| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu cau, thu nghìn tỷ: [Bài 2] Hướng đến xuất khẩu bền vững

Thứ Ba 29/10/2019 , 08:43 (GMT+7)

Làng nghề cau Cao Nhân xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc đã trên 20 năm, nhưng về cơ bản giá cả vẫn bấp bênh.

17-36-38_cu3
Cau được thu mua khắp nơi mang về Cao Nhân sơ chế.

Nguyên nhân phần lớn do sản phẩm cau mới chỉ sơ chế, chưa kiểm soát được chất lượng.
 

Giải quyết bài toán khó khăn đầu ra

Toàn xã Cao Nhân có hơn 3.000 hộ, cơ bản hộ nào cũng trồng cau, nhà ít cũng một sào Bắc Bộ, nhà nhiều tới hơn 1.000 cây. Từ năm 2007, UBND TP Hải Phòng có quyết định công nhận Làng nghề trồng và chế biến cau Cao Nhân, diện tích trồng cau không ngừng được mở rộng, các hộ kinh doanh tăng lên.

Phong trào trồng cau lan dần sang một số xã khác trong huyện như Chính Mỹ, Hợp Thành… Hàng năm địa phương này thu mua và sơ chế trên dưới 5 nghìn tấn cau khô và 100% phục vụ cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, làm nghề cau không dễ ăn, theo người dân địa phương, hơn 20 năm xuất khẩu cau sang Trung Quốc, những năm cau được giá chỉ đếm trên đầu ngón tay như năm 1994, 2004, 2015… còn lại giá cả lên xuống khó lường. Một vấn đề mang tính “tử huyệt” liên quan đến xuất khẩu cau ở Cao Nhân chính là đầu ra.

Tìm hiểu của PV NNVN cho thấy, sản phẩm cau của người dân chủ yếu là cau đã sấy khô. Cau chưa thuộc danh mục mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái phía đối tác, nếu sản phẩm không đạt yêu cầu hoặc vì lí do nhu cầu giảm sút họ dừng thu mua thì thương lái Việt Nam mất trắng. Có thời điểm, hàng đoàn xe chở cau khô từ Cao Nhân đi, nghẽn ở cửa khẩu Lạng Sơn vì không bán sang Trung Quốc được. Những người buôn cau phải thuê kho chứa, ăn chực nằm chờ nhiều ngày trời nhưng cũng không bán được, cau mốc hỏng, phải đổ bỏ toàn bộ. Họ trở về, đóng cửa các lò cau.

Anh Nguyễn Văn Cung, thôn 5 xã Yên Lý, một thương lái chia sẻ: Nếu bên họ dừng thu mua thì bên Việt Nam hầu như phải đóng cửa. Bên họ cho giá như thế nào thì thương lái Việt Nam thu mua theo giá đấy. Mặt khác, cau xuất khẩu phải đảm bảo theo kích cỡ và cau phải đạt chất lượng, sau khi ra lò phải đồng đều theo tiêu chuẩn chung theo yêu cầu của họ nếu không sẽ bị trả lại hàng.

“Theo tiêu chuẩn kích cỡ thì thương lái sẽ căn cứ vào khoảng bao nhiêu quả trên 1kg, còn nếu quả bé quá hoặc ít quả quá mà quả của nó già phồng to quá thì thương lái cũng sẽ không nhập. Mã hàng đạt tiêu chuẩn là mã hàng phải có màu xanh đen, nếu trắng quá hoặc có màu đỏ đều không đạt. Khi đó người mất chính là thương lái bọn em, nhiều người phá sản tay trắng vì điều này”, anh Cung nhấn mạnh.

Năm nay, cau được xem là mất giá, cau khô xuất sang Trung Quốc chỉ được khoảng 80.000 đồng/kg. Tại Cao Nhân chỉ còn khoảng 50 hộ thu mua và xuất khẩu cau khô. Những cơ sở lớn, hàng năm xuất khẩu khoảng 500 tấn thì nay cứ 3 ngày mới xuất 1 chuyến hàng, mỗi chuyến chỉ 10 tấn.

Hiện tại, các thương lái lẻ tẻ thu mua cau của các hộ dân trong vùng, nếu thiếu hàng thì sẽ thu mua thêm các khu vực lân cận, giá chỉ đạt khoảng 1/3 năm 2018.

Về vấn đề này, ông Hoàng Bảo Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Nhân chia sẻ: Thị trường Trung Quốc rất khắt khe, giá cả thay đổi từng năm. Trong khi nguồn nguyên liệu không tập trung, phân bố khắp cả nước nên hoạt động thu mua, sơ chế nhiều lúc gặp khó. Đôi khi khó kiểm soát chất lượng cau đầu vào, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến giá cả cho mùa sau.

Để khắc phục, không còn cách nào khác ngoài việc cần có thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, sau đó ký kết hợp đồng với đối tác để ổn định đầu ra. Có như vậy cả người sản xuất và người kinh doanh đều yên tâm.
 

Hướng đến xuất khẩu bền vững

Hiện, mặt hàng cau thường không ổn định và phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu của Trung Quốc. Mặt khác thương lái hai bên hợp đồng với nhau theo những mối quen biết riêng, đơn lẻ, không theo một tổ chức hay tập thể nào, ai tìm được nhiều mối bán hàng thì sẽ thu nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng có nhiều chủ cau, thương lái Việt Nam cũng có nhiều người tham gia thu mua và xuất khẩu cau. Điều này rất dễ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến giá cả.

Do đó, khi phía Trung Quốc bất ngờ không nhập nữa hoặc không có nhu cầu thì nhiều hộ kinh doanh cau lao đao. Giai đoạn 2011 - 2013, khi nhu cầu tiêu thụ cau bên Trung Quốc giảm mạnh nhiều hộ ở Cao Nhân rơi vào tình cảnh khốn đốn, nợ nần vì đầu tư vào lò sấy cau không phải ít.

Ông Hoàng Văn Đoàn, một thương lái hàng năm xuất khẩu khoảng 2 nghìn tấn cau sang Trung Quốc bộc bạch: Người Trung Quốc họ làm giá với mình bằng này, nhưng các thương lái Việt Nam cạnh tranh nhau không lành mạnh, tự nâng giá lên hoặc thu mua ồ ạt để kéo người bán về phía mình. Khi đó một là chất lượng không đảm bảo, hai là bán không có lời. Nhiều người đẩy giá lên khi bên Trung Quốc họ không mua nữa dẫn đến đổ bể, hàng hóa không bán được, phá sản vì lẽ đó.

“Năm ngoái mua quá nhiều, chất lượng cau không đảm bảo, giờ tồn kho hàng nghìn tấn, riêng chủ thu mua của anh Đoàn còn dư 4.000 tấn cau. Nên năm nay mua ít, chất lượng cau phải tốt. Giờ nếu mình đảm bảo chất lượng, mẫu mã như họ yêu cầu thì có bao nhiêu họ cũng mua sạch”, anh Đoàn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Trung Quốc phá giá đồng NDT nên ảnh hưởng đến nhập khẩu, trong đó có nông sản. Theo đó những người nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, số tiền bỏ ra để mua hàng nhiều hơn mọi năm, thương lái ép giá tư thương Việt Nam và tư thương ép xuống người dân khiến cau mất giá.

Việc mất giá này không chỉ riêng mặt hàng cau mà còn đối với các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Để khắc phục những bất cập này, chính quyền địa phương, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua, trong đó mục tiêu và hướng sản xuất quy củ, có thương hiệu.

Ông Tăng Xuân Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT Hải Phòng) cho biết: Sẽ hỗ trợ tuyệt đối về mặt pháp lí và hướng dẫn người dân để thành lập các HTX, hoặc DN để góp phần duy trì và phát triển sản phẩm của làng nghề truyền thống. Việc hướng sản phẩm cau Cao Nhân tiến tới xuất khẩu bền vững luôn là sự quan tâm lưu ý của các cấp chính quyền.

Bà Hoàng Thị Hát, Chủ nhiệm HTX Cao Nhân, cũng là chủ cau, cho hay: “Nghề chế biến cau xuất khẩu hiện tại mới sản phẩm thô, sơ chế để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đa phần chủ lò sấy các nơi, sấy và xuất sang Trung Quốc là người con của Cao Nhân. Tuy nhiên, sản phẩm chưa có tem mác, thương hiệu nên giá cau bếp bênh. Hiện tại đã có HTX, nhưng mới quy mô nhỏ. Phải quy tụ các hộ kinh doanh vào, có tiếng nói, có con dấu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì mới ký hợp đồng mua bán, mới bình ổn được giá, mang lại đời sống tốt hơn cho người dân”.

Cây cau ở Cao Nhân không chỉ tạo nên nghề truyền thống giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của nông thôn Hải Phòng. Do đó, bên cạnh việc thu hoạch sản phẩm cau, cần có những tính toán và đầu tư để biến đất cau Cao Nhân thành vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất