc trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng hỗ trợ người và phương tiện di chuyển đến nơi an toàn. Bây giờ cứ đến mùa mưa bão là mấy hộ dân xóm núi không dám ở nhà vì lo sạt lở đất”, chị Hoa lo lắng.
Dù muốn bạt ngọn núi sau nhà để chống sạt lở, thế nhưng chị Hoa cùng nhiều hộ gia đình không đủ sức cáng đáng: “Nếu thuê mượn máy móc, nhân lực cũng phải mất cả trăm triệu đồng, trong khi điều kiện kinh tế không cho phép”, chị Hoa chia sẻ.
Cực chẳng đã, năm 2019, gia đình chị Hoa làm đơn, đề nghị chính quyền hỗ trợ phương án chống sạt lở. Vậy nhưng sau nhiều năm, 4 hộ dân thôn Sơn Minh vẫn phải “sống chung với lũ”.
Ông Cầm Thanh Xứng vừa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch xã Luận Thành tròn 1 tháng. Việc đầu tiên ông làm là xuống cơ sở, thống kê nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao để tìm giải pháp khắc phục. Theo ông Xứng, toàn xã có khoảng 30 hộ thuộc thôn Tiến Hưng, Thành Thắng, Sơn Minh thuộc diện có nguy cơ sạt lở. Thế nhưng, dù UBND xã muốn làm chủ đầu tư dự án chống sạt lở để giúp dân nhưng chính quyền không đủ sức làm việc này.
“Ước tính chi phí cho việc chống sạt lở lên tới gần 1 tỷ đồng, trong khi đó, kinh phí nhà nước cấp hằng năm phục vụ công tác phòng chống thiên tai chỉ hơn 30 triệu/năm. Do đó, địa phương không thể cân đối nguồn để thực hiện phương án chống sạt lở cho dân”, ông Xứng nói.
Ông Xứng cũng thẳng thắn, có hộ dân bị sạt lở đất vào nhà nhưng không dám đưa đất ra khỏi vị trí khác vì sợ quy kết là khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
“Theo quy định, việc thực hiện phương án chống sạt lở phải có địa điểm đổ đất đá (thải), tuy nhiên toàn huyện chưa quy hoạch được bãi thải. Trong khi đó người dân không được phép đưa đất đi nơi khác để tập kết. Nếu cứ quy định khối lượng đất thừa trong quá trình thi công chống sạt lở là khoáng sản thì người dân sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản mỗi khi mùa mưa bão tới”, ông Xứng cho biết.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa 6.603 hộ/28.237 khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất của 121 xã, phường, thị trấn/17 huyện, thị xã đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá.