| Hotline: 0983.970.780

Xứ Thanh mong mưa

Thứ Năm 08/07/2010 , 11:14 (GMT+7)

Hiện xứ Thanh có 250 hồ/406 hồ đã không còn nước. Mực nước trên các sông lớn như sông Mã, sông Lèn, sông Chu, sông Bưởi, sông cầu Chày… rất thấp. Mặn xâm nhập vào toàn bộ hệ thống kênh...

* 10.527 ha lúa mùa đã chết

Ruộng đồng khô nứt nẻ trên cánh đồng huyện Hậu Lộc

Hiện xứ Thanh có 250 hồ/406 hồ đã không còn nước. Mực nước trên các sông lớn như sông Mã, sông Lèn, sông Chu, sông Bưởi, sông cầu Chày… rất thấp. Mặn xâm nhập vào toàn bộ kênh De, sông Càn, sông Hoạt và lấn sâu vào sông Lèn đến 20km, thời gian vận hành các trạm bơm chỉ được 8-12 tiếng trong ngày. Tại trạm bơm Nam Sông Mã mực nước chỉ đạt 2.98m, vận hành được 3 máy/5máy.

Thống kê chưa đầy đủ tỉnh Thanh cho thấy hạn hán đã làm cho 585,9 tấn mạ giống chết và bị già, tương đương cấy được 12.412 ha. Số diện tích lúa hiện nay chưa cấy được xấp xỉ 30 ngàn ha. Đặc biệt có 10.527ha lúa mùa đã chết cháy và gần 18 ngàn ha lúa cũng đang trước nguy cơ khô héo vì không đủ nước tưới dưỡng. Ngoài ra có 7.427ha ngô vụ Xuân Hè và vụ Thu Mùa không cho thua hoạch. Các cây trồng khác như mía, lạc, đậu tương và rau đậu các loại cũng bị hạn nặng và tỷ lệ chết rất cao.

Vùng đồng bằng, diện tích lúa đã cấy không đủ nước tưới dưỡng có khả năng hạn là 7.684 ha, lớn nhất huyện Nông Cống 4.000ha, Triệu Sơn 1.084 ha, huyện Thọ Xuân 1.000 ha, Vĩnh Lộc 700ha; huyện Hà Trung 500 ha, huyện Đông Sơn 300ha. Vùng ven biển: Diện tích đất chưa có nước để gieo cấy 4.165 ha, ảnh hưởng xâm nhập mặn, thời gian vận hành các trạm bơm bị hạn chế.

Riêng huyện miền núi Mường Lát nguy cơ mất trắng vụ mùa và cái đói sẽ còn tiếp tục hoành hành nơi miền biên cương heo hút cồn mây này. Đến Mường Lát vào thời điểm này sẽ thấy những sườn đồi bạt ngàn ngô và lúa rẫy đã đổi từ màu xanh thẫm sang màu vàng úa. Người dân đang lo âu khi nghĩ đến miếng cơm, manh áo, việc học hành của con cái trông chờ vào những rẫy ngô, rẫy lúa đang chết dần, chết mòn do nắng hạn. Chi Khuê- trưởng phòng NN huyện cho biết là toàn huyện đã có 4.200ha/6.250 ha ngô lai và lúa nương chết cháy.

Gia đình ông Lò Văn Thịch, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu có diện tích ngô lai và lúa nương nhiều nhất bản. Những năm trước, mỗi vụ gia đình ông thu hoạch được hàng chục tấn ngô, trong kho lúc nào cũng có vài chục bì thóc dự trữ. Mọi chi phí trong gia đình đều dựa vào hạt bắp. Ông Thịch nói: “Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào ngô. Ngay từ đầu vụ, nhà đã mở  rộng diện tích để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Do đó, vụ này gia đình gieo 15 kg ngô giống, 40 kg giống lúa rẫy. Chỉ tính riêng tiền giống cũng đã mất hơn 1 triệu đồng, chưa kể mấy tháng trời ròng rã cả nhà tập trung phát cỏ, làm đất, gieo tỉa và chăm sóc. Từ khi cây ngô mọc được khoảng hơn một gang tay đến nay không có một hạt mưa nào nên cây không lớn được mà cứ vàng úa và héo teo. Không biết rồi đây khi nguồn lương thực dự trữ cạn kiệt thì lấy gì để ăn”. Con trai ông Thịch thì buồn rầu: “Bằng giờ này năm trước, nếu có việc gì lớn cần dùng đến tiền thì có thể đến nhà thương lái ứng tiền rồi khi thu hoạch trừ vào hạt ngô, hạt lúa. Còn năm nay thì không hy vọng gì nữa, chắc sẽ đói lắm đây”. 

Gia đình Ông Hà Văn Phềnh, ở bản Mường, xã Quang Chiểu cũng rơi vào tình trạng thất thu. Các thành viên trong nhà ông Phềnh giờ phải kiếm tìm nhiều công việc khác để sống. Chị Vi Thị Lụa, con dâu ông Phềnh vừa tách hạt dược liệu vừa nói: “Năm nay nắng quá, ngô mất hết cả rồi, vợ chồng em cũng như bà con ở đây ai cũng phải đi tìm việc làm để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Chồng em đi làm thuê, em thì đi sang tận đất Lào để hái quả dược liệu về bán. Năm nay mất mùa, cả bản tập trung đi hái dược liệu nên ngày càng khó lấy. Mỗi ngày phải đi hàng chục cây số đường rừng từ sáng sớm đến xế chiều mới về nhà. Mệt lắm nhưng vẫn phải cố, không làm thế thì biết lấy gì để sống, để nuôi con”.

Thực trạng trên cho thấy, nếu cứ tiếp tục duy trì một nền sản xuất lương thực thuần túy như hiện nay thì đời sống của nông dân ở Mường Lát sẽ rất khó khăn. Với đặc thù là một huyện miền núi cao, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới 53% dân số thì khó khăn lại chồng chất khó khăn khi hạn hán càng gay gắt hơn. Người dân nơi đây họ mong muốn có cơn mưa để xua đi cơn khát.

Tại các huyện Thạch Thành, Hà Trung hai bên bạt ngàn những nương ngô mới trổ cờ nhưng đã chuyển sang màu vàng úa. Nhìn những nương ngô thiếu nước đang héo dần, người dân như ngồi trên chảo lửa. Anh Phạm Văn Trung, thôn 1, xã Hà Tiến (Hà Trung) buồn rầu: “Bao nhiêu công sức tiền của đầu tư cho một mẫu ngô giờ ném cả xuống đất hết rồi, vụ này trắng tay hoàn toàn. Chỉ còn biết đi làm thuê kiếm tiền đong gạo”.

Nhiều gia đình ở xã Ngọc Trạo huyện Thạch Thành đang vừa đối mặt với nắng hạn lại phải đối mặt với những khoản nợ vay nóng hàng chục triệu đồng để mua giống, phân bón, công chăm sóc vụ ngô thì nay cũng chịu cảnh trắng tay. Anh Tôn Viết Cừ, xã Ngọc Trạo trồng 3 ha ngô lai trong vụ hè thu này, nhưng khi ngô trổ cờ thì rơi vào đúng dịp nắng hạn gay gắt nhất nên không có hạt và đang chết dần trên những sườn đồi khô khốc trơ trọi.

Huyện Tĩnh Gia, nơi được coi là “chảo lửa” của miền Trung và là nơi nóng nhất cả nước trong những ngày qua. Nền nhiệt độ đo được tại đài khí tượng có những thời điểm ở Tĩnh Gia lên đến 40,5 - 42 độ C, nền nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến trên 45 độ C. Còn tại huyện Hậu Lộc, hàng trăm hộ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Do nguồn nước bị nhiễm mặn nên phần lớn người dân xã Hải Lộc chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa, nhưng thời gian qua, thời tiết nắng hạn nên bể chứa nước của các gia đình đã cạn kiệt. Do nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều người mắc các bệnh ngoài da và đường hô hấp. Ông Ngô Văn Quyết, thôn Trường Nam, xã Hải Lộc chia sẻ: “Chúng tôi phải đi sang khe suối mua nước có thời điểm lên đến 10.000 đồng/can 20 lít, không có gì khổ bằng thiếu nước. Nước sông suối mua về chỉ lắng qua dùng cho cả tắm rửa và ăn uống hàng ngày”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ lúa đông xuân 'vui như tết' của nông dân Quảng Trị

Đến cuối tháng 4, nông dân Quảng Trị đã thu hoạch gần 60% diện tích lúa đông xuân, dự kiến sẽ kết thúc thu hoạch trước 10/5; năng suất đạt 6,1 - 6,2 tấn/ha.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm